Hãy ứng xử có văn hóa với phong bì!

Tổng hợpThứ Hai, 24/10/2011 02:40:00 +07:00

Theo quan điểm của PGS. TS Nguyễn Văn Huy, “chúng ta không kỳ thị phong bì nhưng hãy đối xử với nó một cách văn minh”.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy đã từng có 10 năm làm Giám đốc của Bảo tàng Dân tộc học VN. Trong 10 năm ông đương chức, rất nhiều các sự kiện văn hóa được ông tổ chức, thu hút nhiều người quan tâm và đưa bảo tàng Dân tộc học trở thành một trong những bảo tàng có lượng người tham quan đông nhất Việt Nam. Đặc biệt tại các sự kiện này người ta không bao giờ thấy thiếu vắng những phóng viên báo chí mặc dù ai cũng biết, đến đây chẳng bao giờ có… phong bì. Theo quan điểm của ông, “chúng ta không kỳ thị phong bì nhưng hãy đối xử với nó một cách văn minh”.


Thưa PGS. TS Nguyễn Văn Huy, phong bì là một vật dụng phục vụ cho nhu cầu thư tín của con người. Nhưng hình như giờ đây người ta không nhìn nhận phong bì như sứ mệnh ban đầu của nó nữa. Tại sao vậy?

Phong bì là cái dùng để đưa thư. Trước kia người ta đưa tin bằng cách đốt lửa từ đống này sang đống khác, dùng khói làm ám hiệu. Lại có giai đoạn loài người dùng ngựa trạm. Mãi sau này mới có phong bì, có tem thư. Đấy thực sự là phát kiến của con người trong xã hội văn minh. Nhưng giờ nó đã bị sử dụng với mục đích khác. Con người đã tha hóa nó cho những vụ lợi của mình, chứ cái phong bì không có tội gì cả.

Nói vậy thì từ khi cái phong bì sinh ra mới đẻ ra cái gọi là “Văn hóa phong bì?”

Đừng nghĩ rằng “Văn hóa phong bì” là cái… phong bì mà nó là tất cả những biểu hiện vật chất.

Thời bao cấp nó là “3 con năm vừa nằm vừa ký”. 3 con năm là bao thuốc lá 3 số. Mang đi biếu ai thì được quý lắm. Cưới xin thì người ta tặng quà, tặng chậu, tặng phích, có cái gì tặng cái đấy chứ không tặng phong bì như bây giờ.

Xã hội giờ cũng phát triển lên nhiều hình thức mới rồi. Cái phong bì chỉ là ở tầng thấp, là cái chúng ta nhìn thấy được. Còn những cái vô hình, ở tầng cao, thì quá nhiều, quá lớn mà chúng ta không thể nhìn thấy được.

Ở tầng thấp thì phong bì vài trăm vài triệu đồng, xịn hơn thì vài trăm vài ngàn đô la kẹp vào quà cáp, dúi vào túi áo, đưa dưới gầm bàn. Còn tầng cao, hiện đại hơn người ta chuyển vào tài khoản ngân hàng, vào bất động sản. Quyền năng của nó lớn lắm nên dù cấm, nó vẫn luôn tìm được cách để luồn lách.

Vậy Văn hóa phong bì là sản phẩm của…?

Của giai đoạn kinh tế thị trường nguyên thủy, sơ khai. Việt Nam đang rơi vào thời kỳ này. Ở đó, con người ta sống chộp giật, lúc nào cũng nghĩ phải làm sao để thu vén, gian lận cho mình. Tôi nghĩ văn hóa và những ứng xử của thời kỳ này nếu được chuyển tải thành một cuộc trưng bày trong bảo tàng thì chắc nhiều ý nghĩa lắm.

Nhưng thưa PGS, như ông nói, trong bối cảnh ai cũng khổ nếu không thu vén thì cuộc sống làm sao cải thiện được?

Vấn đề là đừng làm gì quá mức. Đừng nghĩ là đồng tiền là tất cả, tùy hoàn cảnh mà xã hội có thể chấp nhận hay không. Chẳng hạn như phong bì đi đám cưới, đám ma, đừng lấy nó làm thước đo để đánh giá bạn hữu, đánh giá đồng nghiệp.

Theo ông bao nhiêu lâu nữa phong bì sẽ hoàn toàn biến mất?

Không bao giờ biến mất được. Đừng có lạc quan. Cái đấy nó là vấn đề của loài người, từ thời Lê, thời Nguyễn đã có luật pháp trừng trị quan tham. Tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật, Australia vẫn có những hiện tượng ấy mà. Đấy là một cuộc đấu tranh muôn thuở của xã hội. Nó không bao giờ biến mất nhưng chúng ta có thể đấu tranh để giảm thiểu dần.

 

Bằng cách nào thưa ông?

Để hạn chế “phong bì”, chúng ta quay trở lại bài toán kinh tế và cơ chế.

Vấn đề là đồng lương của chúng ta là đồng lương chết đói, lương không đủ nuôi sống bản thân và gia đình nên người ta tìm nhiều cách khác nhau để có thêm thu nhập, kể cả việc nhận phong bì.

Vậy, nếu giải quyết đồng lương một cách thỏa đáng thì người ta không vòi vĩnh nữa. Đồng lương nuôi sống được gia đình thì những cái khác sẽ không còn.

Mặt khác phải dứt khoát với các cơ chế xin-cho trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, từ chạy dự án, chạy thầu đến chạy chức chạy quyền... Dù có nhiều hình thức biến dạng những cơ chế đó là nền tảng của văn phong bì.

Ở đây việc kiến tạo và duy trì thực thi pháp luật nghiêm minh là điều tối thượng. Luật không nghiêm từ trên xuống dưới thì chẳng thể làm được gì cả.

Vừa rồi thí điểm “Nói không với phong bì” ở 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội. Sau mấy ngày triển khai, các y, bác sĩ vẫn không từ chối phong bì. Có vẻ như, trong lúc chờ đáp án của bài toán kinh tế thì việc kêu gọi ý thức ban đầu hình như đã thất bại?

Nếu chỉ hô khẩu hiệu là không thực tế. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng đây là một tín hiệu tốt.

Việc có thể giảm thiểu được “quyền năng” của phong bì hay không phụ thuộc nhiều vào bối cảnh kinh tế và sự nghiêm minh của pháp luật. Khó nhưng không phải là không làm được.

Một khi đồng lương tốt, giáo dục tốt, pháp luật nghiêm khắc thì chúng ta sẽ dần dần giải quyết được vấn đề.

Chẳng hạn như việc phong trào “Nói không với phong bì” ở bệnh viện hoàn toàn có thể thực hiện được nếu giải quyết cục bộ từng bệnh viện một, từng đơn vị một.

“Giải quyết cục bộ”, ông có thể nói rõ hơn không ạ?

Điều hành cả một xã hội có thể khó nhưng điều hành cục bộ thì có thể làm được. Tôi có thể khẳng định là trong suốt thời gian tôi làm ở Bảo tàng Dân tộc học, tôi đã làm được. Cán bộ công nhân viên chức không bao giờ được tuyển dụng bằng phong bì. Đề bạt, cất nhắc cũng vậy. Họp báo hay các sự kiện ở Bảo tàng dân tộc học không bao giờ có phong bì nhưng các nhà báo vẫn rất quý vì giám đốc luôn sẵn sàng nói chuyện, không bao giờ từ chối nhà báo. Tư liệu luôn luôn được chuẩn bị kĩ càng và gửi cho phóng viên trước đó vài tuần.

Nếu bạn đi họp báo các sự kiện, chương trình quốc tế cũng sẽ thấy không bao giờ có phong bì. Chỉ Việt Nam mới có phong bì cho nhà báo thôi.

Thưa ông, người Việt Nam hay dùng từ “Văn hóa”: Văn hóa vỉa hè, văn hóa xe bus và bây giờ là “Văn hóa phong bì”. Cái “Văn hóa” của phong bì thể hiện ở chỗ nào?

Chúng ta không đả phá phong bì mà ứng xử với nó như thế nào cho văn minh. Ở nước ngoài người ta cũng đưa phong bì chứ nhưng nó rất văn minh, rất đơn giản.

Vừa rồi tôi đi một liên hoan phim tư liệu ở Nhật. Nhà tài trợ chỉ trao cho ban tổ chức một cái phong bì duy nhất, công khai và ngoài ra không gì khác. Rất đơn giản, rất nhẹ nhàng, không quảng cáo rùm beng số tiền tài trợ, không nói nhiều.

Còn ở nước ta thì sao? Báo chí, truyền thông hay đưa tin về người này, người kia đi làm từ thiện, trao quà bao giờ cũng chụp ảnh nhân vật với chiếc phong bì hoặc bảng lớn ghi số tiền dằng dặc nhiều chữ số làm điểm nhấn. Hoặc học sinh giỏi cũng được tặng phong bì. Như thế, chúng ta đã vô tình tôn vinh vật chất, giáo dục học sinh bằng phong bì, trong khi tình cảm, tinh thần học mới là cái đáng trân trọng. Mình cứ nói là học theo gương bác Hồ nhưng ngày xưa Bác có mang món quà to, tặng phong bì cho ai không? Chỉ riêng Bác đến thăm đối với người ta đã là sự trọng thị rồi. Bác thưởng học sinh chiếc huy hiệu có hình Bác là niềm hạnh phúc và khích lệ suốt đời với một học sinh. Nhưng thời buổi này chúng ta bị chi phối bởi tinh thần marketing, tư tưởng quảng bá. Nó làm sai lệch, làm hỏng các chuẩn giá trị, cái đạo đức, cái tình cảm của con người.

 
Liệu đó có phải là một phần tích cách người Việt Nam?

Không thể nói đây là tính cách của người Việt Nam được. Người Việt Nam rất kín đáo và tế nhị. Cho nên mới có câu chuyện các cụ ta để tỏ ơn với những người có công xây dựng, đóng góp cho đền chùa bằng các bia công đức nho nhỏ chỉ ở những vị trí khiêm tốn. Truyền thống của chúng ta rất văn minh.

Ông vừa nhắc đến nhà tài trợ. Nhưng thưa PGS, khác với phạm trù “Văn hóa phong bì” mà chúng ta đang bàn, tài trợ là một hoạt động trao đổi hợp pháp và được thừa nhận?

Tất cả những cái đó đều liên quan đến văn hóa phong bì. Phong bì là biểu hiện của vật chất, là thứ để đổi lấy sự an tâm, sự chăm sóc, cơ hội việc làm, quyền chức, danh tiếng… Nhà tài trợ cũng là bỏ tiền ra một phần để đổi lấy danh tiếng. Khác ở chỗ người ta đối xử với nó như thế nào thôi.

Nhìn lại, trên ti vi, báo chí các giải thưởng, các hoạt động từ thiện, nhiều nhà tài trợ lên sân khấu bao giờ cũng trưng cái biển thật to ghi rõ số  tiền. Tôi cho rằng đó là thể hiện sự thấp kém về văn hóa của cả nhà tổ chức lẫn nhà tài trợ, đó là sự coi thường công chúng; đó không phải là cách tiếp thị tốt. Những người văn minh, những nước văn minh có lẽ người ta đã vượt qua cách ứng xử đó.

Nhiều khi người xem cuộc trao giải chung kết bóng đá rất buồn khi không nhìn thấy cái vinh dự của giải đấu, sự lao động, rèn luyện gian khổ mà các cầu thủ đã bỏ ra để giành lấy vinh quang mà chỉ nhìn thấy cái giá mấy chục triệu trên tay cầu thủ. Mọi thứ đều quy đổi ra tiền hết.

Tôi cho rằng, cái khéo là marketing cho những sự kiện ấy làm sao phải chìm đi mà người ta vẫn nhận ra được. Đấy mới là cái tài, cái giỏi.

Ông đã làm như thế nào khi đang còn là Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học?

Ngày trước tôi làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cũng phải đi xin tài trợ rất nhiều nhưng mà không phải ngửa tay đi xin. Bảo tàng có cái giá của nó. Anh tài trợ cho tôi thì anh được lợi bằng danh, bằng uy tín, anh đạt được mục tiêu phát triển văn hóa.

Đừng nghĩ mình đi xin tiền là mình yếu thế so với người ta, mình phải ở tư thế độc lập, ngang bằng với nhà tài trợ và đây là một cuộc trao đổi. Đừng nghĩ là nhà tài trợ nghĩa là bề trên của mình, mình lép vế, mình quy phục bất kỳ ý muốn nào của họ. Bài học là anh có giá của anh trong cuộc trao đổi này và cùng thực hiện những mục tiêu chung.

Vấn đề ở đây là thái độ ứng xử. Bảo tàng Dân tộc học từng nhận nhiều tài trợ nhưng không bao giờ tôi thấy nhà tài trợ yêu cầu  đưa ra khoe với xã hội số tiền tài trợ. Cái họ cần là tiền tài trợ có được sử dụng đúng mục đích hay không và chất lượng nó như thế nào. Mỗi một ngôi nhà Rông, nhà dài, nhà Chăm… được dựng lên đều gắn cái biển giới thiệu tên của ngôi nhà và chỉ có tên nhà tài trợ. Thế thôi. Các nhà tài trợ văn minh không bao giờ đòi phải gắn thêm số tiền vào đó.

Ở nước ngoài các triển lãm văn hóa, các bảo tàng cũng đều sống bằng tài trợ. Vậy người người ta ứng xử như thế nào với các nhà tài trợ ấy?

Hôm vừa rồi tôi đi thăm Bảo tàng quốc gia Nhật ở Tokyo. Ở phòng cuối cùng của bảo tàng trước khi khách ra về là một căn phòng ở đó, người ta trang trọng giới thiệu tên các đơn vị, cá nhân đã tài trợ cho bảo tàng trong vòng một thế kỷ qua. Các bảo tàng lớn trên thế giới có những cách ghi nhận khác nhau nhưng đều rất văn minh để tri ân với nhà tài trợ vì công cuộc bảo tồn và giới thiệu các di sản văn hóa.

Họ có thể phân nhóm nhà tài trợ với những biểu tượng khác nhau ngầm thể hiện mức độ đóng góp. Rất tế nhị. Chúng ta hãy học chính các cụ ta ngày xưa bằng bia công đức, bia ruộng hậu để lại cho muôn đời.

Nói như vậy, có nghĩa là phong bì có thể trở thành “Văn hóa” nếu chúng ta ứng xử một cách văn hóa với nó, phải không thưa PGS?

Nếu chúng ta có sự dẫn dắt tốt thì chúng ta sẽ làm được. Ví dụ như câu chuyện đưa phong bì, chuyện marketing hoàn toàn có thể tránh được. Nó nằm trong tầm tay của chúng ta nhưng phụ thuộc nhiều vào kỷ cương pháp luật, vào đầu óc của người lãnh đạo.

Và một điều quan trọng là, đừng làm theo phong trào mà hãy làm từ từ, dần dần từng chút một, kiên trì và liên tục.

Xin cảm ơn ông!

Hà Trang

Ảnh: Hồ Quang


Bình luận
vtcnews.vn