Học sinh có được “giảm tải”?

Tổng hợpThứ Năm, 20/10/2011 10:37:00 +07:00

Năm học 2011-2012 đã trôi qua gần nửa học kỳ, song việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cho học sinh...

Năm học 2011-2012 đã trôi qua gần nửa học kỳ, song việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cho học sinh (HS) ở nhiều nơi theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT vẫn còn bất cập. Căn nguyên ở nhiều phía, song "được" đề cập nhiều nhất chính là do việc chỉ đạo triển khai.
Cách làm thiếu thuyết phục 
Tình trạng quá tải của HS lâu nay đã trở thành chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", từng là nỗi bức xúc của dư luận xã hội, chính những người trong cuộc phải thừa nhận. Vì vậy, chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng "giảm tải" của Bộ GD&ĐT từ năm học này đã thu hút sự quan tâm và kỳ vọng của nhiều người. Liệu HS có được "giảm tải" một cách thực sự hay không?
Một giờ học tại Trường THCS Liên Ninh (Thanh Trì). Ảnh: Bảo Lâm 

Sự cần kíp thì đã rõ, song cách làm việc vội vã, thiếu thuyết phục khiến cho những người lạc quan nhất cũng không khỏi lo ngại về hiệu quả của chủ trương này. Dẫn chứng, thời điểm Bộ GD&ĐT gửi các sở GD&ĐT và các tổ chức, cá nhân có liên quan dự thảo tài liệu Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học để lấy ý kiến vào ngày 17/8/2011, khi mà hầu hết HS cả nước đã chính thức tựu trường từ đầu tháng 8. Hạn chót đóng góp ý kiến là ngày 25/8. Và chỉ sau đó vài ngày (1/9), Bộ đã ban hành tài liệu chính thức. Ai cũng hiểu rằng việc lấy ý kiến giáo viên (GV) ở từng bộ môn của 12 khối lớp, ở từng địa phương, sau đó tập hợp, lựa chọn để đưa vào tài liệu chính thức chắc chắn không thể thực hiện xong trong một vài tuần. Vậy mà Bộ GD&ĐT lại chỉ cần có một tuần để giải quyết một khối lượng công việc khá lớn như thế. Các nhà giáo khi được hỏi đều than thở rằng, Bộ cho chừng ấy thời gian để trưng cầu ý kiến, mà lại đúng vào thời điểm cả trường đang bộn bề lo ổn định nền nếp học tập, sinh hoạt đầu năm học thì rõ ràng là việc làm hình thức, chỉ để cho có. Nếu thực sự cầu thị, Bộ cần dành một khoảng thời gian hợp lý để có thể huy động được trí tuệ tập thể của đội ngũ GV, cũng là tạo điều kiện cho họ sẵn sàng về tâm thế trước khi áp dụng những nội dung điều chỉnh trong thực tiễn. 
Đây không phải lần đầu tiên chủ trương "giảm tải" được đề cập. Đã có ít nhất 3 đợt đánh giá về chương trình (CT) - SGK được triển khai khi thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội và Chỉ thị 14/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đại trà CT - SGK mới. Nhưng dường như, các đợt đánh giá, điều chỉnh đều trong trạng thái "vừa chạy vừa xếp hàng", nhiều ý kiến góp ý không được xử lý kịp thời khiến cho hiệu quả "giảm tải" chưa được như mong muốn. 
Có yên tâm dạy - học theo hướng "giảm tải"?
Một trong những điều dư luận quan tâm hiện nay là liệu cùng với việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng "giảm tải", Bộ GD&ĐT có đổi mới công tác thi và tuyển sinh cho phù hợp hay không? Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: Việc giảm tải được thực hiện đồng bộ với công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá và thi cử. Theo đó, những nội dung đã được "giảm tải", chuyển sang đọc thêm hoặc cắt bỏ thì sẽ không nằm trong nội dung kiểm tra, thi… Việc thực hiện "giảm tải" cũng khá đơn giản, không cần tập huấn. GV chỉ cần có tài liệu hướng dẫn của Bộ trong tay, thực hiện đúng theo tài liệu này để cắt bỏ nội dung gì, bài nào chuyển thành đọc thêm, bài nào không cần dạy... 
Nếu đúng như vậy thì rõ ràng là GV, HS sẽ nhẹ việc hơn nhiều, song thực tế lại không như thế. Hầu hết GV các trường khi được hỏi đều cảm thấy chưa yên tâm với "lời hứa" của Bộ. Minh chứng là ở kỳ thi tốt nghiệp năm 2010, không ít thí sinh đã bị mất oan 1/4 số điểm bài thi ở môn lịch sử khi "bị" hướng dẫn học một đằng mà đề thi lại một nẻo. 
Rút kinh nghiệm từ thực tế ấy, ngay kỳ thi tốt nghiệp năm sau, hầu hết GV đều rỉ tai nhau "đừng có dại" cố gắng truyền đạt cho HS tất cả nội dung ở các tài liệu có liên quan, bởi nếu có "mệnh hệ" gì thì thiệt thòi nhất là học trò của mình, mà chịu điều tiếng nhất cũng chính là mình. Bài học ấy nay lại được không ít GV vận dụng, dù không công khai, song được cho là giải pháp an toàn nhất bởi e rằng, biết đâu Bộ lại… quên mất lời đã nói. 
Ở một góc độ khác, GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quan trọng nhất là "giảm tải" bằng cách nâng cao chất lượng đội ngũ GV. Bởi người GV giỏi, có kỹ năng truyền đạt tốt thì HS dễ hiểu bài, nắm được kiến thức mà không mất quá nhiều thời gian, công sức. Với cùng CT - SGK đó, kể cả khi có thêm nhiều sách tham khảo, người GV giỏi sẽ tự biết phải giảng gì, giảng như thế nào cho hiệu quả. Chẳng qua GV không giỏi, thậm chí yếu kém thì phải phụ thuộc nhiều vào sách, nên sách giáo khoa và tài liệu tham khảo nặng thì dạy nặng và khổ cho HS. Người GV giỏi cũng sẽ biết cách "giảm tải" những áp lực nặng nề từ phía cha mẹ HS, những người luôn cảm thấy không yên lòng khi con được giao ít bài tập về nhà, đi học thêm chưa nhiều như chúng bạn. Thực tế cho thấy, quá tải hay không phụ thuộc vào phương pháp dạy của GV có phù hợp với trình độ nhận thức của từng HS - dù yếu, kém hay khá, giỏi. Vậy là quy trình truyền tải và tiếp nhận kiến thức phụ thuộc rất lớn vào quá trình nhận thức của thầy và trò, tức là quy trình sư phạm dạy và học. Giảm tải trong nội dung dạy học chính là việc thực hiện quy trình sư phạm này: thầy dạy, trò học. Thầy giáo giỏi nghề, có kiến thức vững vàng, có nghiệp vụ sư phạm cao và truyền tải trong môi trường sư phạm tốt tất nhiên sẽ tạo tâm lý tiếp thu tối ưu cho học sinh tiếp nhận. Câu châm ngôn: Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi, quả là đúng lắm!
Theo HN mới
Bình luận
vtcnews.vn