Hơn 1.570 bức xúc của cử tri được giải quyết

Thời sựThứ Tư, 23/11/2011 02:11:00 +07:00

(VTC News)– Đến 26/11/2011, Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ trả lời đầy đủ 1.571 kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới kỳ họp thứ 8 và 9 Quốc hội khóa XII.

(VTC News) – Đến ngày 26/11/2011, Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ trả lời đầy đủ 1.571 kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới kỳ họp thứ 8 và 9 Quốc hội khóa XII.

Sáng nay (23/11), Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày trước Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám và kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII.

Ông Nguyễn Đức Hiền cho biết, trong số 2.282 ý kiến, kiến nghị của cử tri, sau khi phân loại những kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri tại các kỳ họp trước và các kiến nghị thuộc trách nhiệm giải quyết của địa phương, còn lại 1.571 kiến nghị được chuyển tới cơ quan TƯ.

Nội dung kiến nghị về ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KTXH; xây dựng nông thôn mới; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế;

Quan tâm hơn nữa đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người có công; cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; khắc phục tình trạng lạm thu đóng góp ngoài học phí; giải quyết vướng mắc trong thi hành pháp luật đất đai… Đây là những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần.

Kết quả, đến ngày 26/9/2011, Chính phủ, các bộ và các cơ quan ngang bộ đã trả lời đầy đủ 1.271 kiến nghị của cử tri, trong đó, 896 kiến nghị được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết; có 262 kiến nghị được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, đang xem xét giải quyết;

Có 187 kiến nghị được ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách trong thời gian tới; có 125 kiến nghị được cơ quan có thẩm quyền giải trình, cung cấp thông tin; có 101 kiến nghị sẽ được các bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương để nghiên cứu, giải quyết.

Theo ông Hiền, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Ủy ban TVQH đã kiến nghị như: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Biểu giá bán lẻ điện theo quy định của Luật điện lực, bảo đảm việc hỗ trợ thông qua giá điện đúng đối tượng là hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp;

Quy định về cơ chế phát triển các dự án điện gió; chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác từ năm 1995, chưa có điều kiện được hưởng chế độ hưu trí…

Cử tri mong muốn bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành giá, Quỹ bình ổn giá và trong kinh doanh xăng dầu (Ảnh: VNE).
“Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của cử tri, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước” – ông Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng Ban dân nguyện, Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện các văn bản có nội dung liên quan đến tài chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trên cơ sở đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, trước hết là sửa đổi bổ sung quy định về đối tượng được miến, giảm học phí, được hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa; xem xét lại việc quy định tất cả các cơ sở giáo dục cùng đồng loạt phải trích 40% học phí thu được để đảm bảo nguồn thực hiện mức lương tối thiểu tăng thêm.

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 84 của Chính phủ (ngày 15/10/2009) về kinh doanh xăng dầu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, trong đó có cơ chế trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành giá, Quỹ bình ổn giá và trong kinh doanh xăng dầu.

UBTV Quốc hội cũng đề nghị Bộ GD&ĐT kịp thời bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của Ban đại diện cha, mẹ học sinh nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục; tăng cường thanh tra, kiểm tra các khoản thu chi học phí, lệ phí và các khoản đóng góp ngoài học phí, lệ phí theo quy định pháp luật…

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn