Hỗ trợ người nghèo: Chuyện "con cá" và "chiếc cần câu"

Kinh tếThứ Sáu, 15/04/2011 07:11:00 +07:00

(VTC News) – Với bão giá như hiện nay, việc hỗ trợ người thu nhập thấp 250.000đồng/tháng của Chính phủ có thể chỉ “như muối bỏ bể” nhưng lại là việc cần thiết.

(VTC News) – Việc Chính phủ quyết định chi khoảng 2.000 tỉ đồng để trợ cấp đột xuất hàng tháng 250.000 đồng/người nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo ngay từ tháng 4 này, theo đánh giá của các chuyên gia chỉ là giải pháp “ăn xổi” nhưng trong tình thế hiện nay lại là việc cần thiết. Thay vì cung cấp "con cá", tức là sự hỗ trợ trực tiếp tới người nghèo, các giải pháp căn cơ lâu dài như tạo công ăn việc làm, xây dựng một hệ thống an sinh xã hội tốt mới thực sự là "chiếc cần câu" đảm bảo cuộc sống ổn định, bền lâu cho người có thu nhập thấp, các chuyên gia cho biết.

 

“Con cá”

 

Nhằm can thiệp vào tình hình giá cả, trợ giúp người dân đang gặp nhiều khó khăn, nhà nước sẽ hỗ trợ 250.000 đồng/ tháng cho những người có hệ số lương (lương chức vụ hoặc lương theo ngạch, bậc hiện hưởng) từ 3,0 trở xuống; cán bộ, viên chức, công chức, (bao gồm cả công chức trong thời gian tập sự) thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước; người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 2,19 triệu đồng/tháng trở xuống; người được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, cán bộ xã phường thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người có công với cách mạng hưởng trợ cấp thường xuyên cũng được hưởng mức hỗ trợ 250.000 đồng/ tháng.

Tùy vào hoàn cảnh, các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ từ 100 - 250.000 đồng/tháng trong thời buổi giá cả leo thang hiện nay. (Ảnh minh họa)


Riêng những người hưởng trợ cấp tuất (bao gồm cả đối tượng hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội và trợ cấp tuất đối với người có công) được hỗ trợ 100.000 đồng/ tháng.


Tuy không cao, nhưng với tình hình hiện nay, mức hỗ trợ trên sẽ phần nào giảm bớt khó khăn nhân dân đang gánh chịu.


Giáo sư Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: giá hai mặt hàng thiết yếu là xăng và điện tăng, kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng lên giá, ảnh hưởng tới hầu hết mọi tầng lớp dân cư, thậm chí làm đảo lộn cả cuộc sống, sinh hoạt của một số người.

 

Theo ông, thực ra, hai bộ phận bị cơn bão này “đánh” mạnh nhất là những công chức ăn lương nhà nước thực sự ở thành thị và các hộ nghèo ở nông thôn. Đây là những người, mà bình thường, với khoản thu nhập thấp, đã có cuộc sống rất khó khăn. Đứng trước mức độ tăng giá cả các mặt hàng thiết yếu cao và nhanh như hiện nay, đời sống của họ càng bị ảnh hưởng nặng nề.


Nhóm ít chịu tác động của bão giá hơn là các gia đình thuộc mức trung lưu và khá giả. Tuy nhiên, những người này cũng thấp thỏm lo lắng và đã bắt đầu tìm cách thắt chặt chi tiêu. Lý do là, đây là nhóm có nhu cầu tiêu dùng lớn, cũng là những người nhanh nhạy, biết tính toán nên họ luôn tìm cách chi tiêu thật hợp lý, hiệu quả. Đứng trước biến động giá cả hiện nay, họ thường phải tìm cách cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết và huy động mọi khả năng, nguồn vốn để gia tăng tài sản.  

Trước chính sách này, nhiều người dân tỏ ra rất hoan nghênh và phấn khởi. Tuy nhiên, cũng không ít người băn khoăn khi giá cả đang leo thang, mức hỗ trợ 250.000 đồng/tháng chẳng khác nào “muối bỏ bể”.


Trao đổi với VTC News,  Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, chuyên viên tư vấn tiền tệ Quốc gia; Chủ tịch Hiệp Hội DNNVV Việt Nam cho biết: Hỗ trợ cho người có thu nhập thấp hiện nay là biện pháp kịp thời trước mắt có ý nghĩa tích cực với cộng đồng. Bởi theo ông, để giải quyết được vấn đề cho người nghèo và người có thu nhập thấp có hai giai đoạn: Giai đoạn trước mắt và lâu dài. Hai vấn đề đều được nhà nước rất quan tâm và luôn đồng hành song song với nhau.

 

Hay “cái cần câu”

 

Theo tính toán của bộ Tài chính, sẽ có khoảng 21 triệu người đang gặp khó khăn sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của người nghèo lần này. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lo ngại: Chính sách này sẽ dễ bị lạm dụng khi khai báo sổ sách. Nếu giấy tờ không minh bạch, việc kiểm tra, xác thực thông tin không chính xác, tiền sẽ vẫn vào tay những người giàu hoặc có chức, có quyền, trong khi đó, những người nghèo cần giúp đỡ lại vẫn “trắng tay”.

TS. Nguyễn Minh Phong

Tại các nước trên thế giới, các cơ quan chức năng hay các đơn vị kinh doanh, sản xuất đều quản lý, kiểm tra sổ sách rất chặt chẽ. Phụ thuộc vào thông số ghi đầy đủ, chi tiết trên giấy tờ, đối chiếu với sổ lương, họ có thể nắm bắt được thu nhập chính xác của từng hộ, từng gia đình, từng cá nhân cụ thể, từ đó có những chính sách an sinh xã hội phù hợp và đúng đắn.

“Không như ở Việt Nam, ai giàu, ai nghèo chỉ ngày hôm trước, hôm sau đã khác nhau rồi” – ông Phong thắng thắn nói về những tiêu cực tại Việt Nam hiện nay.

Cũng vì thế mà theo ông Phong, biện pháp này có thể không thực sự hữu dụng cho người dân. Vị tiến sĩ này cho rằng: Thay vì hỗ trợ tài chính cho người dân hàng tháng với một khoản tiền nhất định, Chính phủ nên thay đổi bằng cách hỗ trợ giá cả cho người mua. Bởi hiện nay, giá cả tất cả các mặt hàng đều tăng cao đến chóng mặt. Nếu không có biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và các giải pháp siết chặt quản lý thị trường thì người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là người dân.

Chuyên viên tiền tệ Quốc gia- Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết thêm, để đảm bảo được đời sống an sinh xã hội lâu dài yếu tố cơ bản nhất là đi từ yếu tố sản xuất. Sản xuất ở đây được hiểu là phát huy nội lực của mỗi cá nhân, được thể hiện như nhà nước hỗ trợ về vốn cho một số đối tượng có khả năng làm kinh tế; đào tạo nghề- công ăn việc làm cho những người chưa có việc làm,…nhằm tạo cho họ có cơ hội vươn lên tự lập làm chủ chính mình và đứng vững trước cuộc sống.  Còn các đối tượng không nơi tương tựa và mất sức lao động cần có sự hỗ trợ từ sức mạnh của cộng đồng và nhà nước từ những nguồn vốn huy động xã hội … nhằm đảm bảo đời sống cơ bản cho họ.

 

Ông Phong nhận định: Đây chỉ là biện pháp “ăn xổi”, tức thời giúp đỡ người dân trong hoàn cảnh hiện nay, không mang tính lâu dài và ổn định. Ông khuyến nghị: Biện pháp tốt nhất để giúp dân bớt nghèo đó là Nhà nước làm sao điều chỉnh cơ chế chống tham nhũng, rút ngắn sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu – người nghèo vốn vẫn tồn tại như hiện nay.

 

“Chừng nào còn tham nhũng thì người dân còn nghèo vì  tham nhũng là cách gián tiếp “ăn tiền” của người dân” – TS. Phong đưa ra ý kiến.

 

Còn TS. Cao Sĩ Kiêm thì cho biết thêm, để đảm bảo được đời sống an sinh xã hội lâu dài yếu tố cơ bản nhất là đi từ yếu tố sản xuất. Sản xuất ở đây được hiểu là phát huy nội lực của mỗi cá nhân, được thể hiện như nhà nước hỗ trợ về vốn cho một số đối tượng có khả năng làm kinh tế; đào tạo nghề- công ăn việc làm cho những người chưa có việc làm,…nhằm tạo cho họ có cơ hội vươn lên tự lập làm chủ chính mình và đứng vững trước cuộc sống.  Còn các đối tượng không nơi tương tựa và mất sức lao động cần có sự hỗ trợ từ sức mạnh của cộng đồng và nhà nước từ những nguồn vốn huy động xã hội… nhằm đảm bảo đời sống cơ bản cho họ.

 

Phương Liên


Bình luận
vtcnews.vn