Hiệu trưởng đầu tiên của mái trường danh tiếng nhất thành Nam

Giáo dụcThứ Hai, 23/03/2015 07:38:00 +07:00

Trong hai ngày 21, 22/3, cựu học sinh, học sinh đã trở về nơi mái trường THPt Lê Hồng Phong (Nam Định) để tri ân thầy cô.

Trong hai ngày 21, 22/3, hàng ngàn cựu học sinh, học sinh đã và đang theo học tại mái trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) đã trở về nơi đây để cùng tri ân thầy cô, chia sẻ ký ức và kỷ niệm nhân sự kiện nhà trường kỷ niệm 95 năm ngày thành lập và đón Cờ thi đua của Chính phủ.

Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập có một sự kiện ý nghĩa, đó là buổi tọa đàm kỷ niệm 115 năm sinh người thầy đáng kính – Hiệu trưởng Đào Văn Định. Thầy cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của mái trường danh tiếng thành Nam này.

Rất đông các giáo sư, viện sỹ, nhà khoa học, các cựu học sinh Lê Hồng Phong đã về dự buổi tọa đàm, cùng đánh thức lại những ký ức vẹn nguyên về thầy Đào Văn Định kính yêu với một niềm xúc động, ngưỡng vọng khôn nguôi…
 Nhà giáo Đào Văn Định (thứ 7 từ trái sang, hàng đầu) cùng các thầy cô giáo trẻ của trường THPT cấp III Lê Hồng Phong – Lý Tự Trọng năm 1959 - 1960.
Trải qua gần 40 năm đứng lớp (từ năm 1923 đến năm 1962), trong đó có 12 năm (từ 1950 đến 1962), thầy giáo Đào Văn Định đã trực tiếp làm Hiệu trưởng đầu tiên và liên tục, từ trường Chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền đến trường Phổ thông cấp III Kháng chiến Liên khu II và, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Cuộc đời thầy đã dành trọn vẹn cho Đảng, cho cách mạng, thầy đã góp phần xây nền đắp móng, cùng với tập thể giáo viên các thế hệ, vượt qua bao gian nan vất vả trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, thủy chung một lòng, đóng góp công lao giáo dục và đào tạo nhiều thế hệ trẻ thành những công dân có ích cho đất nước, trong đó nhiều học trò của thầy đã đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt, một số người đã trở thành chính khách như: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.VS Phạm Minh Hạc; Chủ tịch Viện Khoa học quốc gia, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu; Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương…

Đặc biệt, một số học trò của thầy đã tự nguyện, tận tâm tiếp nối sự nghiệp trồng người mà thầy đã mở lối và khuyến khích để trở thành những người thầy giáo, cô giáo thủy chung, hết mình vì các thế hệ học trò.
 GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD & ĐT chia sẻ kỷ niệm về người thầy kính yêu Đào Văn Định.
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay đã ngoài tám mươi tuổi, bước chân ông đã run run, ánh mắt đã mờ hơn vì tuổi già, nhưng ông vẫn trở về mái trường này để dự buổi tọa đàm về người thầy kính yêu.

Ông liên tục phải ngừng lời vì xúc động: “Chúng tôi thật may mắn và tự hào là học sinh của thầy Hiệu trưởng Đào Văn Định, một nhà văn hóa và giáo dục tiêu biểu, đã lãnh đạo nhiều trường trung học trong cả nước trong những năm đầu xây dựng nền giáo dục cách mạng nước nhà.

Nhắc đến thầy Định, có những chuyện kể đi kể lại nhiều lần mà sao vẫn thấy mới, rất đỗi thân thương, gần gũi. Thầy đã mang ngọn lửa truyền thống yêu nước, cách mạng nhen nhóm thắp sáng những tâm hồn non trẻ lớn lên tận tâm phụng sự Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam mới.

Chúng tôi nhớ mãi những bài giảng của thầy đã cho chúng tôi nhiều kiến thức vững vàng, phương pháp tư duy khoa học, đủ sức đi tiếp các bậc học cao hơn, sánh kịp với các trường khác trong nước và cả nước ngoài.

Tôi nhớ mãi những giờ giảng Toán của thầy, giờ nào thầy cũng nghiêm trang, nhưng ánh mắt qua cặp kính của thầy dưới ngọn đèn dầu như nhìn thấu sự tiếp thu của từng học sinh, câu nào của thầy cũng “như đinh đóng cột”, khắc sâu cách chứng minh và cách ứng dụng bài tập toán một cách khoa học, chân lý vào tâm trí chúng tôi.

Hồi đó, thầy Định và các thầy khác dạy theo chương trình của cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất, bắt đầu từ năm 1950, đâu có sách giáo khoa, chủ yếu theo phương pháp “thầy giảng và đọc, trò ghi”, giờ nào thầy giảng cũng say sưa, chúng tôi đều cảm nhận được sự tận tâm của thầy, vì thế chúng tôi nghe giảng vô cùng chăm chú, ghi chép cẩn thận, sáng hôm sau các nhóm học còn bổ sung, giúp đỡ cho nhau”…
Họa sỹ Văn Thơ trao tặng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bức tranh kỷ niệm về thầy hiệu trưởng Đào Văn Định. 
Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Quế, cựu giáo viên trường Phổ thông cấp III Liên khu III đã bồi hồi nhớ lại: “Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể tưởng tượng một giáo sư, hiệu trưởng một trường lớn mà lại giản dị như thế. Thầy Đào Văn Định rất bình dị, khiêm nhường, luôn hòa mình với các thầy cô giáo và học trò. Tôi ít khi nghe thầy thuyết giảng về lòng yêu nước, tính cách mạng, nhưng thầy vẫn giữ được phong thái của người đứng đầu đầy trách nhiệm, quyết định sự phát triển của nhà trường.

Chủ trương thống nhất ba trường nhỏ trong thời chiến thành trường lớn để phát triển mạnh trong thời bình chính là chủ trương của thầy Định. Chỉ đạo việc di chuyển và tự lực xây dựng cơ sở vật chất tại vùng mới giải phóng Ngô Khê cũng là sáng kiến của thầy. Trong việc đảm bảo chất lượng dạy học thì thầy rất nghiêm, việc ghi bài giảng, soạn giáo án trên lớp với thầy Định là kỷ luật. Cũng vì thế mà các lớp học sinh kháng chiến thiếu thốn mọi bề vẫn đạt được chất lượng cao không kém học sinh các nước phát triển”.

Rất nhiều học sinh của thầy Đào Văn Định, hôm nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, noi gương thầy cũng dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người như GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, GS.NGND Nguyễn Hải Hà. GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng cho biết, ấn tượng sâu sắc về thầy Đào Văn Định là thầy rất được kính trọng, bởi trước hết thầy là nhà sư phạm mẫu mực.

Thầy là bậc đàn anh của bao thầy giáo khác. Thầy là con người mô phạm, gương mẫu trong đối nhân xử thế, thầy không bao giờ quát nạt, mắng học sinh. Gia đình thầy Định cũng khó khăn như bao gia đình khác, nhưng thầy vẫn quyết tâm theo trường, theo kháng chiến. “Sau này lớn lên, tôi mới hiểu thầy Định thực sự là một trí thức yêu nước, yêu dân tộc, gắn bó với cách mạng trọn đời” – GS Nguyễn Hữu Tăng bộc bạch.

Ngoài việc dạy học, nhà giáo lão thành, Hiệu trưởng Đào Văn Định còn đảm trách nhiều công tác chính trị xã hội quan trọng liên tục trong vòng 20 năm. Ông từng là Bí thư Thành bộ Đảng Xã hội Việt Nam tỉnh Nam Định, Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh Nam Định, nhiều năm là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, tỉnh Nam Hà và là đại biểu Quốc hội các khóa IV, V.

Có một điều không thể không nhắc đến là sau khi kết hôn cùng với bà Nguyễn Thị Thuần, vợ chồng thầy Đào Văn Định đã sinh được 12 người con. Cuộc sống thời kháng chiến vô cùng khó khăn, lại đông con nhưng thầy và người vợ tảo tần là bà Nguyễn Thị Thuần đã dày công nuôi dạy, rèn luyện các con, tất cả đều thành đạt, hầu hết đi theo con đường dạy học, trong đó người con cả của thầy là nhà giáo Đào Văn Phúc, nguyên Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, Huân chương lao động hạng hai, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Các con thầy đều theo gương cha phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, đều được trao tặng huy hiệu 30 năm, 40 năm, 50 năm và 60 năm tuổi Đảng, trong đó thầy Đào Văn Phú trước khi nghỉ hưu là hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ; thầy Đào Văn Phong, tiến sỹ toán học, hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Nam Định; GS.TS, NGND Đào Văn Phan, Chủ nhiệm bộ môn Dược lý, ĐH Y Hà Nội; thầy Đào Văn Phiên, Trưởng phòng giáo dục phổ thông, Sở GD & ĐT Hà Nam; cô giáo Đào Thị Phượng, Hiệu trưởng trường cấp II Mỹ Hà, thành phố Nam Định, chiến sỹ thi đua tỉnh Nam Định nhiều năm; cô Đào Thúy Phi, Trưởng khoa Dược, BV Phụ sản Hà Nội…

Thật tự hào khi thầy còn có hai người con trai mang quân hàm Đại tá là thầy Đào Văn Phùng, Trưởng khoa quân sự trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh; Đại tá Đào Văn Phổ, Trưởng phòng Nghiên cứu Viện Hóa học và Công nghệ thuộc Trung tâm Khoa học – Kỹ thuật và công nghệ quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, từng đoạt giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ…

Tại buổi tọa đàm, các GS, VS, các PGS, nhà khoa học, các thầy cô giáo và các thế hệ học sinh của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã cùng bày tỏ ước muốn, tha thiết đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định xem xét đặt tên cho một trường trong tỉnh là “Trường THPT Đào Văn Định”, để tri ân công ơn thầy Đào Văn Định và cũng là để phát huy truyền thống hiếu học của học trò tỉnh Nam Định trên mọi miền Tổ quốc. Hy vọng ước muốn tốt đẹp mang ý nghĩa nhân văn đó sẽ sớm trở thành hiện thực trên đất học thành Nam.

Nguồn: Thu Phương – Đào Anh Tuấn/CAND

Bình luận
vtcnews.vn