Hồi ức về dòng nhạc 'Mưa bụi' vàng son một thời

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 16/10/2014 03:12:00 +07:00

(VTC News) - Dòng nhạc 'Mưa bụi' đã thực sự làm nên một cuộc cách mạng âm nhạc khi kết hợp tân nhạc với kỹ thuật cổ nhạc trong những ca khúc trữ tình quê hương.

(VTC News) - Dòng nhạc 'Mưa bụi' đã thực sự làm nên một cuộc cách mạng âm nhạc khi kết hợp tân nhạc với kỹ thuật cổ nhạc trong những ca khúc trữ tình quê hương.

Trong số những dòng nhạc mang âm hưởng dân gian, người hâm mộ chắc hẳn còn nhớ vào khoảng 20 năm trước, đã có thời những bản tân nhạc mang âm hưởng trữ tình quê hương làm nên một cuộc cách mạng: Cuộc cách mạng mang tên Mưa bụi.
Mưa bụi
Cuộc cách mạng mang tên Mưa bụi

Những năm đầu thập kỷ 90, âm nhạc Việt gắn liền với những cái tên như Nhã Phương, Bảo Yến, Ngọc Ánh, Ngọc Sơn. Những tên tuổi này từng làm mưa làm gió với những bản nhạc rock sôi động, dòng nhạc Tình ca đỏ hay những bản nhạc vàng trước năm 75.

Những tưởng sự phát triển mạnh mẽ của những dòng nhạc trên sẽ không nhường đường cho bất cứ thể loại âm nhạc nào khác ‘có đất’ đi lên. Thế nhưng, những năm ấy cũng chính là thời kỳ ‘đầu thai’ cho thể loại tân nhạc kết hợp với cổ nhạc, mà sau này, dòng nhạc đó được đặt hẳn cho một cái tên: Mưa bụi.

Thời kỳ ấy, phương tiện truyền thông chưa phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm băng đĩa cũng gói gọn trong vài chiếc băng catsette, video.

Mà cũng không phải ai cũng có điều kiện được thưởng thức những sản phẩm này, bởi có được chiếc đài catsette thì hẳn là khá giả lắm. Nếu có, thì cũng là âm nhạc hải ngoại với những cái tên Hương Lan, Linda Trang Đài…

Thế nên khán giả, nếu muốn nghe âm nhạc ‘nội’, chỉ còn cách đến những tụ điểm sân khấu ngoài trời, một số sân khấu tỉnh để trực tiếp nghe những ca sỹ thời bấy giờ biểu diễn. Cũng chính bởi những lý do ấy, mà thị trường âm nhạc trong nước còn manh mún, nghèo nàn và lạc hậu.
Mưa bụi
Nắm bắt được thực tại, nhạc sỹ Hữu Minh, ông chủ của hãng đĩa Kim Lợi mong muốn có được một thử nghiệm mới, một dòng âm nhạc mới mang bản sắc của Việt Nam, mang hơi hướng dân ca nhưng với những kỹ thuật nhạc nhẹ.

Cơ hội đã đến khi nghệ sỹ cải lương Tài Linh ghé qua Kim Lợi, thu âm thử những ca khúc Hữu Minh viết và được nhạc sỹ Vinh Sử, người được mệnh danh là ‘ông vua nhạc sến’ lúc bấy giờ biên tập.

Clip Mưa bụi của Tài Linh, Ngọc Hải:

Clip: Mưa bụi 2 của Đình Văn - Tài Linh:

Sau những khó khăn ban đầu của việc cho ca sỹ làm quen với thể loại nhạc mới, sản phẩm đầu tiên của Kim Lợi đã đánh trúng tâm lý của người nghe nhạc khi doanh số bán ra của những băng cát sét này dần dần tăng lên vượt quá sự mong đợi.

Cũng từ khi khai sinh ra dòng nhạc ‘tân cổ giao duyên’ này, Hãng phim Trẻ và Kim Lợi đã có ý tưởng quay lại những cảnh đẹp của Việt Nam cùng những ca sỹ trong dự án. Đây được coi là sự khởi đầu mới mẻ cho các MV ca nhạc Việt Nam sau này.

Ý tưởng này khá liều lĩnh bởi người yêu nhạc trong nước khi đó còn khá lạ lẫm với những MV ca nhạc, nếu có thì cũng chỉ là những sản phẩm hải ngoại được quay trên sân khấu. Còn các ca sỹ trong nước rất ít người phát hành những MV ca nhạc được đầu tư công sức, máy móc hiện đại như vậy.

Tình cờ khi đi quay cảnh làm đĩa karaoke ở Đà Lạt, nhạc sỹ Hữu Minh cùng ê kíp gặp phải cơn mưa bụi. Sự tình cờ này khiến anh quyết định đặt tên cho những sản phẩm của mình là Mưa bụi, chính thức khai sinh ra dòng nhạc mới của mình.
Mưa bụi
Vàng son một thời

Kể từ đó, những phong cảnh đặc trưng của Việt Nam lần lượt xuất hiện trong những MV ca nhạc này. Những đồng lúa con trâu, những cầu tre lắt lẻo, những miền đất thân thương như Huế mộng mơ, miền Trung kiên cường, miền Tây chân tình được đưa vào những video ca nhạc của Mưa bụi.

Cũng vì là những nhân tố đầu tiên, thế nên những phong cảnh đẹp của quê hương được khai phá, lột tả từng chi tiết và đem lại nhiều cảm xúc cho ca sỹ cũng như khán giả. Nhạc sỹ Hữu Minh đã quyết định giới thiệu Việt Nam qua những video ca nhạc cũng như những bản tình khúc trữ tình như một đặc trưng riêng của thể loại âm nhạc này.

Anh phân tích được rằng, đây chính là thế mạnh, cũng như điểm mới lạ mà không ai trước đó từng làm. Biến những khó khăn thành ưu điểm, Hữu Minh cùng những ca sỹ của anh đã quyết định rẽ mình sang một hướng mới.

Clip: Sao đổi ngôi của Đình Văn - Tài Linh:

Có thể nói, đặc trưng của âm nhạc Mưa bụi chính là những ca khúc tân nhạc có âm hưởng dân ca, cùng những tổ hợp hoạt cảnh hài và một loạt những gương mặt mới với giọng hát thật ‘ngọt’.

Từ hai ca sỹ chủ chốt ban đầu là Tài Linh và Đình Văn, dòng nhạc này đã phát hiện thêm một loạt những cái tên như Sỹ Ben, Cảnh Hàn, Kim Tử Long, Ngọc Hải, Thạch Thảo,…

Sau một loạt những số phát hành với con số ‘khủng’ lên tới hàng trăm ngàn bản, Mưa bụi gặp phải sự phản đối vì quá dân dã khiến cho nhiều khán giả khó tính cho rằng âm nhạc này không xứng tầm với nền âm nhạc trong nước.

Không thanh minh, chẳng tự lý giải, ê kíp thực hiện lặng lẽ đổi tên chương trình từ Mưa bụi thành Tình đã bay xa.
Kể từ đó, Mưa bụi đã vượt qua biên giới trong nước để đến với thị trường hải ngoại. Người Việt ở khắp nơi trên thế giới, với nỗi lòng canh cánh thương nhớ về quê nhà, khi gặp được dòng nhạc này đã đón nhận nhiệt liệt bởi họ có thể ngắm nhìn những cảnh đẹp của quê hương cũng như lắng nghe những khúc nhạc thuộc về nơi chôn rau cắt rốn của họ.

Cũng từ đây, các trung tâm băng đĩa hải ngoại đã kết hợp với ê kíp để cùng nhau thực hiện những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của những người con Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Chính bởi vậy, âm nhạc Mưa bụi ngày càng đến được với nhiều khán giả hơn, nhiều người tìm nghe bằng được những băng đĩa này, đến nỗi các đại lý phải xếp hàng lấy số mới có thể đăng ký được số lượng cho mình để mua được băng về bán.

Ít ai biết rằng, hầu hết những ca sỹ đã thành danh bây giờ như Hồng Vân, Ngọc Sơn, đến Lam Trường, Phương Thanh cũng trưởng thành từ cái nôi Mưa bụi, được đông đảo khán giả biết đến thông qua những ca khúc họ đã thể hiện trong loạt chương trình này.

Không kéo dài lâu, âm nhạc Việt Nam thời kỳ sau đó đã bùng bổ với những cái tên như Đan Trường, Mỹ Tâm, Hiền Thục với dòng nhạc trẻ, để từ đó khép lại một thời kỳ oanh liệt của Mưa bụi.

Mưa bụi đã kết thúc sứ mệnh của mình, thế nhưng dấu ấn dòng nhạc này để lại không hề nhỏ khi nó đã từng xuất hiện, từng thu hút hàng triệu người nghe, từng làm cho những cái tên ‘mới tinh’ trở nên nổi tiếng, từng đi sâu vào tâm hồn của mỗi con người Việt Nam để từ đó, mỗi lần nhắc đến âm nhạc trong nước, người ta lại bồi hồi nhớ về thời kỳ Mưa bụi với những bản trữ tình quê hương làm lay động lòng người.

Thiên An

Bình luận
vtcnews.vn