Hóa mỹ phẩm 'vỏ to ruột bé': Nhà sản xuất đang cấu xén của người dùng?

Kinh tếThứ Sáu, 17/07/2015 11:52:00 +07:00

Hóa mỹ phẩm 'vỏ to ruột bé': Nhà sản xuất đang 'cấu xén' của người tiêu dùng?

(VTC News) - Vỏ can to nhưng bên trong lượng dung dịch chỉ xâm xấp 3/4, người tiêu dùng nhiều khi nghi ngại nhưng vì giá rẻ, khuyến mại nhiều nên vẫn thích mua, mà có muốn kiểm tra thể tích thực đủ hay không thì cũng khó.

Một buổi tối mua sắm ở Big C Thăng Long, chị Thùy Linh (Mỹ Đình, Hà Nội) như quay cuồng giữa hàng tá chương trình khuyến mại, giảm giá tại gian hàng hóa mỹ phẩm.


Dự định của chị là mua một can nước rửa bát loại to để có thể dùng được lâu, tuy nhiên nâng lên đặt xuống mãi chai Sunlight 3,8kg cuối cùng chị Linh vẫn quyết định không mua.

Hỏi ra mới biết, chị Linh cho rằng một can dầu 3,8kg như vậy nhưng trông lượng dầu bên trong cũng không được nhiều, trong khi cái can thì trông rõ là... "hoành tráng".
Nước rửa chén chỉ lưng lửng, đầy được 3/4 can
Chị Linh chia sẻ: "Mình thấy ở đây ghi là tiết kiệm 28.500 đồng, có lẽ là tiết kiệm được từng đó tiền so với việc mua lẻ từng chai bé. Nhưng nói thật mình thấy không yên tâm lắm về lượng thực ở bên trong ở những can to như thế này".

Trên thị trường hiện nay, có thể thấy những loại hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, nước giặt, nước rửa bát... cứ có thể tích thực hay khối lượng tịnh càng lớn thì bao bì như chai, can, túi đựng lại phải càng "khủng". 


Thậm chí còn được quảng cáo "tiết kiệm" được hơn bao nhiêu tiền, quà khuyến mại lại hấp dẫn như tặng kèm bánh xà phòng, nước rửa tay, rổ chậu... hay mua to tặng nhỏ, mua một tặng hai.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ có thể dễ thấy là ở một vài sản phẩm, lượng hóa phẩm thực ở bên trong bao bì chỉ xâm xấp, lưng lửng chứ rất hiếm khi đầy đến nắp. Nhiều loại nước giặt, nước rửa bát nhìn từ bên ngoài can chứa thì chỉ thấy đầy được có 3/4 can.

Hay có những chai sữa tắm thể tích thực được ghi 1 lít nhưng nhìn kỹ "xuyên thấu" lớp vỏ nhựa có thể thấy, chai dầu chỉ đầy được hơn nửa già.

Theo quan sát của PV VTC News, hầu như người tiêu dùng đều bị "hút" bởi những loại có kích thước lớn hơn bởi bao giờ cũng được nhân viên bán hàng khẳng định là giá "tiết kiệm hơn", dùng được lâu hơn và quan trọng là có chương trình khuyến mại, giảm giá.

Những người "kỹ tính" như trường hợp chị Thùy Linh là rất hiếm, hoặc có người dù để ý nhưng cũng cứ "tặc lưỡi" mua vì tính đi tính lại thì được giảm giá, có khuyến mại vẫn cứ hơn.

Ví dụ một can nước giặt OMO Matic dành cho máy giặt cửa trên, khối lượng tịnh 2,7 kg (thể tích thực 2,6 lít) thì trên can được ghi "Tiết kiệm 25.000 đồng", ngoài ra còn được tặng kèm một chai nước rửa bát Sunlight loại nhỏ, sau đó còn được tham gia quay số trúng thưởng nhận quà. Can nước giặt khá to, cầm nặng tay nhưng nhìn rõ được bên trong, lượng nước giặt chỉ đầy có 3/4 can.

Trong vai là một người đi mua hàng, khi PV VTC News hỏi một nhân viên tiếp thị OMO ở siêu thị lớn nhất nhì Hà Nội thì chị này cho biết: "Nặng tay là vì đây là nước giặt dạng sệt nên nó nặng hơn nước dạng lỏng thông thường. Với cả chị cứ yên tâm là lượng nước giặt bên trong dù không đầy nhưng vẫn đảm bảo đúng với thể tích thực được ghi trên vỏ".


Tuy nhiên, khác với mua một con gà ở ngoài chợ, nói xong có thể đặt lên cân một cái là biết đủ hay thiếu thì rõ ràng, chẳng ai đong được lượng nước giặt bên trong ngay lúc đó để biết được nó có đủ 2,6 lít hay không.

Điều này khiến cho nhiều người tiêu dùng đang cảm thấy bất an mỗi khi lựa chọn sản phẩm, rằng liệu lượng sản phẩm thực bên trong có đúng với con số được ghi bên ngoài?

Mặt khác, việc làm kích thước bao bì không tương xứng với lượng sản phẩm đựng bên trong liệu có phải là một cách để nhà sản xuất "gian lận", "cấu xén" bớt của người tiêu dùng?
Những chai dầu gội chỉ đầy lưng lửng chai, liệu thể tích thực có đảm bảo đủ, đúng với con số ghi trên bao bì?
Theo ý kiến của một chuyên gia về hóa mỹ phẩm, thông thường người mua chỉ cần nhìn thấy "vỏ ngoài" to đẹp mà giá lại rẻ, có nhiều ưu đãi là sẽ nhanh tay chi tiền, trong khi đó cũng không rõ khối lượng, chất lượng của "ruột trong" ra sao.

Đó đang là tâm lý mua sắm chung của người tiêu dùng thời nay, điều đó không khó hiểu. Tuy nhiên các nhà sản xuất cũng đang phần nào lợi dụng "điểm yếu" này của người tiêu dùng, biến nó thành "đòn tâm lý" để "đánh" vào khách hàng nhằm bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt.

Vị chuyên gia này cho một ví dụ: "Bạn có bao giờ để ý trên những chai nhựa đựng nước khoáng, nước ngọt hay có những đường vân lõm xuống trông rất đẹp không? Chắc chắn là không rồi vì trông nó chẳng khác gì hoa văn trang trí để làm đẹp cho cái chai cả. Tuy nhiên chỉ cần để ý một chút thì thấy ngay được rằng nó có khả năng "ăn bớt" được kha khá thể tích của chai đấy."

Chuyện cái can to nhưng dung dịch bên trong chỉ lưng lửng cũng tương tự như vậy, nếu người tiêu dùng chỉ thích bao bì càng to, càng đẹp mà không để ý tới lượng thực bên trong thì nhiều khi sẽ tự đánh mất đi quyền lợi của mình.

"Tuy nhiên, khó một chỗ là các loại hóa phẩm thường là dạng lỏng nên người mua cũng chỉ biết thế là dùng chứ có muốn cũng chẳng thể tự kiểm tra được thể tích thực có đúng hay không", vị chuyên gia này cho biết thêm.

Hải Anh
Bình luận
vtcnews.vn