Học trò Mr Đàm gây sốc với hình ảnh 'nửa nam, nửa nữ'

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 28/10/2013 07:19:00 +07:00

(VTC News) - Minh Sang học trò Mr Đàm gây ấn tượng mạnh với khán giả khi quyết định phân thân thành 'nửa nam, nửa nữ' ở phần thi 'Bóng ma trong nhà hát'.

(VTC News) -  Minh Sang học trò Mr Đàm gây ấn tượng mạnh với khán giả khi quyết định phân thân thành 'nửa nam, nửa nữ' ở phần thi Bóng ma trong nhà hát.

Một đêm diễn lê thê

Nếu coi rằng, sự lê thê là một 'phương thuốc' để thử tính kiên nhẫn thì hẳn nhiên những khán giả xem hết đêm liveshow 4 là những người kiên nhẫn nhất.

Không có gì khác nhiều nếu so sánh đêm thi này với các chương trình ca nhạc tạp kỹ vẫn thường được tổ chức tại các sân khấu ca nhạc về mức độ... kịch bản dở.

16 thí sinh với 16 tiết mục thuộc đủ các thể loại, phong cách hay thậm chí là cả ngôn ngữ được sắp xếp ra biểu diễn mà thiếu đi sự kết dính cần có của một kịch bản chương trình chặt chẽ, đủ để khán giả không... ngáp.

Chuyện thời lượng bó buộc một chương trình truyền hình không phải là điều mới lạ và cũng là lý do quá cũ để bám vào đó hòng giải thích cho những bộn bề thiếu định hướng.

Có lẽ cũng chính bởi sự lê thê và thiếu kịch bản chặt tay đó mà tính cảm xúc của đêm diễn không được liền mạch.
 
Nếu một khung kịch bản được tính toán kỹ hẳn nhiên đã phải có những điểm nhấn, ít nhất về mặt cảm xúc, để khán giả thấy công chờ đợi là hợp lý cũng như tránh cho chương trình bị gắn mác nghiệp dư.

Thế nhưng, đó không phải là điểm trừ duy nhất của chương trình bởi ánh sáng và sử dụng hiệu ứng visual trên sân khấu của đêm thi này cũng đã bộc lộ những sự thiếu hợp lý. Đầu tiên là ánh sáng và hiệu ứng visual.

Có những phần trình diễn của thí sinh được hỗ trợ khá tốt nhưng cũng có tiết mục thí sinh bị 'hại' bởi sự loạn xạ về màu sắc, cách sử dụng ánh sáng trên sân khấu khiến thí sinh xuất hiện mờ nhạt. 

Thêm nữa, chính hiệu ứng ánh sáng không tốt khiến gương mặt thí sinh lẫn huấn luận viên hiện lên rất bợt bạt, thiếu sức sống.

Còn về phần sân khấu, sự rối loạn của múa phụ hoạ cũng khiến cho sân khấu đã chật lại càng chật hơn. Sự rườm ra của múa minh hoạ trong tiết mục Hồ trên núi là điển hình của sự không cần thiết, giống 'thừa giấy vẽ voi'.

Đêm của những bản cover

Đêm thi lần này cũng ghi nhận cố gắng làm mới các ca khúc đã nổi tiếng, đặc biệt là của các diva, của các thí sinh.

Cát Tường có lẽ là thí sinh gây ấn tượng mạnh nhất với ca khúc Bài hát ru mùa đông của Dương Thụ vốn đã đóng đinh với giọng hát chính huấn luyện viên của cô từ khá lâu.

Cách hát của Cát Tường đã hoàn toàn khác với cách hát của Hồng Nhung. Biểu hiện của cô cũng có phần mạnh mẽ hơn, cảm xúc mà phần biểu diễn của cô mang lại cũng trẻ trung hiện đại, mạnh mẽ vừa đủ và nữ tính cũng vừa phải.
Sau Cát Tường, hẳn nhiên, Dương Hoàng Yến cũng là một sự bất ngờ. Cô chọn ca khúc kinh điển Mẹ yêu con của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý để 'thách thức' chính bản thân mình.

Thật may mắn, Hoàng Yến đã 'vượt vũ môn' thành công. Nói là thành công là bởi những ca khúc kinh điển như vậy rất dễ bị cũ về mặt cảm xúc, kéo theo đó là sự so sánh về cách thể hiện. Vậy nhưng, ở phần thi của mình Hoàng Yến đã khôn khéo tránh được cả hai điều đó.

Lối hát nhẹ nhàng cộng với cách vận trang thông minh, bắt mắt, Hoàng Yến ghi điểm với khán giả mặc dù cô chỉ đứng yên biểu diễn và cũng không có vũ đoàn minh hoạ.

Nói về tiết mục, Hoàng Yến đã mang được cảm xúc khá trong trẻo vào ca khúc, vừa đủ để lay động khán giả dẫu biết rằng đó là một 'trải nghiệm vay mượn' của một cô gái mới ngoài đôi mươi, chưa có gia đình và cũng chưa từng làm mẹ.

Khánh Duy và phần biểu diễn ca khúc Thu cạn cũng là một điểm nhấn thú vị. So với Trúc Nhân của mùa trước, Khánh Duy nhẹ nhàng hơn trong xử lý, không quá quằn quại, nức nở nhưng cũng đủ da diết tromg nỗi nhớ nam tính.

Thêm vào đó, Khánh Duy khoe được kỹ thuật và cách xử lý điêu luyện của mình qua những nốt cao và kỹ thuật hát giả thanh, chuyển giọng.

Cuối cùng, Minh Sang với ca khúc Bóng ma trong nhà hát là một sự bất ngờ, gây ấn tượng mạnh với khán giả. Chọn một nhạc mục nổi tiếng trong vở nhạc kịch cùng tên, Minh Sang liều lĩnh khi quyết định phân thân từ ngoại hình (hoá trang với bên trái là tạo hình nữ và bên phải là ngoại hình nam) tới giọng hát.
Tuy nhiên, ở phần thể hiện giọng nữ cao, Minh Sang với lối hát giả thanh có thể gây được ấn tượng tốt nhưng sang phần giọng nam thì Sang vướng lỗi hát bị mờ, không rõ lời.

Công bằng mà nói, sự linh hoạt của thí sinh này rất đáng được ghi nhận và đánh giá cao bởi những nỗ lực làm mới mình.

Phần biểu diễn của Song Tú với ca khúc Ngọn lửa cao nguyên cũng là một tiết mục đáng lưu ý. Vốn là thí sinh được yêu quý của đội Đàm Vĩnh Hưng với những lần được khán giả bình chọn nhiều nhất, Song Tú đã có một đêm biểu diễn thành công, tròn trịa và ít nhiều cũng chuyển tải được tinh thần bài hát.

Hát cho huấn luyện viên?

Một điều dễ nhận thấy, và có lẽ cũng là dĩ nhiên, là sự ảnh hưởng của các huấn luyện viên lên các thí sinh ngày càng rõ nét.

Bốn vị huấn luyện viên mang bốn phong cách, bốn con đường, sự nghiệp âm nhạc khác nhau nên đương nhiên thí sinh của họ cũng là những con người với những xu hướng âm nhạc rất khác biệt. Thế nhưng, trải qua một quãng đường dài, sự ảnh hưởng của các huấn luyện viên lên cách chọn bài, biểu diễn của các thí sinh càng rõ nét.

Nếu đội Mỹ Linh luôn lựa chọn phong cách trọng về lối trình diễn thiên về kỹ thuật thanh nhạc với đại diện tiêu biểu là Hoàng Yến, thì đội Hồng Nhung lại thiên về những tìm tòi khá dụng công của diva Bống để làm mới học trò của mình như với trường hợp Âu Bảo Ngân chẳng hạn.

Trong khi Quốc Trung đề cao những giá trị mới, cách tân, cảm xúc cũng như văn minh thì Đàm Vĩnh Hưng lại mang tư duy của một ngôi sao biểu diễn hàng đầu với những chiêu trò trình diễn sân khấu, trang phục để mang lại hiệu ứng tốt nhất.

Thái Châu và Minh Sang là những ví dụ tiêu biểu cho phương thức của hai đội  Quốc Trung - Đàm Vĩnh Hưng.
Vấn đề đặt ra ở đây, những thí sinh của cuộc thi sẽ chọn một giải pháp an toàn là sẽ cố gắng thực hiện theo những lời mà huấn luyện viên họ chỉ dạy. Đó cũng là điều đương nhiên vì phải là nhân vật có kinh nghiệm và sức ảnh hưởng như thế nào thì họ mới đủ sức ngồi ghế huấn luyện viên.

Đó là điều tốt khi người trẻ được học hỏi những gì chắt lọc nhất nhưng cũng từ đó, áp lực bắt đầu xuất hiện.

Trước tiên, áp lực về việc vượt qua từng vòng thi chỉ có hai cửa là khán giả và huấn luyện viên. Hẳn nhiên là sẽ chẳng có thí sinh nào dám mạnh miệng tuyên bố rằng mình sẽ được khán giả lựa chọn.

Vậy, 'cửa' còn lại là thông qua huấn luyện viên. Vậy nên, hãy cứ ngoan ngoãn biểu diễn như những gì huấn luyện chỉ dạy thì cơ hội của bạn được đi tiếp sẽ cao hơn nếu bạn làm tốt.

Đã đến lúc, câu hỏi: 'Hát cho khán giả hay hát cho huấn luyện viên?' cần được nhắc đến như một sự tự vấn về tính mục đích trước mắt cũng như lâu dài cho từng cá nhân.

Đêm thi này cũng ghi nhận sự cố gắng của MC Yumi khi cô đã không còn gặp phải các vấn đề 'ngớ ngẩn' như đêm thi trước nhưng không vì thế mà Yumi có một đêm thành công.

Nói vấp, lặp ý và quên kịch bản là những điều mà Yumi vẫn còn vướng phải. Có lẽ, MC nữ này nên học kịch bản kỹ hơn cũng như cần trau dồi hơn nữa khả năng sử dụng ngôn từ của mình.

Đêm thi liveshow 5 của chương trình Giọng hát Việt sẽ lên sóng lúc 21h ngày 10/11/2013 trên VTV3.

Hiếu Cao

Bình luận
vtcnews.vn