'Hôi của người bị nạn là cướp một cách hèn hạ'

Thời sựChủ Nhật, 08/12/2013 08:00:00 +07:00

(VTC News) - GS.TS Đặng Vũ Cảnh Khanh cho rằng, hành vi hôi của là cướp một cách hèn hạ.

(VTC News) - GS.TS Đặng Vũ Cảnh Khanh cho rằng, hành vi hôi của là cướp một cách hèn hạ.

Những ngày vừa qua, dư luận phẫn nộ với hành vi hôi của khi chiếc xe chở bia gặp nạn vào trưa 4/12, tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp (thuộc KP.1, P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Chiếc xe bị tai nạn khiến hàng ngàn thùng bia rơi xuống đường. Lúc này, nhiều người xung quanh đã ào ra hôi của mặc cho tài xế van xin. Chỉ một lúc sau, số lượng chai bia chưa bị vỡ trên mặt đường đã bị lấy đi hết trước sự bất lực của tài xế.

PV VTC News đã có cuộc trao đổi với GS.TS xã hội học Đặng Vũ Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển về hành vi hôi của đáng xấu hổ này.

Hôi của người bị nạn: Cướp một cách hèn hạ
 GS.TS xã hội học Đặng Vũ Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển. Hiện là trưởng bộ môn Công tác xã hội trường Đại học Thăng Long. (Ảnh: Internet)
- Giáo sư đánh giá như thế nào về hành vi hôi của vừa xảy ra vào ngày 4/12 tại Đồng Nai?

Trước tiên, tôi xin khẳng định đây là một hành vi xấu, sai lệch chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực giá trị của xã hội. Sự việc này không phải là lần đầu mới xảy ra mà trước đó đã có nhiều rồi.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống "lá lành đùm lá rách", yêu thương đùm bọc nhau, rất tiếc trong thời gian gần đây, những giá trị nhân đạo đó đang có phần bị mai một. Người xưa bảo lòng tham là vô đáy. Khi lòng tham đã trỗi dậy, người ta dễ bị mờ mắt. Của cải hiện ra trước mắt, lấy thật nhanh, chẳng ai kịp lên án…

 
Sự việc này là biểu hiện rõ ràng về sự xuống cấp đạo đức. Nếu sự lệch chuẩn diễn ra ở một vài cá nhân, chúng ta có thể dễ dàng loại bỏ, nhưng lệch chuẩn đã là của số đông, thì thật đáng báo động.
 
Tôi cảm thấy thương hại cho những người hôi của, vì cái giá họ trả sẽ là đắt. Chắc chắn trong cuộc đời, không ít người trong họ sẽ còn bị hình ảnh thương tâm của người tài xế quỳ lạy, van xin đó ám ảnh, làm cho lương tâm day dứt.


- Hành vi hôi của như trên có phải là hành vi cướp giật vô nhân tính không, thưa ông?

Hiển nhiên là cướp của còn phải bàn luận gì nữa. Tài sản rơi xuống đường không phải là vô chủ. Người ta ngang nhiên xâu xé, vơ vét, có người còn mang cả xe ba gác để vận chuyển. Đó là không chỉ là "cướp giữa ban ngày", mà còn là cướp một cách hèn hạ, cướp của những người gặp tai nạn, những người đang rất cần sự giúp đỡ.

Mặt khác, việc lợi dụng việc người bị tai nạn bị ngã, choáng, ngất, đơn độc, thậm chí chết, không còn khả năng quản lý được tài sản để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc… còn là vi phạm pháp luật. Bởi vậy, cần phải bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

- Sự việc lần này có phải là hồi chuông cảnh báo sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức trong xã hội hiện nay?

Sự việc này là biểu hiện rõ ràng về sự xuống cấp đạo đức. Nếu sự lệch chuẩn diễn ra ở một vài cá nhân, chúng ta có thể dễ dàng loại bỏ, nhưng lệch chuẩn đã là của số đông, thì thật đáng báo động. Nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp là E. Durkheim cho rằng tới lúc đó, xã hội có thể bị rơi vào tình trạng “nhiễu loạn kỷ cương”, “bị lâm bệnh”. Chúng ta cần phải có ngay các biện pháp để ngăn chặn hiện tượng này, không thể để những sai lêch chuẩn mực và giá trị lây lan rộng hơn.
Hôi của người bị nạn: Cướp một cách hèn hạ
Chất đầy bia lên xe máy chở đi
- Có nhiều ý kiến cho rằng, do kinh tế khó khăn, nghèo, đói nên khi chứng kiến cảnh tượng như vậy, người dân đã lập tức lao vào hôi của, ông có đồng tình không?

Theo tôi, khó khăn về kinh tế, đói nghèo không phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng hôi của này. Tôi tin rằng, trong số những kẻ hôi của kia, không phải ai cũng nghèo đói, không đủ tiền để uống bia. Rất nhiều người qua đường có thể thực sự là nghèo đói, nhưng chắc chắn đã không đứng lại hôi của cùng đám đông mu muội kia.

- Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của hành vi hôi của này?

Những năm gần đây, xã hội đang biến đổi nhanh chóng.Nhiều chuẩn mực truyền thống có thể đã bị quên lãng hoặc không còn phù hợp, trong khi đó nhiều chuẩn mực mới chưa được khẳng định. Chúng ta cũng chưa xác định rõ được những quy chuẩn mới, phù hợp với đòi hỏi của thực tế và của thời đại. Điều đó dẫn đến tình trạng sai lệch chuẩn mực có thể diễn ra trên phạm vi rộng thậm chí nhiễu lọan các giá trị và chuẩn mực. Cái xấu, cái tốt đôi khi lẫn lộn với nhau.

Xã hội của chúng ta cũng còn nhiều hiện tượng tham ô, tham nhũng, hối lộ chưa được xử lý thỏa đáng, còn nhiều kẻ cơ hội, đục nước béo cò sống bằng sức lao động của người khác. Nhiều kẻ giàu sang, ăn chơi, phè phỡn, trong khi nhiều người lao động chân thực vẫn còn nghèo khổ. Điều đó khiến cho không ít người lao động, nếu chỉ sống trung thực sẽ gặp nhiều khó khăn, trong nhiều trường hợp còn có thể bị coi là kẻ “ngốc nghếch”, “không hợp thời”, phải chịu thiệt thòi…

- Chúng ta sẽ làm gì để hạn chế những hành vi tương tự này?

Trước hết, nếu hôi của của người bị nạn là hành vi ăn cướp thì phải xử lý thật nặng. Về điều này, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Thật đáng tiếc là tôi cũng chưa từng thấy có trường hợp hôi của nào ở nước ta bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là phải củng cố và xây dựng được những chuẩn mực đạo đức phù hợp với thực tế hiện nay.  

Phải biểu dương và tôn trọng những người lao động, sống trung thực, sống bằng đôi tay lao động của mình. Chừng nào những người lao động trung thực còn cảm thấy mình bị coi là “kẻ ngốc nghếch” thì chừng đó chúng ta cũng chưa ngăn chặn được triệt để hiện tượng hôi của như trên.

- Xin cảm ơn ông!


Hoàng Chiến
(Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn