"Hơn 1.019 lao động chỉ có 70kg gạo một bữa"

Thời sựThứ Ba, 05/04/2011 12:06:00 +07:00

(VTC News) - Vừa bước xuống khỏi tàu, một người đàn ông quê ở Hà Tĩnh mặt mũi tái nhợt, bước chân loạng choạng bám vào người bạn để về ghế chờ...

(VTC News) – Vui mừng trở về đến quê hương sau một cuộc chạy loạn kinh hoàng từ Libya và gần một tháng dài lênh đênh trên đại dương, hơn 1.000 lao động cho biết: họ cảm thấy vui vì may mắn thoát chết. Giờ khi nỗi sợ đã qua đi thì trước mắt họ là gánh nặng “cơm áo gạo tiền”...

Hành trình dài thiếu thốn…

Vừa bước xuống khỏi tàu, một người đàn ông quê ở Hà Tĩnh mặt mũi tái nhợt, bước chân loạng choạng bám vào người bạn để về ghế chờ. Anh thều thào không ra tiếng: “Tôi mừng lắm! Được về đến đất mẹ, sắp được gặp vợ con rồi. Nhưng trên tàu chúng tôi thiếu thốn lắm. Hơn 1.019 lao động chỉ có 70kg gạo một bữa. Mỗi suất chỉ một lưng cơm thôi. Thời gian trên tàu lại quá dài nên giờ cảm thấy cơ thể suy nhược rã rời…”. Vừa nói dứt câu, người đàn ông lịm đi và mau chóng được các bác sỹ đưa lên xe cấp cứu.

Nhiều người lao động đã bị đột quỵ sau một chuyến hành trình dài lênh đênh trên biển.

Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Tất Minh ở Đô Lương, Nghệ An chia sẻ: “Những ngày nằm chờ ở trại tế bần gần biên giới Libya, tôi và nhiều người Việt luôn trong tâm trạng mong manh giữa sự sống và cái chết. Chỉ ao ước làm sao được sớm về quê hương đoàn tụ với gia đình. Giờ được về đến nơi rồi lại thấy tủi thân vì những ngày đói khát vừa qua. Anh em nhiều người đói lắm. Không ăn được mì trên tàu của nước bạn. Nhiều anh em ăn cơm không no nên cũng phải cố nuốt thêm bánh mì cầm hơi”.

Hạnh phúc khi được về đến nhà, anh Trịnh Xuân Tuấn (24 tuổi) quê ở Hải Dương đã mau chóng điện thoại về cho gia đình thông báo. Cuộc nói chuyện ngập tràn nước mắt: “Con không nghĩ mình còn sống trở về. Ở bên đó sợ lắm bố mẹ à. Ngay cả khi còn ở trên tàu con vẫn còn không hết lo khi lênh đênh giữa đại dương rộng lớn, thực phẩm và nước vô cùng thiếu thốn. Giờ được đặt chân xuống đất liền rồi, con sẽ sớm về với bố mẹ thôi".

Bỏ lại nỗi sợ, đối mặt với nỗi lo

Không bị đột quỵ vì thiếu thốn và say sóng như nhiều người, bác Hoàng Văn Sách (56 tuổi) trú tại Phổ Yên, Thái Nguyên mau chóng tìm cho mình một chỗ nghỉ ngơi khi vừa xuống tàu. Trên khuôn mặt gày gò, đôi mắt ông để lộ rõ sự lo lắng. Chốc chốc ông lại xoa tay lên ngực vì ấm ức. “Gia đình tôi chạy vạy được gần 40 triệu để lo cho tôi đi xuất khẩu lao động với hi vọng kiếm được tiền lo cho 6 người con ở nhà ăn học, nay vì một cuộc binh biến, tôi mất tất cả. Nợ nần ở nhà vẫn chưa trả hết, lương 2 tháng làm việc bên đó giờ coi như mất trắng. Về đến nhà là may rồi, nhưng tôi lại thấy lo hơn là mừng…”, ông Sách cho hay.

Ông Hoàng Xuân Sách chia sẻ về nỗi lo nợ nần sau khi về nước.

Không chỉ riêng mình ông Sách có những nỗi lo như vậy, anh Nguyễn Quang Trung (24 tuổi) quê ở Hà Tĩnh cũng bùi ngùi chia sẻ: “ Sau cơn đại họa Libya là nỗi lo “miếng cơm manh áo” của gia đình em, anh à. Em học hành không đến nơi đến chốn, ở nhà bố mẹ đều làm nông nghiệp cả, thu nhập một tháng chưa đến một triệu đồng. Nhà quá nghèo nên gia đình mới quyết tâm vay tiền cho em đi xuất khẩu lao động. Ông trời không có mắt, gia đình đã thiếu thốn nay em về nhà lại càng thêm lo hơn. Nhiều anh em trên tàu có hoàn cảnh cũng bi đát lắm. Nhiều người trước khi đi còn nợ đến gần trăm triệu đồng, vợ con ở nhà hi vọng vào đồng lương họ gửi về để trả nợ và chi tiêu. Khi biết mình đã trắng tay hoàn toàn, nhiều đêm có anh đã phải bật khóc…”

Tài sản của hơn 1.000 người đàn ông trên con tàu về đến Cái Lân ngày hôm nay chỉ là những chiếc va li nặng trĩu áo quần, những tấm chăn bông được phát vội bên Libya khi chạy loạn và bộ quần áo bảo hộ lao động vẫn còn lấm lem còn khoác trên người. Lương bình quân 200 USD/tháng, họ chưa kịp tích góp, dành dụm gì bên Libya thì binh biến đã xảy ra. Hôm nay được trở về quê hương, nỗi sợ hãi không còn nhưng cái lo về những hợp đồng dở dang vẫn còn đè nặng lên vai và tâm trí của họ…

Chính quyền sẽ chung tay chia sẻ


Trong buổi đón đoàn lao động tại Cái Lân sáng ngày 4/4, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh: “Con tàu ANK LINES cập cảng ngày hôm nay là một điều rất đỗi vui mừng đối với chúng ta. Hơn 1.000 công dân Việt Nam đã may mắn về nước an toàn. Hành trình dài của con tàu đã kết thúc, nhưng giờ chúng ta cũng cần phải có những chính sách thiết thực để đảm bào quyền lợi và công ăn việc làm cho họ sau khi về nước. Lãnh đạo Bộ đã thống nhất quan điểm là hỗ trước mắt cho các lao động về nước một triệu đồng. Sau đó, các doanh nghiệp có lao động sẽ nhanh chóng tiến hành thanh lý hợp đồng để bồi hoàn rủi ro cho các lao động. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới để đưa những người lao động từ Libya về tiếp tục đi làm việc nếu họ có nhu cầu và phải ưu tiên hàng đầu những đối tượng này. Bên cạnh đó, Bộ cũng kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tích cực nhận người vào làm và hiện đã có nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tuyển nhiều lao động trong số này. Chúng tôi hi vọng đó là động lực lớn để chia sẻ với những người lao động gặp rủi ro tại Libya”.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Nguyễn Xuân Hòa, chia sẻ với người lao động trở về từ Libya và hứa sẽ có nhiều phương án để hỗ trợ họ sau khi về nước.

Cùng quan điểm với lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, ông Đặng Duy Hậu, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết: “Tuy không có lao động về trong chuyến tàu này, nhưng nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, chúng tôi đã mau chóng kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh lên phương án nhận bổ sung lao động từ Libya về nước. Viglacera đã có kế hoạch nhận lao động từ Libya vào làm việc nếu họ có nhu cầu”.

Thay mặt cho các doanh nghiệp có lao động đưa đi xuất khẩu tại Libya, ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch hội đồng thành viên, Công ty cổ phần phát triển quốc tế Việt Thắng chia sẻ: “Dù các doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu lúc này cũng đang gặp khó khăn nhưng không vì thế mà chúng tôi quên đi  trách nhiệm của mình. Một mặt chúng tôi sẽ phải hoàn thành công tác lo cho các lao động về đến quê nhà an toàn, chu đáo, sau đó chúng tôi sẽ mau chóng giải quyết các chế độ cho người lao động của công ty mình và có các đề án tiếp tục phát triển thị trường đưa lao động tiếp tục đi làm tại các nước như Đài Loan, Malaysia… Nhiệm vụ của chúng tôi là không để cho một lao động nào thất nghiệp khi về đến quê nhà”.

Quang Tùng


Bình luận
vtcnews.vn