Hiệp hội Đi – Văng

Tổng hợpThứ Tư, 27/04/2011 02:27:00 +07:00

Tòa soạn có 5 lão U60. Cái tuổi không còn đủ sức gây náo nhiệt, nhưng cũng chưa đến nỗi đút chân gậm bàn cạo giấy lĩnh lương...

Tòa soạn có 5 lão U60. Cái tuổi không còn đủ sức gây náo nhiệt, nhưng cũng chưa đến nỗi đút chân gậm bàn cạo giấy lĩnh lương. Sáng sáng, quây quanh ấm trà ở góc phòng, các lão thay nhau «điểm tin»: Đô la đang lên đến kịch trần; Quỹ tiền tệ quốc tế vừa quyết định bán vàng ra; Kẻ ám sát thủ lĩnh Hamas mang hộ chiếu châu Âu giả; Đại lễ hội thơ 1000 năm Thăng Long... trên trời dưới bể, kim cổ đông tây, cuối cùng câu chuyện vẫn quay về chủ để muôn thuở: Đi-văng. Lão Thủ mở màn:

 
- Lão hàng xóm nhà tôi vừa «thửa» được một «em» rất nuột nà. Tay này sành điệu, mua hẳn một chiếc sập gụ đen từ mấy đời rồi thuê thợ Đồng Kỵ «chẻ» ra đóng theo ý mình. Nghe đâu thiết kế mẫu mã theo catalo của Italy. Các nan gỗ sờ cứ là mát lịm tay. Mùa hè cởi trần nằm ngủ khỏi cần điều hòa...

Lão Khoái ngắt lời:

- Chỉ là đi-văng hay còn kéo ra được thành giường?

Lão Thủ cáu:

- Ông quê bỏ mẹ. Ghế không thì nói chuyện gì. Bây giờ hiện đại lắm. Ngay dưới tấm tựa lưng có một cái lẫy nhỏ. «Tách» một cái là «con trạch» lăn ra, phần tựa ngả xuống khít với phần ghế ngồi thành chiếc giường đôi. Vợ chồng có «gặp nhau cuối tuần» cũng không cót két cọt kẹt gì.

Lão Cự thủng thẳng:

- Tôi nằm mà không có đệm thì hôm sau đau ê ẩm, chẳng làm đươc việc gì nên hồn. Cô em vợ tôi vừa giới thiệu cho một «em - made in USA» hẳn hoi. Sếp nó chuẩn bị hết nhiệm kỳ, đang muốn bán bớt đồ đạc để về nước. Đệm dày 20 phân, gấp làm ba khúc xếp vào thành ghế, mở ra thành giường. Khung xương sắt có bánh xe, ấn nhẹ tự động chạy ra, đẩy khẽ lại tự động thu vào. Lưng tựa thì thôi, miễn chê. Duỗi chân mà ôm con laptop cứ gọi là «bố con chó bông, ông con chó xồm». Mà tôi đang định thanh lý em «Romantic» nhà tôi để lấy chỗ đón em USA đây. Có ông nào định mua hay giới thiệu khách cho tôi...

Lão Thịnh quan tâm:

- Ông định bán em Romantic bao nhiêu? Thằng bạn cùng lính với tôi ngày xưa cũng bước vào «giai đoạn chuyển tiếp». Nghe tôi kể về «hiệp hội đi-văng» của cánh mình, nó cũng muốn tham gia.

- Thế thì ông đưa nó đến nhà tôi sớm đi. Để xem có ưng nhau thì «trầu cau cưới hỏi».

Lão Văn hẹn:

- Khi nào ông đón được em xứ cờ hoa về thì tôi đến xem.

Hết tuần trà, ai về bàn người nấy.

***

 Các cụ bảo «mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh» là cấm có sai. Hành trình bước vào «giai đoạn chuyển tiếp» của các lão cũng muôn hình muôn vẻ.

Lão Thủ còn ba năm nữa về hưu. Bọn trẻ trong cơ quan hay gạ gẫm: «Bố tổ chức lễ cưới Kim cương đi. Con nghe thấy bảo «hai cụ» cùng tắm khỏa thân  từ lúc chăn trâu cắt cỏ».

Lão và vợ học với nhau từ lớp một trường làng. Hết cấp ba, lão đi bộ đội. Có tí máu me văn nghệ, lão được xếp vào đội tuyên truyền xung kích. Đi lấy tin, viết bài rồi trở thành phóng viên. Khi ra quân, lão về học ở Trường Tuyên huấn (tiền thân của Học Viện báo chí tuyên truyền) rồi làm báo cho đến giờ.

Vợ lão học xong phổ thông thì đỗ vào mười cộng ba của tỉnh. Ra trường, về dạy ở ngay xã nhà. Một tay nuôi con, chăm bố mẹ chồng cho tới khi hai cụ khuất núi. Khi vào làm ở tòa soạn, lão chạy vạy mãi không xin được  cho vợ một chân đi dạy ở Hà Nội. Vợ lão bỏ nghề luôn từ đấy, ở nhà làm «cần vụ» cho ba bố con.

Gần đây có phong trào luyện vở sạch chữ đẹp, nhà lão lúc nào cũng nhong nhóc trẻ con. Hai đứa con gái, đứa lấy chồng, đứa học đại học. Bạn bè bảo vợ chồng lão đang quay về thời kỳ «trăng mật... gấu». Khéo lại có thêm thằng chống gậy. Chỉ những chiến hữu thân thiết mới biết «chăn nhà lão đang có rận». Từ ngày «nói không với softina» vợ lão hay cáu bẳn vô cớ. Hai vợ chồng chẳng bao giờ bàn bạc với nhau một vấn đề gì cho thấu đáo.

-Mai nhà Thuấn mời đến dự đầy tháng cháu ngoại, tôi đi làm về rồi chở bà đi luôn nhé. Lão hỏi.

- Tôi thì quan trọng gì? Có tôi thì cuộc rượu của các ông lại chẳng kém vui đi.  Vợ lão nhấm nhẳn.

Nhiều đêm quàng tay sang «gạ gẫm», bà vợ làu bàu: «Ngủ đi. Hôm nay tôi dạy cả ngày rồi. Mệt bã người!» Lão lọ mọ ra bếp mở tủ lạnh uống nước rồi vào phòng khách bật máy tính. Có hôm ngủ quên gục luôn xuống bàn phím cho tới sáng. Giá không nằm chung một giường thì «thằng bé» cũng không lục xục, làm mất ngủ cả hai.

Lão bàn với vợ mua một chiếc đi-văng kê trong phòng khách. «Nhà mình ở ngay thủ đô, kỳ thi đại học nào mà chẳng có con em, bạn bè ra ở nhờ. Có cái đi-văng cũng tiện. Khi không thì ngồi tiếp khách, lúc cần thì ngả ra thành giường». Năm ngoái con của em trai vợ lão cũng ra ở cả tuần. Tối đến lại phải dẹp bàn ghế, rải chăn chiếu ra sàn cho thằng bé ngủ. Vợ lão xuôi tai xuất quỹ cho lão bê về một «em» Taiwan sản xuất tại Bình Dương. Đi làm thì chớ, về nhà lão lau chùi, ngắm nghía, lật ra lật vào. «Nhà Hưởng mua một «em» giá ngang ngửa nhà mình mà ẽo à ẽo ợt»; «Hôm nay tôi qua nhà thằng Lân. «Em» Đồng Kỵ của nó đẹp nhưng trông «dại» lắm. Không đanh như «em» nhà mình». Ngày nào lão cũng có một vài lời bình phẩm khiến cho bà vợ nổi cáu: «Ông thích «em» Taiwan của ông đến thế thì ra đấy mà «ôm» nó». «Á à, bà nói đấy nhé. Không lại bảo tôi nọ kia!». Thế là có lý do chính đáng dọn từ phòng ngủ ra phòng khách.

***

 Lão Cự thì «trớ trêu» hơn. Gần bốn mươi lão mới cưới được vợ. Cô sinh viên kém lão gần hai chục tuổi, nhờ lão giúp làm khóa luận tốt nghiệp đã «chuyển từ tiếng «thầy» khô khốc - thành tiếng «anh» tha thiết ngọt ngào».

Sinh được thằng đích tôn cho dòng họ, lão vô cùng mãn nguyện. Hồi thằng bé lên năm, cô vợ muốn sinh thêm một đứa cho có anh có em. Lão sợ cái cảnh nửa đêm thức giấc, cháo lão, bột bẹt. Tã của con cứ phải đưa lên mũi ngửi hoặc giương kính lên soi xem còn vết ố nào không, nên gạt đi. Mấy đứa trong trường lão dạy ngày trước còn độc miệng bảo: «Thằng Ti mà có em thì hai bố con ăn chung một nồi cháo».

Cuối năm nay lão mới về hưu, nhưng xem ra cái khoản kia của lão đã nghỉ hưu sớm hơn. Buổi tối, lão lấy cớ đọc tin, viết bài, đợi vợ ngủ say mới rón rén vào nằm bên cạnh. Có hôm vợ lão đi ra đi vào, đập muỗi, đuổi kiến, giũ khăn, ngoáy tai mà lão cứ giả vờ làm ngơ. Nghe tiếng thở đều đều của vợ mới trườn vào, nằm sát ra mép giường. Cô vợ trở mình đưa chân sang khều khều. Lão giả vờ ngáy.

Hè năm ngoái, cơ quan vợ lão tổ chức cho nhân viên đi thăm cố đô Huế. Chẳng biết nghe ai xui, cô vợ mua về mấy chai Minh Mạng thang. Vỗ về mãi chẳng ăn thua, cô vợ bảo lão sang phòng con trai ngủ xem nó học hành thế nào. Cẩn thận không nó lướt net lại vào toàn những trang «Vàng Anh». Lão nằm trên chiếc giường xếp kê cạnh giường của con trai, nhưng ngủ không được vì thằng bé thức khuya học bài, đèn bật tới tận hai ba giờ sáng. Rồi lão cũng xin được bí quyết của lão Thủ, mua một chiếc đi-văng kê ở phòng khách để đón sĩ tử ở quê ra.

***

 Lão Văn bảo: «Tớ với bà xã chẳng cãi cọ gì. Sau vụ «tiền khởi nghĩa», cả hai đều mất hứng. Mình nghe mọi người khuyên, nhờ mua cả «dầu mỡ» vẫn không ăn thua. Lâu rồi thành quen, bây giờ vào nằm cùng giường với vợ lại đâm ngượng. Đi-văng muôn năm!».

***

 Hai ba năm trở lại đây, trong các cuộc trà dư, tửu hậu, mấy lão không còn nhắc đến chuyện vợ con. Thỉnh thoảng câu chuyện cũng bị lái sang hướng các em chân dài váy ngắn, những «điệp vụ hoa hồng», cơ sở «cách mạng» v.v... Lão Thủ tuyên bố, khi về hưu lão sẽ xuất bản cuốn «Đi-văng và Giai đoạn chuyển tiếp». Trong đó lão sẽ đưa ra những nguyên tắc, chuẩn mực để nâng lên thành «văn hóa Đi-văng» với những đẳng cấp và thú chơi riêng cho từng đối tượng.

Bài: Thanh Chung; Ảnh: Hts

Bình luận
vtcnews.vn