HLV ngoại 'mù' V-League?

Thể thaoThứ Bảy, 29/08/2015 02:30:00 +07:00

V-League đã từng chứng kiến biết bao thầy ngoại bất lực dù trình độ chuyên môn không dở.

V-League đã từng chứng kiến biết bao thầy ngoại bất lực dù trình độ chuyên môn không dở. 

Trong số các thầy ngoại làm V-League chỉ có HLV Calisto (Bồ Đào Nha, cựu HLV ĐT Long An) và Ajhan Songamsap (Thái Lan, cựu HLV HA Gia Lai) là thành công và có thành tích khi cầm một CLB Việt Nam.
HLV ngoại thất bại ở V League vì cho rằng đường thẳng là đường ngắn nhất
 HLV ngoại thất bại ở V League vì cho rằng đường thẳng là đường ngắn nhất
Chỗ cho thầy ngoại rất đắt, rất nóng
Còn lại thì không dưới 10 HLV ngoại trong đó có những người từng làm HLV đội tuyển quốc gia đến Việt Nam và đều đầu hàng hoặc bị sa thải sớm. Rõ nhất là HLV Riedl có thành tích tốt với đội tuyển Việt Nam nhưng khi dẫn dắt Khánh Hòa và sau đó là Hải Phòng thì đều thua xiểng niểng dù ông từng tự hào là mình rất hiểu về bóng đá Việt Nam và cầu thủ Việt Nam.
Thể Công, Đà Nẵng, B. Bình Dương, HA Gia Lai, ĐT Long An, Hải Phòng, Khánh Hòa… cũng từng thuê các HLV ngoại có tiếng ở cả châu Á, châu Âu lẫn Nam Mỹ nhưng tất cả đều không trụ lâu được ở V-League. Lạ ở chỗ sau chuỗi thua liên tục thua dưới đời thầy ngoại và ngay khi sa thải để thay bằng một HLV nội thì hầu hết các đội đều tìm được chiến thắng và đều cải thiện được thứ hạng. Đâu là nguyên nhân của việc thầy ngoại ít đất sống tại V-League?
Nói về vấn đề này, thầy ngoại nổi tiếng nhất tại V-League là Calisto đã chia sẻ bằng những kinh nghiệm tự rút ra của mình: “Tôi may mắn làm việc với ông Võ Quốc Thắng nên có thể đặt hết những vấn đề lên bàn một cách sòng phẳng. 
 Bầu Thắng cùng triều đại thành công của HLV Calisto
Ban đầu tôi muốn ĐT Long An phải đi đúng theo hướng của một CLB chuyên nghiệp nhưng sau này thì tôi hiểu rằng phải tùy vào tình thế, vào thời cuộc và vào khả năng thực tế của một đội bóng. Tôi thành công ở ĐT Long An hơn nhiều đồng nghiệp ngoại khác ở chỗ tôi thích nghi nhanh hơn và hiểu cả “ngôn ngữ” mà mọi người muốn truyền đạt. Và tôi đã ứng dụng tất cả những gì có thể trong điều kiện tốt nhất chứ không đòi hỏi như một HLV ngoại muốn mọi thứ phải theo mình…”.
Còn với HLV Ajhan Songamsap, người từng gắn với hai chức vô địch của HAGL thì hầu như ông chỉ quản các tuyển thủ Thái Lan vốn là học trò ông ở đội tuyển Thái còn phần cầu thủ nội thì đã có bầu Đức và thành phần còn lại (trong đó có những chuyên gia người Việt) làm tốt cái phần cùng chạy theo lối chơi của các cầu thủ Thái.
Còn lại các HLV ngoại khi đến với các CLB đều hình thành sản phẩm lỗi bởi phần muốn và phần chuyên nghiệp của thầy ngoại không thích nghi lẫn không đồng bộ với lối mòn ở V-League. Nói dân dã như chính những nhà chuyên môn ở Việt Nam là thầy ngoại “mù” V-League.
Video thầy Giôm nói về chuyện từ chức
Đường thẳng có khi lại xa hơn đường vòng
Có thể thấy rất rõ qua việc thầy Giôm của HA Gia Lai khi đưa các cầu thủ của Học viện HA Gia Lai - Arsenal - JMG lên sân chơi V-League thì ông vẫn đóng “nguyên đai nguyên kiện” của một lối chơi đẹp đầy cống hiến và chỉ chú trọng vào tấn công. 
Ông hoàn toàn không lường được các học trò ông phải hứng chịu nhiều tiểu xảo mà cỡ như Công Phượng cứ bị một trung vệ gí suốt và hỏi đi hỏi lại một câu: “Ê Phượng! Mày bao nhiêu tuổi?” thì tất nhiên thằng bé khó có tâm trí để đá như chơi ở những giải trẻ. Ông Giôm cũng không lường trước được rằng ở V-League chỉ một mình ông đi đường thẳng trong khi nhiều đối thủ lại biết lấy điểm từ nhà giàu bằng thứ bóng đá tình nghĩa hay bằng cơ chế xin cho, trao đổi…
 HAGL đá hay hơn nhiều sau khi thay tướng
Thầy Giôm chắc chắn cũng không hiểu được chuyện cầu thủ đá V-League ở nhiều đội được công bố những mức thưởng từ nửa tỉ lên đến vài tỉ nhưng phần sử dụng cho phần thưởng đấy nhiều khi lại để “giúp” những người ngoài đội bóng. Càng không thể hiểu có đội từng đá bốn trận cuối với khoản thưởng 10 tỉ đồng để kích thích tinh thần cầu thủ mình thì ít mà để “giao tế” và để “lấy lòng” các “bạn” (cũng là đối thủ) thì nhiều.
Không chỉ Giôm mà nhiều HLV ngoại đến với V-League đều nghĩ đơn giản đường thẳng là đường nhanh nhất nhưng nhiều thầy nội và nhà chuyên môn ở V-League lại thuộc lòng đường vòng hay đường “trên bàn” và cả đường để đối thủ không muốn thắng mới là đường nhanh đến đích.

Nguồn: Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn