Hoa anh đào vượt “dư chấn” sóng thần đến Hà Nội

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 06/04/2011 12:14:00 +07:00

(VTC News) - BTC lễ hội Genki cho biết sẽ huy động lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt, mỗi cây hoa anh đào sẽ có nhiều bảo vệ và 8 tình nguyện viên đứng canh...

(VTC News) - Sau thảm họa động đất và sóng thần kinh hoàng ở Nhật ngày 11/3 vừa qua, hoa anh đào – biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của đất nước và nhân dân xứ sở mặt trời mọc vẫn sẽ trở lại Việt Nam trong Lễ hội Genki 2011 diễn ra vào ngày 16 và 17/ 4 tới tại Trung tâm Hội trợ Triển lãm VN (148 Giảng Võ, Hà Nội).

 

Phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với hai đại diện Ban điều hành Lễ hội Genki của hai nước là ông Yoshio Murakami (Nhật Bản) và ông Nguyễn Viết Cường (Việt Nam) để tìm hiểu thông tin xung quanh lễ hội năm nay.

 

- Năm nay, tưởng chừng lễ hội hoa anh đào sẽ phải hoãn lại vì “dư chấn” của thảm họa sóng thần mà nước Nhật phải gánh chịu trong thời gian qua. Nhưng cuối cùng lễ hội vẫn diễn ra, với tên gọi lễ hội Genki, lại có cả hoa anh đào tươi để người Hà Nội thưởng thức. Hẳn phía ban tổ chức đã phải nỗ lực rất nhiều?

 

Đại diện Ban điều hành Lễ hội Genki về phía Nhật Bản, ông Yoshio Murakami trong cuộc gặp gỡ với phóng viên báo điện tử VTC News.
- Ông Yoshio Murakami: Về phía Nhật, do thảm họa sóng thần nên tất cả các sự kiện liên quan đến văn hóa Nhật Bản đều phải hủy hết. Trước khi thảm họa xảy ra, BTC chúng tôi vẫn nghĩ tới việc tổ chức một sự kiện văn hóa lớn như thế này ở Việt Nam. Thông thường hàng năm lễ hội hoa anh đào được tổ chức ở Việt Nam với mục đích giao lưu, trao đổi văn hóa, nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Nhật. Nhưng ở Lễ hội Genki năm nay, ngoài mục đích trên, chúng tôi cũng hy vọng sẽ vận động được một số lượng tiền quyên góp lớn từ phía các bạn Việt Nam và bạn bè quốc tế để chia sẻ với những mất mát của người dân Nhật Bản.

 

- Năm nay BTC quyết định sẽ trưng bày hoa anh đào thật trong Lễ hội Genki. Có phải vì năm ngoái trưng hoa giả, người xem cảm thấy kém hứng thú,  phản hồi không tốt nên năm nay BTC mới quyết định dùng hoa thật?

 

- Ông Yoshio Murakami: Thực ra không phải là lí do đó. Các năm khác thì ở lễ hội hoa anh đào Nhật Bản đều có hoa anh đào thật nhưng ở thời điểm lễ hội năm ngoái, do công tác tổ chức gặp khó khăn nên BTC đã quyết định hủy. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng tổ chức Lễ hội Satsuki (Lễ hội tháng Năm) vì không muốn hủy bỏ hoàn toàn cũng như làm gián đoạn lễ hội có ý nghĩa xuyên suốt này. Các quyết định đó đều xảy ra trong một thời gian rất ngắn nên công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn, BTC đã trở tay không kịp. Hơn nữa, Lễ hội Satsuki năm 2010 diễn ra từ 8-9/5 là thời điểm hoa anh đào bên Nhật đã nở hết nên chúng tôi không thể mang hoa tươi sang Việt Nam được..
 

- Việc vận chuyển và bảo quản hoa anh đào tươi từ Nhật sang Việt Nam chắc hẳn gặp nhiều khó khăn?

- Ông Yoshio Murakami:  Thực ra thảm họa động đất và sóng thần vừa qua chỉ xảy ra ở một số tỉnh của Nhật Bản. BTC lễ hội chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ nhiều tổ chức của Nhật Bản và Việt Nam như: Bộ VH-TT&DL Việt Nam, Đại sứ quán hai nước, Hiệp hội hoa anh đào Nhật Bản, Hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật, VietnamAirline, Cục Hợp tác quốc tế… Điều này giúp cho công tác tổ chức lễ hội cũng như vận chuyển hoa anh đào, hàng hóa từ Nhật sang Việt Nam được thuận lợi hơn.

 

Tính đến thời điểm này, BTC chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn tài trợ kinh phí phục vụ lễ hội do Nhật Bản gặp thiên tai. Công tác vận chuyển hoa anh đào tươi sang Việt Nam cũng cần được tính toán kỹ lưỡng hơn.

 

- Các lễ hội hoa anh đào có trưng bày hoa thật phải có rất nhiều bảo vệ đứng canh để ngăn “làn sóng phấn khích” của khán giả như bẻ cành ngắt hoa hoặc lại gần vin cành chụp ảnh. Năm nay BTC lại miễn phí vé cho khách tham quan, vì vậy ước lượng số khách đến lễ hội sẽ tăng rất nhiều. Điều này có phải là “tự làm khó” cho công tác an ninh của lễ hội?

 

- ÔngNguyễn Viết Cường: Việc bẻ cành, ngắt hoa anh đào tại lễ hội như các năm trước cho thấy cách yêu hoa chưa đẹp, chưa xứng tầm văn hóa của người Việt. Người Việt mình chỉ nghĩ đơn giản là thích hoa thì ngắt đem về làm kỉ niệm chứ không nghĩ rằng việc đó sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của mình trong mắt nước bạn... Khi chứng kiến cảnh đó, nhiều người Nhật cảm thấy rất buồn và thất vọng, thậm chí nhiều bạn trẻ Nhật đứng khóc mà không biết làm gì.

 

Kể từ những “tai nạn” không đáng có đó, năm nay BTC lễ hội đã phải lưu tâm nhiều hơn đến công tác quảng bá, kêu gọi mọi người cùng bảo vệ hoa. Bên cạnh đó, BTC cũng đã huy động một lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt phối hợp với khoảng 500 tình nguyện viên của hai nước phục vụ lễ hội. Mỗi cây hoa sẽ có nhiều bảo vệ và 8 tình nguyên viên đứng canh.

 

Hiện tại thì chúng tôi cũng chưa quyết định là sẽ trưng bày hoa anh đào thật trong một hay hai ngày vì điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

 

- Ba năm đầu tiên gọi là Lễ hội hoa anh đào, năm 2010 gọi là Lễ hội Satsuki (có nghĩa là Lễ hội tháng Năm), năm nay BTC lại đổi tên thành Lễ hội Genki. Chữ “Genki” trong tiếng Nhật có nghĩa là gì?

 

- Ông Yoshio Murakami: “Genki” mang nghĩa “thể lực, sự mạnh mẽ, sức sống”. Đây là một từ được người dân Nhật Bản vô cùng yêu thích.

 

Ông Nguyễn Viết Cường, Đại diện Ban điều hành Lễ hội Genki.   
- ÔngNguyễn Viết Cường: Bạn có thể hiểu đơn giản Lễ hội Genki giống như Hội khỏe Phù Đổng của Việt Nam vậy.

 

- Nói như vậy có nghĩa là việc sử dụng cái tên “Genki” trong lễ hội năm nay là một cách khích lệ tinh thần Nhật Bản sau thảm họa thiên tai vừa qua?

 

- Ông Yoshio Murakami: Thực ra đó là một sự trùng hợp rất ngẫu nhiên thôi. Lễ hội hoa anh đào ở Nhật Bản được tổ chức thường niên ở Việt Nam. Để làm lễ hội trở nên mới mẻ, sinh động thì mỗi năm BTC sẽ chọn cho lễ hội một cái tên khác nhau gắn với tư tưởng, truyền thống, văn hóa của người dân Nhật bản mà lại phù hợp với văn hóa của người dân Việt Nam. Chúng tôi sử dụng từ “Genki” với ước vọng chúng ta sẽ có một lễ hội đầy sức sống, vui vẻ, đầy tình thân ái để mọi người cùng chia sẻ, cùng cố gắng vì cuộc sống tốt đẹp… Mỗi một người dân Nhật đều có một chữ “Genki”, đó là niềm tin, niềm hy vọng và sức sống diệu kỳ.

- Gắn với những mất mát của nước Nhật vừa qua, Lễ hội Genki 2011 được tổ chức ở Việt Nam có điểm nhấn gì đặc biệt để thể hiện sự chia sẻ?

-
ÔngNguyễn Viết Cường: Lễ hội Genki năm nay vẫn tiếp tục duy trì những hoạt động chính như các lễ hội hoa anh đào trước đây: màn múa diễu hành Yosakoi cổ truyền của 10 đội múa Việt Nam và 4 đội múa chuyên nghiệp đến từ Nhật, múa Nakin, cosplay, trà đạo, kiếm đạo, nghệ thuật gấp giấy Origami, trò chơi truyền thống, giới thiệu các gian hàng ẩm thực, lưu niệm, trò chơi truyền thống, truyện tranh Nhật Bản, trưng bày hoa anh đào, đèn lồng, cờ cá chép, tranh phong cảnh bốn mùa Nhật khổ lớn… Ngoài ra, điểm nhấn cũng như mục đích lớn của lễ hội năm nay là BTC hy vọng người dân Việt Nam cũng như khách quốc tế sẽ đến lễ hội vừa để tìm hiểu, thưởng thức những nét đẹp của nền văn hóa Nhật Bản vừa quyên góp tiền ủng hộ, chia sẻ với những mất mát của đất nước và người dân nước này sau thảm họa sóng thần. Sự chia sẻ ấy không nhất thiết cứ phải là tiền mà còn là chia sẻ tinh thần, lời nhắn gửi, sự động viên khích lệ…

- Ông Yoshio Murakami: Người Nhật Bản chúng tôi có câu: “Sếu nghìn năm, rùa vạn năm”, nói về những cái bền vững, mạnh mẽ... Trong lễ hội này, BTC cũng dựng một gian hàng gấp giấy Origami hướng dẫn khách tham quan làm quen và thực hành với nghệ thuật gấp giấy truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản. Đến khi đã có đủ 1.000 con hạc giấy thì BTC chúng tôi sẽ gửi toàn bộ số hạc về nước như một món quà đặc biệt thể hiện tấm lòng tri ân của người Việt dành cho nhân dân Nhật Bản. Đó cũng là ước mong cho một sự gắn kết bền bỉ của nhân dân hai nước.  

Những cành hoa anh đào Nhật Bản tươi luôn thu hút sự chú ý của người dân Hà Nội. 
- Thưa ngài Yoshio Murakami, là người Nhật, hẳn ông có nhiều nỗi niềm muốn gửi đến nhân dân mình sau sự cố thảm họa vừa qua? 

- Ông Yoshio Murakami: Khi nghe những thông tin về thảm họa lịch sử vừa rồi, tôi vô cùng xót xa. Tin tức về những người đã mất, những người mất tích chưa tìm được khiến ai ai trên đất nước tôi cũng đều đau lòng. Tôi muốn làm một cái gì đó thực sự có ích cho đất nước lúc này và việc tổ chức Lễ hội hoa anh đào Genki là một sự kiện quan trọng, cần thiết cho đất nước và nhân dân của tôi. Qua đó cũng hy vọng tình hữu nghị giữa hai nước sẽ trở nên tốt đẹp hơn. 

- Khi chưa sang Việt Nam làm công tác điều hành chuẩn bị lễ hội, ông đã nghe hoặc tận mắt chứng kiến những câu chuyện cảm động, đau thương nào trong thảm họa thiên tai vừa qua ở Nhật?

 

- Ông Yoshio Murakami: Nơi tôi ở may mắn sóng thần không tràn qua. Tôi không muốn nói nhiều về đau thương bởi các bạn đều đã nghe tới qua báo đài. Tôi chỉ muốn thể hiện niềm vui mừng khôn xiết khi nghe tin hai bà cháu sống sót thần kỳ sau 9 ngày bị vùi lấp dưới đống đổ nát trong những ngày tuyết lạnh, một cụ ông sống sót kỳ diệu sau 2 ngày lênh đênh trên biển với nỗi tuyệt vọng lớn lao… Điều mà nhân dân của tôi thực sự cần lúc này là niềm tin và sự chia sẻ từ phía các bạn.

 

- Trong khi vượt qua thảm họa vừa qua, người ta nói rất nhiều đến tính cách, tinh thần Nhật Bản. Xin được hỏi ông Nguyễn Viết Cường, ông đã có nhiều năm sống và công tác tại Nhật, vậy hơn ai hết ông hiểu rõ tính cách người Nhật, ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình?

- ÔngNguyễn Viết Cường: Người Nhật rất thân thiện, chu đáo, niềm nở. Những lần tôi sang Nhật cho dù là ở nhà dân thường họ cũng đón tiếp tôi như khách quý, chuẩn bị thức ăn ngon nhất, đệm nằm êm nhất, nước tắm để khách có thể thư giãn tốt nhất... Có khi ở khách sạn 5 sao bạn cũng chẳng được phục vụ ân cần như vậy. Người Nhật luôn nghĩ về người khác trước khi nghĩ đến mình. Chính vì vậy mà khi gặp thảm họa, họ đứng xếp hàng từng người một để ai cũng được nhận nước uống, đồ ăn, các siêu thị thì lần lượt giảm giá cho dân… Tinh thần Nhật, nghị lực Nhật và sự thông minh, kiên cường của họ là một kết quả chiều dài văn hóa, giáo dục hoàn hảo. Một điều nữa, người Nhật đã định làm gì thì họ sẽ quyết tâm làm đến cùng. Tôi tin, họ sẽ nhanh chóng vượt qua nỗi đau trước mắt và sớm lấy lại “phong độ” của một nước Nhật hùng cường, văn minh.

 

- Trong một vài năm tới, liệu có thể có được một lễ hội quảng bá văn hóa Việt Nam quy mô hoành tráng trên đất Nhật tương tự như lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam những năm gần đây?

 

ÔngNguyễn Viết Cường: Chúng tôi đã cố gắng hòa vào các lễ hội của người Nhật Bản, giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới nhân dân Nhật bằng nhiều cách khác nhau như: tham gia các gian hàng nhỏ, mặc trang phục của người Việt Nam, dùng cờ Việt Nam và múa điệu múa truyền thống của người Nhật theo phong cách Việt Nam… Trong tương lai, nếu được hỗ trợ nhiều hơn về kinh phí thì chúng tôi sẽ cố gắng đưa nhiều đoàn diễn viên, đoàn múa truyền thống sang Nhật để tổ chức một lễ hội văn hóa Việt Nam thật chỉn chu tại nước bạn. BTC chúng tôi cũng đang đề xuất ý tưởng này với Cục Hợp tác quốc tế của Bộ VH-TT & DL, Đại sứ quán hai nước và các cơ quan có thẩm quyền.

 

- Rất cảm ơn hai ông về buổi trò chuyện. Chúc Lễ hội Genki 2011 thành công tốt đẹp!

Hoàng Nghĩa (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn