“Hiệp sĩ đền đô” và giấc mơ có thật

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 11:16:00 +07:00

Dáng người nhỏ nhắn, đôi bàn tay khòng khèo, giọng nói thanh nhưng sâu lắng, nụ cười vẫn rạng rỡ dẫu khuôn mặt đã đầy nếp nhăn nheo.

Về Đình Bảng, hỏi ông Thìn thì ai cũng biết. “Ông từ đền Đô”, “Hiệp sĩ đền Đô”, “Người giữ lửa”, “Hàn Mặc Tử thứ 2” đó là những tên gọi trìu mến dân làng dành tặng ông. Dáng người nhỏ nhắn, đôi bàn tay khòng khèo, giọng nói thanh nhưng sâu lắng, nụ cười vẫn rạng rỡ dẫu khuôn mặt đã đầy nếp nhăn nheo. Đó là những cảm nhận đầu tiên khi tôi tiếp xúc với Nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn.

 

 

Người du kích Đình Bảng năm xưa…

 

Ngồi bên bậc thềm ở đền Đô, trong tiếng lá reo đùa cùng sắc nắng, ông giáo già bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đi qua trong cuộc đời. Tuổi thơ, cậu bé Thìn đã chứng kiến cảnh máy bay của thực dân Pháp ném bom xuống làng, biết bao người đã chết, bao nhiêu máu đổ xuống dòng sông Tiêu Tương vốn yên ả, thanh bình. Mười một tuổi, Thìn tham gia Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, cùng người dân bí mật họat động trong lòng địch. Với tiếng kèn ắc-mô-ni-ca và những bản nhạc đồng dao trong trẻo, Thìn dễ dàng lọt vào hang ổ quân giặc. Rồi cũng với chiếc máy ảnh ROC bé bằng hai bao diêm gộp lại, Thìn thừa cơ chụp những tấm ảnh tố cáo tội ác của kẻ thù. Cứ thế, chiều đi thổi kèn dạo, tối đã có ảnh chuyển cho du kích.

 

Ai đã từng đọc cuốn tiểu thuyết “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” mà Nguyễn Đức Thìn là một trong những nhân vật chính sẽ hiểu được bản lĩnh của những con người huyền thoại ấy phi thường như thế nào. Lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước đã giúp họ có thêm sức mạnh để giải phóng quê hương. Rồi khi yên bình, gác súng, những người con anh hùng như Nguyễn Đức Thìn lại trở thành thầy giáo làng, tiếp tục  truyền tình yêu thương cho thế hệ trẻ quê mình.

 

Năm năm đứng trên bục giảng, mùa xuân năm 1963, thầy Nguyễn Đức Thìn xây dựng thành công phép tính số học cho đời người: "Làm Nghìn việc tốt, trừ việc xấu, cộng- nhân yêu thương, chia niềm thông cảm" để mỗi người thêm gắn bó và cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Đang nỗ lực cống hiến, ông bỗng phát hiện mình bị mắc bệnh phong, còn gọi là bệnh hủi - người đời vẫn sợ hãi, xa lánh. Đau đớn, buồn chán, nhưng bản lĩnh của người du kích Đình Bảng cùng với nghị lực của một thầy giáo đã cho Nguyễn Đức Thìn sức mạnh không được buông xuôi cuộc đời.

 

Ông quyết định khăn gói vào Khu điều trị phong - da liễu Trung ương ở Quỳnh Lập - Nghệ An. Hành trang lên đường đi chữa bệnh chỉ có những tập giấy viết, chiếc máy ảnh cũ, mấy cuộn phim, thuốc rửa và vài bộ quần áo. Đêm đầu tiên ngủ tại bệnh viện, ông không thể chợp mắt. Sớm tinh mơ, ông trở dậy đi ra biển, gặp đám trẻ con đi bắt ngao, hỏi chuyện thì được biết các cháu đều là con em của những bệnh nhân phong. Tất cả đều chưa bao giờ được đến lớp học chữ. Nắm bàn tay nhỏ nhắn, chai sạn của các em, lòng ông không khỏi xót xa. Rồi một ý tưởng mới chợt đến. Được sự ủng hộ của Giám đốc bệnh viện, Nguyễn Đức Thìn quyết tâm vận động mở trường bên bờ biển, cùng các đồng nghiệp, đồng bệnh vừa điều trị, vừa công tác.

 

Ngày 5/9/1979, cùng với học sinh cả nước đến trường khai giảng năm học mới, trẻ em Khu điều trị bệnh phong - da liễu Quỳnh Lập cũng nô nức rủ nhau tới trường mới mang tên Lê Văn Tám. Làm Hiệu trưởng kiêm Tổng phụ trách đội trại Phong của trường, thầy Thìn vừa điều trị bệnh vừa làm bí thư chi bộ bệnh nhân, trưởng ban Văn hóa " Làng Quỳnh yêu thương". Ông cũng là đại diện của người bệnh đi dự "Hội nghị Khoa học và nhân đạo về bệnh phong" do Bộ Y tế tổ chức, tham luận góp tiếng nói để xóa bỏ thành kiến không khoa học, không nhân đạo về bệnh phong, đề xuất những ý kiến cụ thể thiết thực về tổ chức cuộc sống điều trị và cuộc sống xã hội cho những người mắc bệnh phong.

 

Ngồi tiếp chuyện tôi, hai bàn tay ông co lại, những ngón tay không lành lặn khó khăn quắp ấm trà và cẩn trọng rót từng chén nước. Với ông giáo già ấy, dường như mọi sóng gió đã trôi qua thật rồi, vết tích để lại chỉ còn là những nếp nhăn trên khuôn mặt. Thật khó hình dung người đàn ông nhỏ nhắn, gầy gò ấy lại làm được những điều ý nghĩa lớn lao.

 

 

Hồn xanh hơn mây trắng trên đầu…

 

Bảy mươi tuổi đời, ba mươi sáu năm tuổi nghề. Những tưởng đã nghỉ ngơi vui hưởng tuổi già, nhưng ngày ngày, Nguyễn Đức Thìn vẫn đạp chiếc xe cà tàng ra đền Đô để làm hướng dẫn viên cho du khách, vừa nghiên cứu lịch sử triều Lý, vừa viết báo, chụp ảnh, làm thơ… Với ông, đó là niềm vui, là những tháng ngày ông “nuông chiều” tấm thân già.

 

Mặc dù di chứng bệnh tật đã khiến cho đôi bàn tay của ông không còn lành lặn như xưa, nhưng bù lại, ý chí và nghị lực trong Nguyễn Đức Thìn như được nhân lên gấp bội. Ông là Nhiệt Cảm Sinh đối nhân khác thời của Hàn Mặc Tử, làm thơ để nhân lên niềm tin yêu con người và cuộc sống. Ông là nhà sử học với cái tên Lý Hiếu Nghĩa, lặng thầm đi sâu tìm hiểu vương triều Lý, sưu tầm các hiện vật, tư liệu phục vụ cho việc quản lý, bảo tồn di tích Đền Đô. Cũng từ đôi bàn tay tật nguyền ấy, ông Thìn đã làm nên những điều phi thường: miệt mài chép sử làng gần 20 năm ròng để cho ra đời ấn phẩm “Di tích lịch sử văn hóa đền Đô” dày hơn 300 trang…

 

Càng nói chuyện mới hiểu tại sao người đàn ông ấy lại có đủ nghị lực vượt qua bao khó khăn để làm nên những kỳ tích. Chính tâm hồn nghệ sĩ, biết hưởng thụ những cái đẹp của đất trời, của cuộc sống nên ngày ngày ông tìm đến những vần thơ làm bầu bạn. Ông vừa xuất bản quyển sách thơ và ảnh “Tiếng vọng cội nguồn” để mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long. Trong đó, dưới mỗi bức ảnh của mình, Nguyễn Đức Thìn đều làm một bài thơ phụ họa. Ông chụp rất nhiều ảnh về đền Đô và vì thế cũng có rất nhiều thơ về ngôi đền linh thiêng nơi thờ 8 vị vua nhà Lý này. Những vần thơ mộc mạc, chân thật nhưng cũng sâu nặng nghĩa tình như chính con người ông.

 

Người về Đình Bảng cùng thơ

Tiêu Tương in bóng ngẩn ngơ cõi lòng

Duyên thơ đức sáng tâm trong

Hội Đền Đô nức Thăng Long xuân đời..

 

Nguyễn Đức Thìn còn được thể hiện mình trong phim phóng sự "Sứ giả Nghìn việc tốt" của đài truyền hình Bắc Ninh, tác phẩm dành Huy chương bạc phim video toàn quốc năm 2009. Ông cũng là " Người thắp lửa" trong phim nhựa đạt giải Cánh diều vàng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương năm 2010. Những bài hát ông sáng tác mấy chục năm trước về Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, ngày nay đám trẻ trong làng vẫn véo von ca hát. Trải qua bao biến cố thăng trầm, ông giáo già chân thành viết cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” dày tới 400 trang. Quyển sách đã được NXB Thanh niên in tới 5 lần, phát hành rộng rãi, được nhiều người quan tâm đón nhận.

 

Không có duyên để trở thành nhà thơ như Hàn Mặc Tử, nhưng dường như ông lại có duyên với đời, bởi ông còn được sống, còn được cống hiến cho đến đoạn đường cuối cùng của cuộc đời.

 

Nhiếp ảnh làng

 

Tương truyền, ngày trước, vua Lý Công Uẩn trong lúc đi thuyền từ Hoa Lư ra thành Đại La đã nhìn thấy rồng vàng bay lên trời. Biết đó là điềm lành, vị vua đầu tiên của nhà Lý đã đặt tên cho Hà Nội ngày nay là Thăng Long (rồng bay lên). Gần 1000 năm sau, cũng chính tại quê hương của Lý Công Uẩn, vào một ngày trọng đại, “rồng vàng” lại xuất hiện và khoảnh khắc ấy đã được thu vào ống kính máy của một “nhiếp ảnh làng”.

 

Hoàng Long Vân giáng

Câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Đức Thìn có kể cả ngày cũng không hết, có những điều rất thực, nhưng có những điều đến chính bản thân ông cũng không thể lý giải được. Ấy là khi ông nói về cái khoảnh khắc mình nhìn thấy “rồng” ngay trên bầu trời quê hương. Cái khoảnh khắc đứng dưới sân Đền Đô nơi thờ 8 vị vua nhà Lý - giương ống kính thu lại “hình tượng thiêng liêng” cho đến giờ trong ông vẫn còn nguyên cảm xúc.

 

Sáng sớm ngày 1/9/1998, người dân đền Đô chuẩn bị cho lễ rước kiệu về Hà Nội phục vụ chương trình chào mừng thành phố Sài Gòn tròn 300 năm tuổi. Trời se lạnh, mọi người đứng xếp thành hàng nghiêm chỉnh, bên trong cụ thủ từ nổi trống, làm lễ dâng hương các vị vua, không khí rất trang nghiêm, thành kính. Ông Thìn len lén mang chiếc máy ảnh, cố len lên chỉ định để ghi lại khoảnh khắc trang nghiêm nhất của buổi lễ. Bất ngờ, bầu trời xuất hiện mảng sáng vàng rực. Mọi người ngước lên và bàng hoàng nhận ra một đám mây màu vàng hình con rồng bay từ hướng Hà Nội về. Không bỏ lỡ cơ hội hiếm có, “nhiếp ảnh làng” giương ống kính ở chế độ vô cực, tốc độ 30, độ mở 4 và bấm liên tục.

 

Bức ảnh “Hoàng long vân giáng” đã được ra đời như thế. Rồi ông nhẩm tính: “Giờ Dần, rồng bay về, thế là “long hổ tương phùng”. Lúc bấm chiếc máy ảnh điện tử “tách” một cái, quay sang ông bạn bên cạnh - ông Trần Văn Dần, trước kia là Bí thư Đảng uỷ Đài Phát thanh - Truyền hình, mình mới hỏi giờ. Mình tên Thìn - “thìn” là rồng, cũng nhằm giờ Dần chào đời. Ông bạn bên cạnh tên Dần, ảnh rồng chụp giờ Dần, do “Thìn” đứng cạnh “Dần” chụp! Thế có thiêng không cơ chứ!”. Vừa nói, ông vừa cười hả hê, mãn nguyện. Ngay lúc chụp xong, xúc động quá, tác giả cũng đã “xuất khẩu” ngay một bài thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt:

 

Một thoáng Đền Đô rồng vàng hiện

Ân tình trời đất tụ khí thiêng

Người về Đình Bảng tâm đức thiện

Rồng hổ tương phùng thoả tâm linh”

 

Làng chơi ảnh vẫn gọi đùa ông Thìn là “lão già gặp may”, chỉ vì ông thật may mắn khi “bắt” được những kỳ tích của tạo hóa, nhất là khi chiếc máy ảnh mini cũ kỹ từ đời Pháp thuộc hàng ngày vẫn “giở chứng”, nhưng vào những giờ phút trọng đại ấy lại rất ngon lành.

“Nhiếp ảnh làng” mang cả quyển album dày cộp ra chỉ cho tôi xem. Này là tấm ảnh ghi hình quả dứa lạ tại chùa Ứng Tâm: quả dứa trổ hoa đúng ngày giỗ của Lý Thánh Mẫu. Còn đây là tác phẩm để đời “Bát đế hiển linh” mà ông đã chộp được cũng vào một ngày lễ trọng đại. Ngày 26/8/1998 (tức ngày 5/7 năm Mậu Dần) là ngày giỗ của vua Lý Anh Tông, vị vua thứ 6 nhà Lý. Từ sáng, người dân đã đổ về đền Đô để hành lễ. Ông Thìn có nhiệm vụ chụp ảnh tư liệu về buổi lễ nên đi đâu cũng kè kè chiếc máy ảnh bên mình.

“Hơn 8 giờ sáng, trời quang mây tạnh, chiêng trống nổi lên, cờ xí bay phấp phới, bất giác tôi ngước mắt lên trời. Ngay phía trên đỉnh Thọ Lăng Thiên Đức xuất hiện 11 áng mây, trong giây lát, 3 áng mây tự động tan biến, chỉ để lại 8 áng mây đứng song hành với nhau trên nền trời xanh thẫm. Lúc đó theo bản năng, tôi giơ máy lên bấm lia lịa”- Ông Thìn nhớ lại, khuôn mặt vẫn chưa hết tự hào.

 Bát đế hiển linh

Rồi ông xăng xái lật giở những chồng tài liệu cao ngất để tìm những cuộn phim gốc cho tôi xem. Huơ huơ thước phim được gói cẩn thận, ông cười móm mém: “Tôi phải lưu thật kỹ những thứ này để mọi người tin tôi chụp thật chứ không phải dùng kỹ xảo gì hết nhé”.

Giờ đây, khách đến thăm đền Đô đều có thể ngắm nhìn bức “Bát đế hiển linh” và “Hoàng long vân giáng” được phóng to treo trong phòng trưng bày. Nhiều người khi biết “ông hướng dẫn viên già” chính là tác giả của bức ảnh đó, liền tìm đến tận nhà để xin cho được một bức về treo. Còn ông, từ nhiều năm nay vẫn ôm trong mình một niềm mơ ước được lần nữa chứng kiến sự kỳ diệu của tạo hoá, sự linh thiêng của đất trời dù ông đã ở cái tuổi quá dốc bên kia cuộc đời.

 

Giờ đây, “nhiếp ảnh làng” cũng không còn phải dùng chiếc máy ảnh chụp bằng phim nữa, công nghệ hiện đại đã đem đến cho ông một chiếc máy ảnh kỹ thuật số tiện dụng. Ông bảo: “Nếu còn may mắn thì có lẽ sẽ không phải là một bức duy nhất như cách đây 10 năm nữa, mà sẽ là rất nhiều bức ở nhiều góc độ khác nhau”. Mặc dù không nói ra, nhưng trong ánh mắt người đàn ông bé nhỏ này, tôi thấy cháy bỏng một suy nghĩ, một khát khao chờ đợi giây phút lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, biết đâu may mắn trong đời lại đến với ông lần nữa!...

Cuộc đời Nguyễn Đức Thìn cứ mở ra như những thước phim sinh động. Có hỉ nộ ái ố, có hiện thực nhưng cũng ảo ảnh như một giấc mơ. Mỗi ngày đi qua, vô tình xếp thêm những nếp nhăn trên khuôn mặt người đàn ông đã bước vào cái tuổi “tri thiên mệnh”. Nhưng tin chắc rằng, nụ cười rạng rỡ đó sẽ vẫn còn mãi, như những khí thiêng trên đất đền Đô nghìn năm hội tụ…

 

  • BÚT DANH LÊ HIẾU NGHĨA, NHIỆT CẢM SINH
  • SINH NGÀY 1/9/1940 TẠI ĐÌNH BẢNG, TỪ SƠN, BẮC NINH
  • CỰU ĐỘI VIÊN ĐỘI DU KÍCH THIẾU NIÊN DU KÍCH ĐÌNH  BẢNG ANH HÙNG
  • NGUYÊN ỦY VIÊN THƯỜNG VỤ BCH TW ĐOÀN TNCS HCM KHÓA 3
  • NĂM 1963: SÁNG KIẾN PHÁT ĐỘNG “PHONG TRÀO 1000 VIỆC TỐT”
  • NĂM 1985: ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG
  • NĂM 1988: ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU NHÀ GIÁO NHÂN DÂN
  • ĐƯỢC NHÀ NƯỚC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC HẠNG NHÌ VÀ HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHÌ
  • ĐƯỢC BỘ GD&ĐT TRAO TẶNG HUY CHƯƠNG VÌ SỰ NGHIỆP GD&ĐT, TRUNG ƯƠNG ĐOÀN TẶNG HUY CHƯƠNG VÌ THẾ HỆ TRẺ
  • HIỆN LÀ ỦY VIÊN UBMTTQ, ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC, ỦY VIÊN BCH HỘI KHUYẾN HỌC, ỦY VIÊN BCH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT, HỘI VIÊN HỘI DI SẢN VĂN HÓA TỈNH BẮC NINH, ỦY VIÊN BQL DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỀN ĐÔ - PHƯỜNG ĐÌNH BẢNG, CHỦ NHIỆM CLB THƠ ĐÊN ĐÔ…
Thanh Hương
Bình luận
vtcnews.vn