Hồ Ngọc Hà chính thức phát đơn khiếu nại

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 09/06/2010 09:59:00 +07:00

Hôm qua 8/6, Hồ Ngọc Hà và gia đình đã chính thức phát đơn khiếu nại đến ban biên tập tờ báo có bài viết về "đám cưới năm 2001 tại KS Daewoo" của cô.

Sau khi thống nhất với luật sư, hôm qua 8/6, Hồ Ngọc Hà và gia đình đã chính thức phát đơn khiếu nại đến ban biên tập tờ báo mà cô cho rằng đã đăng bài viết sai sự thật, xúc phạm danh dự công dân, xâm phạm đời tư bất hợp pháp đối với cô.

Vụ việc này như đã thông tin, sau khi bài viết Chuyện Hồ Ngọc Hà cưới chồng năm 2001 ở khách sạn Deawoo, Hà Nội đăng trên một tờ báo có trụ sở tại Hà Nội, ca sĩ Hồ Ngọc Hà cùng gia đình đã bức xúc và phản ứng dữ dội vì cho rằng tác giả đã “xúc phạm danh dự, uy tín của gia đình và dòng họ chúng tôi”. Chính vì thế cô và gia đình đã nhờ luật sư giúp đỡ pháp lý để khiếu nại đến các cơ quan chức năng cũng như ban biên tập tờ báo này.

Đơn khiếu nại của Hồ Ngọc Hà viết gì?

Theo báo Thanh Niên, trong đơn, gia đình Hồ Ngọc Hà nhấn mạnh rằng: “Hồ Ngọc Hà chưa từng “lạnh lùng tuyên bố” có bầu với ông H. bao giờ. Tác giả bài báo đã mượn lời mẹ của H. để “kể lại” với độc giả, nhưng dù thế nào đi nữa thì ông ta không thể lắng nghe “thông tin một chiều” để thêu dệt lên một câu chuyện như thế”.

Hồ Ngọc Hà chính thức gửi đơn khiếu nại. 
Và nữa, “Chúng tôi giả sử điều đó là thật thì liệu một cô gái còn trẻ tuổi như Hồ Ngọc Hà có đủ khả năng gây áp lực lên một gia đình như gia đình ông H. để yêu cầu họ làm đám cưới không? Chuyện này chắc chắn là không bao giờ xảy ra.

Tiếp theo, “Ở những năm 2001, một khi bà Nga muốn kiểm tra liệu Hồ Ngọc Hà có thai hay không thì chỉ cần làm một điều đơn giản là đưa Hà đến bệnh viện để kiểm tra... Đằng này tác giả lại viết như tiểu thuyết: “Bà Nga, sau những tháng ngày háo hức chờ đón cháu nội, chăm lo hết sức cho con dâu nhí, dần dần ngộ ra...”.

Trong đơn khiếu nại, gia đình Hồ Ngọc Hà cho rằng: “Đọc những dòng văn cay nghiệt này có lẽ độc giả sẽ hiểu lầm rằng “toan tính của Hồ Ngọc Hà là muốn hưởng tài sản của gia đình ông H. nhưng bất thành” nên giờ Hồ Ngọc Hà phải vừa “khóc ra máu” (huyết lệ) vừa viết vào các giấy tờ cam kết không liên quan đến tài sản của gia đình H. Nhưng trên thực tế Hồ Ngọc Hà chẳng viết bất cứ một “dòng huyết lệ ngoài toan tính nào” như lời tác giả bài báo...”.

Đặc biệt, đơn khiếu nại cũng chỉ ra rằng, khi cuộc gặp giữa hai gia đình diễn ra năm 2001, bà nội Hà đã mất (năm 1996), nhưng tác giả bài viết vẫn miêu tả “Bà nội của Hồ Ngọc Hà có điều gì đó như mang nặng trong lòng một nỗi mặc cảm không dễ san sẻ. Bà được ngồi vào bàn giữa nhưng được một lúc lại bỏ vào trong”.

Mặt khác, đơn khiếu nại cũng phân tích: “Cho dù toàn bộ thông tin mà bài báo trên đăng tải là sự thật thì tác giả và quý báo cũng đã vi phạm pháp luật vì đây là quyền bí mật đời tư của Hồ Ngọc Hà. Tại điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ (khoản 1)” và “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý... (khoản 2)”.

Không chỉ vậy, “Quý báo và tác giả còn vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí (1989, sửa đổi bổ sung năm 1999) và Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26.4.2002. Bởi lẽ các văn bản pháp luật trên quy định: “Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự nhân phẩm của công dân (khoản 4, điều 10 Luật Báo chí)” và “Không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư... (khoản 4, điều 5, Nghị định 51/2002/NĐ-CP)”.

Yêu cầu cải chính, xin lỗi và bồi thường

Cuối đơn, gia đình Hồ Ngọc Hà yêu cầu tờ báo phải đăng cải chính và xin lỗi công khai đối với Hồ Ngọc Hà cùng gia đình.

Hồ Ngọc Hà và mẹ nhờ đến luật sư tư vấn để lên tiếng bảo vệ danh dự. (Ảnh: Thanh Niên). 
Ngoài ra, đơn khiếu nại cũng nêu rõ: “Theo quy định tại khoản 2, điều 611 Bộ luật Dân sự 2005: Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”, do đó chúng tôi “yêu cầu quý báo bồi thường cho chúng tôi theo quy định. Nếu như quý báo không chấp nhận các yêu cầu trên của chúng tôi hoặc chấp nhận nhưng không đầy đủ theo yêu cầu, buộc lòng chúng tôi phải nhờ cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp”.

Thế nào là "bí mật đời tư"?

Theo thông tin trên báo chí, nguyên nhân việc Hồ Ngọc Hà có ý định khởi kiện chuyên đề Pháp luật & Cuộc sống vì cho rằng bài báo “sự thật về đám cưới...” đã xâm phạm đời tư của mình. Tuy nhiên hiện khái niệm thế nào là bí mật đời tư vẫn đang là vấn đề pháp lý gây tranh cãi nhiều.

Trả lời trên Thanh Niên, một thẩm phán ở Tòa Dân sự - TAND TP.HCM phân tích: bí mật đời tư là những gì gắn với quyền nhân thân con người, bao hàm hai ý “bí mật” và “đời tư”. Cụ thể, đó có thể là những thông tin về cuộc sống gia đình, các mối quan hệ, “chuyện trong nhà”… gắn liền với mình mà người này không muốn cho người khác biết.

Những chuyện này chỉ có bản thân người đó biết hoặc những người thân thích, người có mối liên hệ với người đó biết, họ chưa từng công bố ra ngoài cho bất kỳ ai và những người biết thông tin này cũng không được công bố vì công bố sẽ gây ảnh hưởng, gây tổn hại đến cuộc sống của người đó.

Cũng theo vị thẩm phán này, “bí mật đời tư” là một phạm trù tương đối, có thể là chuyện đời tư đó là bí mật với người này nhưng lại là chuyện bình thường đối với người khác và việc công bố điều đó không có gì là “xâm phạm bí mật đời tư”.

“Vì vậy, nếu khởi kiện một bài báo đã xâm phạm bí mật đời tư thì người đi kiện phải chứng minh hành vi của người công bố thông tin đã xâm phạm vào chuyện bí mật và đời tư không muốn công khai và việc công khai thông tin đó không đem lại một chút lợi ích nào cho cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến danh dự, hình tượng, cuộc sống của người đó”, vị thẩm phán này nói.

 
Tuy nhiên, cùng vấn đề này, TS - giảng viên Lê Đình Nghị - Trường Đại học Luật Hà Nội trả lời trên Đời sống và Pháp luật lại nói: "Việc báo chí đưa thông tin về đám cưới của một cá nhân không phải là xâm phạm bí mật đời tư.

Ông Nghị nói: "Đưa thông tin về đám cưới là hết sức bình thường. Trong luật chưa định nghĩa thế nào là bí mật đời tư nhưng có thể hiểu chung nhất là bí mật đời tư là thông tin tư liệu liên quan đến một cá nhân mà bản thân cá nhân đó không công khai cho người khác biết, tư liệu đó được áp dụng các biện pháp bảo mật.

Một đám cưới rình rang như vậy, thiên hạ nhiều người biết. Đó không còn là bí mật nữa. Giữa góc độ pháp luật và thực tế có sự khác nhau. Cụ thể, khi đã là người của công chúng, dù luật không quy định nhưng có những nội dung thông tin người ta có quyền được khai thác mà không cần phải xin phép như hình ảnh chẳng hạn. Ví dụ, đám cưới của cô ta diễn ra, trưng cái ảnh đám cưới đó lên, chẳng có gì là xâm phạm đời tư cả".
Cũng trên Đời sống và Pháp luật, ý kiến của Thẩm phám Lưu Viết Hiểu - TAND quận Thanh Xuân (Hà Nội) như sau: "Đám cưới là công khai, không thể coi là bí mật đời tư được. Bí mật cá nhân không công bố, không ai được phép biết nhưng bị công khai trên dư luận thì mới là xâm phạm bí mật đời tư.

Đám cưới đã là công khai rồi thì không thể là bí mật. Mục đích của đám cưới là để công khai cho nhiều người biết. Chỉ khi dùng đám cưới đó để lợi dụng, đưa những thông tin liên quan đến đám cưới mà chứng minh được rằng xâm phạm bí mật đời tư thì đó mới cấu thành hành vi vi phạm".

Tổng hợp từ Thanh Niên, Đời sống và Pháp luật
 

Bình luận
vtcnews.vn