Học phí tăng cao góp phần đẩy vọt chỉ số giá tiêu dùng

Chính trịThứ Sáu, 03/12/2010 09:00:00 +07:00

Tháng 9/2010, đa số các tỉnh trong nước đã điều chỉnh tăng học phí lên mức khá cao dẫn đến chỉ số giá nhóm tăng mang tính đột biến...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tất cả những trường hợp xảy ra “sốt” giá, thông tin thất thiệt về thị trường, gây hoang mang trong dư luận cần phải được điều tra, xử lý nghiêm.

Điểm yếu: kiểm tra, kiểm soát thị trường

Ý kiến chỉ đạo trên được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra sáng 3/12, khi chủ trì cuộc họp trực tuyến đến 53 tỉnh, thành phố trong cả nước, để kiểm điểm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường và thống nhất những giải pháp cấp bách kiềm chế lạm phát. 

Phó Thủ tướng nêu rõ: “Số vụ xử lý vi phạm về giá chiếm chưa tới 10% các vụ vi phạm quản lý thị trường thời gian qua cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả chưa đủ mạnh. Những trường hợp gây sốt giá, cố tình đưa ra những thông tin lệch lạc cần điều tra, xử lý nghiêm”

Tại cuộc họp, nhận định về tình hình thị trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá các giải pháp từ đầu năm của bộ, ngành, địa phương mặc dù đã phát huy tác dụng nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục, nhất là khâu kiểm tra, kiểm soát thị trường. Việc triển khai công tác này cũng chưa có sự phối hợp của các ngành chức năng, trong khi đó, vi phạm về giá là rất nhiều, số vụ bị xử lý lại thấp. Chưa có cơ chế kiểm soát siêu lợi nhuận trong kinh doanh; việc điều tra, kiểm soát giá độc quyền vẫn dừng lại ở xử lý hành chính. 

Đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng công tác này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, nếu không có những biện pháp kiểm soát giá, kiểm tra thị trường tốt thì tình hình giá cả trong nước sẽ còn diễn biến bất lợi hơn. 

Đột biến chỉ số giá nhóm Giáo dục

Ngoài những nguyên nhân trên, theo phân tích của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, một yếu tố khá quan trọng dẫn đến sự gia tăng của giá cả hàng hóa thời gian qua là do từ đầu tháng 9/2010, thực hiện lộ trình xã hội hóa về học phí, đại đa số các tỉnh trong nước đã điều chỉnh tăng học phí lên mức khá cao dẫn đến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng mang tính đột biến. Chỉ trong tháng 9 năm nay, giá hàng hóa nhóm này tại các tỉnh vùng duyên hải miền Trung tăng 34,36%, các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 30,9%...; tính chung cả nước, tháng 9 tăng 12%; tháng 10 tăng 3,9%; cả năm tăng 19,03%. Đây cũng là nhóm có chỉ số tăng giá cao nhất, góp phần đẩy mức tăng chỉ số giá chung. 

Họp trực tuyến về các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường - Ảnh Chinhphu.vn 

Tổng hợp các ý kiến tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận, việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới vẫn là mục tiêu hàng đầu, do vậy các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp tháo gỡ sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhất là các địa phương chịu thiệt hại sau bão lụt vừa qua. 

Ngoài duy trì, đẩy mạnh sản xuất, các địa phương còn phải chú ý đến công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, những vấn đề về hạ tầng, bởi đây cũng là yếu tố góp phần đội giá thành sản phẩm trên thực tế.

Phó Thủ tướng đồng ý hoãn thu lệ phí đối với các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm được quy định tại Thông tư 136 của Bộ Tài chính theo đề nghị của các địa phương. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương và các địa phương phải theo dõi thường xuyên cung cầu hàng hóa, cân đối nguồn hàng dự trữ để tránh xảy ra “sốt giá” thị trường.

Chợ tăng giá - Quản lý thị trường chịu trách nhiệm

Theo thông lệ, dịp Tết Nguyên đán, sức mua của người tiêu dùng trong nước tăng khoảng 20%, vì vậy, các địa phương cần thành lập các tổ kiểm tra liên ngành, phân định, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể nhất là đối với lực lượng quản lý thị trường và các ban quản lý chợ trong kiểm soát giá cả. Nếu để xảy ra tăng giá bất hợp lý trong phạm vi phụ trách thì phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính có trách nhiệm sửa đổi Nghị định xử lý vi phạm hành chính thị trường giá cả, trình Chính phủ thông qua để có chế tài đủ mạnh trong xử lý vi phạm.

Theo báo cáo của các bộ ngành, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 1,86% so với tháng trước, tăng 8,96% so với cùng kỳ năm 2009, nhiều khả năng vượt quá mức một con số, đang đặt ra bài toán khó đối với công tác kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Kiểm điểm về công tác quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong hệ thống các giải pháp từ trung ương, đến địa phương. Sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bình ổn giá từ gốc của sự hình thành, vận động của giá được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Muốn tăng tiền phạt

Hệ thống cung ứng hàng hóa dịch vụ chưa được sắp xếp hợp lý còn có hiện tượng độc quyền (sữa); chồng chéo, vòng vèo, tầng nấc đẩy chi phí lưu thông tăng cao khó kiểm soát như phân bón, thuốc phòng chữa bệnh, xi măng, sắt thép. 

Trong 11 tháng đầu năm, nhóm hàng lương thực, thực phẩm có chỉ số giá tăng cao nhất. Tuy nhiên những mặt hàng này chủ yếu được mua bán trên các chợ truyền thống (tỷ trọng siêu thị không lớn), hoạt động mua bán diễn ra phân tán, nhỏ lẻ, do đó, việc quản lý, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết còn gặp nhiều khó khăn. 

Hình ảnh các đầu cầu trực tuyến tại địa phương - Ảnh Chinhphu.vn 

Đồng tình với những giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm thắt chặt kiểm soát giá cả hàng hóa thị trường từ nay đến cuối năm, nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương tại buổi giao ban kiến nghị Chính phủ hướng trọng tâm, trọng điểm khâu kiểm tra, kiểm soát vào những mặt hàng thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ ăn uống.

Đáng lưu ý, các địa phương cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung mức xử phạt vi phạm hành chính về thị trường giá cả theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, áp lực cung cầu về mặt hàng gạo là không có, sẽ khó tăng giá đột biến khi nhiều tỉnh đang và sắp thu hoạch vụ mùa và vụ Đông, lượng gạo dự trữ cũng được các doanh nghiệp thực hiện đúng kế hoạch. Tương tự, mặt hàng thịt sẽ không thiếu khi  chăn nuôi khá ổn định, tăng 5,5% so cùng kỳ với sản lượng gần 4,1 triệu tấn thịt hơi các loại.

Lượng đường cũng sẽ đảm bảo đủ cung cho dịp Tết khi dự trữ đã đạt 39.000 tấn (cao hơn 10% so với năm trước), cùng với lượng nhập khẩu 90.000 tấn theo kế hoạch.

Theo Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, nguồn cung phân bón cho nông nghiệp sẽ đáp ứng đủ nhu cầu dự kiến với lượng ure đạt 1,851 triệu tấn

Tổng cung muối theo tính toán là 1,398 triệu tấn, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 1,34 triệu tấn, tổng cung thức ăn chăn nuôi là 19,7 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Tương tự, lượng cung thép xây dựng sẽ đạt mức bảo đảm cho nhu cầu khoảng 4,84 triệu tấn cả năm, lượng cung xi măng đạt 50,5 tấn trong khi lượng cầu 50,01 triệu tấn. Giá giấy đảm bảo ổn định với mặt bằng thiết lập từ quý II/2010. Than, xăng dầu, khí gas đã tạo ra các cơ chế luôn ổn định về mặt thị trường.

Theo Vietnam+/Chinhphu.vn
Bình luận
vtcnews.vn