Hòa nhạc lớn nhất nhân 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 06/10/2010 12:44:00 +07:00

(VTC News) - Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, được sự đồng ý và hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các ban ngành, Dàn nhạc Gi

(VTC News) - Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, được sự đồng ý và hỗ trợ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ biểu diễn Bản Giao hưởng số 8 của Gustav Mahler tại Trung tâm Hội Nghị Quốc gia Mỹ Đình vào 20h ngày 23/10 tới.

Đây sẽ là chương trình âm nhạc lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam về tầm vóc nghệ thuật, tầm vóc tư tưởng của một trong số ít những tác phẩm giao hưởng nổi tiếng nhất của kho tàng âm nhạc thế giới, cả về quy mô tổ chức với số lượng nghệ sĩ lớn nhất cùng biểu diễn trong một tác phẩm.

Chương trình hòa nhạc lớn nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Được thực hiện dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng người Nhật Bản: Honna Tetsuji, phần dàn dựng và luyện tập cho hợp xướng do nhạc trưởng người Anh, Graham Sutcliffe đảm nhận. Dàn hợp xướng khổng lồ gồm 2 dàn hợp xướng hỗn hợp cùng một dàn hợp xướng trẻ em, ước tính khoảng hơn 800 nghệ sĩ đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia...

Các nghệ sĩ Việt Nam như Hà Mạnh Chung, Đặng Châu Anh, Trần Nhật Minh, Lý Giai Hoa, Lê Vinh Hưng, Nguyễn Kiều Lan, Nguyễn Ngọc Tùng sẽ đảm nhiệm vai trò chỉ huy hợp xướng, bên cạnh đó là sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quốc tế tên tuổi.

Chương trình cũng có sự góp mặt của nhiều ca sĩ solo danh tiếng trong nước và quốc tế như nghệ sĩ Hà Phạm Thăng Long của Việt Nam; các nghệ sĩ Kurano Rankol, Koshigoe Mami, Kaga Hitomi, Fukushima Akiya đến từ Nhật Bản; nghệ sĩ  Einarsson Anna đến từ Thụy Điển; Nyari Zoltán đến từ Đức; Katzameier Otto đến từ Hungari.

Bản giao hưởng số 8 của Mahler được hoàn thành trong mùa hè năm 1906, đây là một kiệt tác vô cùng đồ sộ cả về quy mô nghệ thuật và tầm vóc nội dung, tư tưởng.

Toàn bộ tác phẩm vừa là những lời hát ngợi ca về sự cứu thế, lòng nhân từ, sự tha thứ, tinh yêu và đức tin; vừa là lời nguyện cầu cho tương lai hòa bình và tươi sáng của nhân loại, và cũng là niềm tin về ý chí đấu tranh của loài người sẽ vượt qua mọi thế lực đen tối của cái ác tìm đến chân lý tri thức đưa nhân loại đến chân trời tự do.

Tác phẩm gồm 2 phần, phần một được viết dựa trên bài hát thánh ca Veni Creator Spiritus (Hỡi Đấng Sáng Thế hãy đến với chúng con), lời khẩn cầu tới Đức Chúa bằng tiếng Latin vang lên với âm điệu của ngôn ngữ cổ, cùng với không khí tôn nghiêm của thánh đường đã toát lên hàm ý về sự “nam tính” của chương nhạc.

Phần hai là một chương dài dựng theo gần như toàn bộ cảnh cuối trong vở kịch thơ được coi là vở kịch vĩ đại nhất mọi thời đại của Goethe: vở “Faust”. Tính siêu thực gần như vô thần và vai trò của phái nữ cùng với tình yêu đã làm cho chương nhạc đặc biệt cuốn hút và mang chất lãng mạn “nữ tính”. Tác phẩm chứa đựng nhiều tầng nội dung mang đậm tính triết lý, theo cách nhìn của thuyết Âm dương Phương Đông, nó cũng có được sự bền vững tuyệt vời của sự cân bằng.

Bảo Hoa
 
Bình luận
vtcnews.vn