Học viện Nông nghiệp bác thông tin “lạm thu học phí, gửi ngân hàng 41,7 tỷ đồng’

Giáo dụcThứ Sáu, 17/06/2016 10:06:00 +07:00

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp đã chính thức lên tiếng khi có thông tin cho rằng nhà trường đang lạm thu học phí, gửi ngân hàng số tiền 41,7 tỷ đồng.

Ngày 15/6, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Nguyễn Thị Lan cho biết vừa qua, một số báo có đăng thông tin "Học viện Nông nghiệp lạm thu học phí, gửi ngân hàng số tiền 41,7 tỷ đồng".

hoc vien nong nghiep viet nam-2

 Học viện Nông nghiệp Việt Nam

“Tên bài báo trên đã dựa vào một sự việc có thật từ năm 2014 về trước (văn bản của Bộ Tài chính gửi Văn phòng chính phủ về số tiền trên 41,7 tỷ đồng học phí, lệ phí thu vượt và ngoài quy định của Nhà nước về học phí, lệ phí của Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Nhưng tên bài báo, dẫn đề của bài và kết luận của bài báo ấy rõ ràng là dễ làm người đọc hiểu sai bản chất của vấn đề, dễ làm người đọc lầm tưởng rằng Học viện đang “lạm thu học phí” và dùng số tiền “lạm thu” đó đi gửi ngân hàng lấy lãi, gây bức xúc trong cán bộ, viên chức và sinh viên của Học viện, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và vị thế của Học viện trong xã hội”, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Nguyễn Thị Lan cho biết.

Ngày 14/6, Học viện đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về bài báo và các nội dung không chính xác trong bài báo.

“Để tránh hiều nhầm và một số dư luận không tốt về Học viện, nhất là trong thời gian chuẩn bị tuyển sinh, Giám đốc Học viện đề nghị tất cả cán bộ, viên chức và sinh viên, học viên trong toàn Học viện cần hiểu rõ vấn đề , tránh tuyên truyền không đúng, gây ảnh hưởng đến uy tín của Học viện”, Giám đốc Học viện Nông nghiệp nêu.

hoc vien nong nghiep viet nam-3

PGS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: Học viện Nông nghiệp)

Bên cạnh đó, Học viện Nông nghiệp đã lý giải các khoản thu một cách cụ thể.

Khoản tiền 41,7 tỷ đồng là khoản thu trong năm 2014, trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ (KL số 120/KL-TTCP ngày 16/01/2015).

Khoản thu này bao gồm kinh phí "hỗ trợ đào tạo" của cao học và nghiên cứu sinh (được coi là thu vượt học phí), lệ phí nhập học, lệ phí giáo trình, lệ phí kiểm tra tiếng Anh (đào tạo đại học và sau đại học) (các khoản thu này được coi là lệ phí ngoài qui định) và tiền lãi ngân hàng.

Các khoản thu này (kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học, nhập học, lệ phí giáo trình, thi tiếng Anh) đều được công khai trong Quy chế chi tiêu nội bộ (Quyết định số 03/QĐ-NNH ngày 02/01/2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), trong các quyết định điều chỉnh học phí hàng năm, và trong giấy báo nhập học của sinh viên và học viên.

Đối với học phí sinh viên đại học, Học viện thực hiện nghiêm túc theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 cho giai đoạn 2010-2015.

“Từ năm 2015, sau khi nhận được Kết luận Thanh tra, Học viện đã cho chấm dứt việc thu kinh phí ‘hỗ trợ đào tạo” của học viên cao học”, lãnh đạo Học viện Nông nghiệp khẳng định.

Theo Quyết định 873/QĐ-TTg về tự chủ của Học viện (từ 17/6/2015), thì Chính phủ cho phép thu các khoản phí, lệ phí để bù đắp chi phí và Học viện có quyền gửi các khoản thu của Học viện tại ngân hàng thương mại để lấy lãi phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở vật chất.

Do đó, lệ phí nhập học được phép thu và đã ghi rõ cho từng khoản chi (khám sức khỏe, danh mục chương trình đào tạo,..)

Trong giai đoạn 2011-2013, Học viện cũng đã có các khoản thu này và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận và đề nghị của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, UBND thành phố Hà Nội) cho phép Học viện được quyết toán bởi tất cả các khoản thu nêu trên Học viện đều chi cho các hoạt động nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, chi tăng cường chuyên môn, thực hành, thực tập phục vụ người học, chi thỉnh giảng và vượt giờ của cao học (Thông báo số 1639/VPCP-V.I ngày 10/03/2015 của Văn phòng Chính phủ).

Học phí sinh viên đại học chính qui được quyết định dựa trên các văn bản pháp luật của Nhà nước.

hoc vien nong nghiep viet nam-1

 

Từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, Học viện thực hiện theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Sang năm học 2015-2016, Học viện thực hiện theo cơ chế tự chủ, học phí có tăng hơn nhưng thấp hơn nhiều mức đề xuất theo Đề án tự chủ (Quyết định số 873/QĐ-TTg ngày 17/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là QĐ 873)).

Chi tiết mức học phí sinh viên và mức tăng học phí theo các ngành qua các năm như sau:

Ngành

Học phí  BQ năm học  2013-2014 (tr đ/năm)

Học phí BQ năm học 2014-2015

(trđ/năm)

Học phí BQ năm học 2015-2016 (QĐ 873)

(tr đ/năm)

Mức tăng HP năm học 2014-2015 so với năm học 2013-2014 (%)

Mức tăng HP năm học 2015-2016 so với năm học 2014-2015 (%)

Mức tăng bình quân 3 năm (%)

Nông nghiệp và các ngành KHXH

4,85

5,5

6,4

13,40

16,36

14,87

Công nghệ (CNSH, CNTP, Cơ điện,...)

5,65

6,5

7,56

15,04

16,31

15,67

Thú y

6,85

8,0

9,3

16,79

16,25

16,52

Từ năm học 2015-2016, Học viện thực hiện cơ chế tự chủ theo QĐ 873. Tuy nhiên, do nhiều sinh viên xuất thân từ nông thôn, bố mẹ là nông dân, nên Học viện đã quyết định mức học phí sinh viên thấp hơn trần học phí qui định bởi Nghị định 86/2015/NĐ-CP (cho trường tự chủ, sau đây viết tắt là NĐ 86) và thấp hơn nhiều các trường tự chủ khu vực Hà Nội (cụ thể học phí bình quân sinh viên học ngành nông nghiệp: 6,4 triệu đồng/năm; các ngành công nghệ: 7,56 triệu đồng/năm; ngành thú y: 9,3 triệu đồng/năm).

Mức học phí này chỉ cao hơn các trường không tự chủ (theo NĐ 86) từ 300-500 ngàn đồng/năm và chỉ bằng 21 đến 37% so với trần học phí qui định tại NĐ 86 cho các trường tự chủ (xem bảng) (và học phí tất cả các ngành khác cũng chỉ tăng tương ứng 16,36% hoặc thấp hơn đối với học phí sinh viên học ngành nông nghiệp).

Như vậy, học phí bình quân từ năm 2013 đến 2016 các ngành chỉ tăng 15-16,5%, mức này thấp hơn nhiều so với QĐ 873 (tăng đến 30% mỗi năm) đã được Chính phủ phê duyệt (chi tiết tại bảng sau, ĐVT: triệu đồng/năm).

Ngành

HP BQ năm học 2013-2014

HP BQ năm học 2014-2015

HP BQ năm học 2015-2016

Mức trần học phí theo QĐ 873 năm 2015

Mức trần học phí theo QĐ 873 năm 2016

Mức trần học phí theo NĐ 86 năm học 2015-2016

Mức trần học phí các trường KHÔNG tự chủ năm học 2015-2016 (NĐ 86)

Nông nghiệp và các ngành KHXH

4,85

5,5

6,4

12,0

13,0

17,5

6,1

Công nghệ (CNSH, CNTP, Cơ điện,...)

5,65

6,5

7,56

12,0

13,0

20,5

7,2

Thú y

6,85

8,0

9,3

12,0

13,0

44,0

8,8

 Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp khẳng định mức học phí bình quân Học viện thu thấp hơn nhiều so với QĐ 873 (tương ứng chỉ bằng 49, 58 và 71% so trần học phí).

Nếu so với mức trần học phí của các trường tự chủ theo Nghị quyết 77, thì mức học phí này tương ứng bằng 36,6; 36,9 và 21,0%. Mức học phí của Học viện so với các trường không tự chủ theo NĐ 86 của Chính phủ thì tương ứng 3 ngành trên chỉ cao hơn 4,9; 5,0 và 5,7 %.

Theo Đề án đổi mới cơ chế quản lý (tự chủ) được phê duyệt theo Quyết định 873, thì Nhà nước cắt kinh phí thường xuyên của Học viện (gần 70 tỷ đồng/năm) nhưng có hỗ trợ 40 tỷ (năm 2016) để khống chế trần học phí cho sinh viên học ngành nông nghiệp (6,4 triệu đồng/năm), chứ không phải sinh viên được hỗ trợ 50% học phí.

Năm học 2015-2016, số sinh viên học ngành nông nghiệp chỉ chiếm 30% sinh viên của Học viện.

Tất cả sinh viên ngành khác không phải nông nghiệp (CNSH, CNTP, cơ điện, kinh tế, kế toán,...) chiếm chủ yếu nhưng vì đa số sinh viên là con em nông dân, Học viện đã quyết định mức học phí thấp hơn nhiều so với trần học phí đã đề xuất và được Chính phủ cho phép như trên.

Cụ thể mức tăng học phí năm 2015-2016 của các ngành cũng như mức tăng học phí sinh viên ngành nông nghiệp, tối đa 16,36%.

"Vì thế, mức thu học phí đối với sinh viên các ngành không thuộc khối nông nghiệp của Học viện cũng thấp hơn nhiều so với sinh viên cùng ngành ở các trường đại học tự chủ khác", lãnh đạo Học viện Nông nghiệp khẳng định.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Học viện Nông nghiệp thông tin trong 3 năm gần đây (2013, 2014, 2015), Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã bỏ ra gần 49 tỷ đồng tiền học bổng và trợ cấp xã hội cho sinh viên.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn