Hãy thử nhà không có osin

Tổng hợpThứ Tư, 29/08/2012 12:37:00 +07:00

Khi con trai lớn vào lớp 7, con gái giữa vào lớp 4 và con trai út được 3 tuổi, ba mẹ đưa ra một quyết định táo bạo là không thuê người giúp việc...

Chiều nay đi cổ vũ con trai lớn thi bơi. Cứ tưởng cuộc thi sẽ diễn ra cả ngày như mọi năm, khi đăng ký, mẹ xui con mạnh dạn xin tham dự 8 cự ly. Nào ngờ năm nay quân số đội bơi ít quá, người ta sắp xếp gọn lại trong một buổi chiều. Con trai thì thấy vẫn bình thường, trong khi mẹ ngồi xem than thầm trong bụng: “Thật hết khôn dồn đến dại, hôm trước lại động viên con thi cả cự ly 200m hỗn hợp.

Cuối buổi chiều rồi thì thằng bé bơi thế nào: Mẹ và con gái thì thào một lúc, nghĩ ra được một chiêu coi như doping cho con trai. Cô em gái chạy vội ra khu vực chuẩn bị thi đấu cự ly cuối cùng, thì thào vào tai ông anh. Con trai cười đắc chí giơ cả hai tay với dấu hiệu chiến thắng về phía mẹ. Cuối cùng con trai thắng thật, bỏ xa bạn đấu cả nửa bể bơi. Sức mạnh mà em gái chuyển cho anh trai là: “Cố gắng bơi đi, tối nay về em… rửa bát cho.”

Khi dịch bài “Các quy tắc làm cha mẹ dễ dàng”, tôi phải kiềm chế lắm mới không thêm vào 1 nguyên tắc mà mình thấy cực kỳ đúng với mình. Đó là: Dạy trẻ tự lập và Dạy đứa lớn giúp đứa nhỏ được tôi vận dụng triệt để với các con mình từ khi chúng còn bé tí teo. Song, tôi cũng nhận ra một điều rằng nguyên tắc trên không thể thực hiện được nếu có người giúp việc trong nhà. Bất kể mẹ có dặn dò thế nào, người giúp việc vẫn cứ bằng cách này cách khác giúp các con trốn tránh trách nhiệm của mình (có thể người giúp việc thực nghĩ các con còn bé quá, hoặc giả người giúp việc thấy rằng để các con làm rồi đi theo dọn còn mệt hơn là làm thay, kết cục luôn là “thôi để chị/bác làm cho nhanh, cứ đi học/đi chơi đi”).

 
Khi con trai lớn vào lớp 7, con gái giữa vào lớp 4 và con trai út được 3 tuổi, ba mẹ đưa ra một quyết định táo bạo là không thuê người giúp việc ở lại trong nhà nữa, chỉ thuê một người đến theo giờ khoảng 3 tiếng vào buổi tối để giúp những việc mà các con chưa thể làm được vào thời điểm đó như nấu thức ăn, dọn nhà vệ sinh, là quần áo. Mọi người đều cảm thấy vất vả và mệt mỏi trong 1 năm đầu tiên, nhưng rồi cũng ổn cả, hai đứa lớn dần học được các kỹ năng như nấu nướng, lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, tắm cho em và cho em ăn.

Đến một ngày đẹp trời, chị sinh viên vẫn phụ giúp buổi tối tốt nghiệp ra trường và phải về quê làm việc, cả nhà bàn nhau thử tự gánh vác mọi việc xem sao, với lời hứa là nếu không chịu nổi sẽ thì sẽ tìm người khác đến giúp theo giờ tiếp.

Mọi chuyện suôn sẻ đến không ngờ, cả con trai và con gái đều nói thôi đừng thuê người nữa mẹ ạ, như thế này thấy thoải mái và tự chủ hơn.

Khi làm việc nhà đã quen, công việc không gây cảm giác nặng nề như ban đầu nữa. Đặc biệt là các con tôi rèn được ý thức trong từng việc làm nhỏ nhất, sao cho sau đó không phải mất thời gian dọn dẹp.  Tới nay con gái lớp 7 của tôi có thể đảm nhiệm bữa cơm chiều, làm cơm đãi khách khi cần thiết và coi nướng bánh là một thú vui cuối tuần. Con trai lớp 10 có thể dọn bếp, rửa bát, giặt quần áo và tắm cho cậu em một cách nhẹ nhàng và gọn gàng. Bé út lớp 1 cũng phải nhận phần cất đặt giày dép, lau bàn ghế tủ kệ… (tất nhiên vẫn bị anh chị chê bẩn dài dài).

Bạn có thể thắc mắc: Thời gian đâu ra để các cháu làm những việc đó mà vẫn có thể học tốt? Có lẽ tôi là một người mẹ bảo thủ, nhưng gia đình tôi chỉ mở TV vào dịp cuối tuần. Các con tôi chỉ được dùng máy tính vào việc riêng với thời gian hạn chế vào ngày thứ Bảy. Và trong suốt tuần các cháu không được phép thức học quá 10h đêm. Khi bạn có một quỹ thời gian hạn hẹp, bạn sẽ tìm ra cách xoay xỏa với hiệu quả cao nhất.

Gia đình  tôi vừa dọn đến một căn nhà to hơn cách đây vài tháng, chúng tôi lại nhờ một chị sinh viên đến 3 tiếng buổi tối để giúp lau nhà và ủi quần áo. Có điều các con tôi đã quen với việc hoàn thành các trách nhiệm của mình, các cháu chỉ yêu cầu giúp đỡ khi có việc ở trường phải về muộn. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì tin rằng ngày nào đó các con phải xa nhà, chúng sẽ tự lo được cho bản thân một cuộc sống có nề nếp.

 
Chuyện thật giản dị nhưng như chuyện lạ với cả bên nội, bên ngoại cũng như bạn bè của chúng tôi. Thoạt đầu mọi người ngạc nhiên và đều khen ngợi, sau đó thì cũng có người có ý kiến: không nên bắt trẻ con làm quá nhiều, nên để chúng nó có thời gian chơi nhiều hơn. Toàn ý kiến của các bậc “trưởng lão” nên cũng không tiện cãi lại, chỉ dám bụng bảo dạ rằng ngày xưa chúng con bằng tuổi ấy còn làm được nhiều hơn thế, phải gánh nhiều trách nhiệm hơn thế mà có cảm thấy tuổi thơ kém thú vị đi đâu.

Với các con, chúng tôi chỉ giải thích đơn giản rằng thời gian ở cùng với ba mẹ chỉ có hạn, các con hãy học và rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản này càng nhiều càng tốt để đến ngày rời khỏi mái nhà ba mẹ, các con có thể tự lo lấy thân và ngẩng cao đầu bước vào đời. Hành trang vào đời không thể chỉ là những kiến thức học ở nhà trường hay những bằng cấp mà các con đạt được. Các con tôi đều hiểu và đồng ý với chúng tôi, có phải chúng tôi quá may mắn không nhỉ?

Nói cho công bằng thì lợi thế lớn nhất của chúng tôi là không sống cùng với ông bà nội ngoại, thành ra ông bà chỉ thấy tự hào về cháu khi nhìn thấy thành quả chứ không có điều kiện xót cháu khi cháu bị la mắng lúc tập mãi mà nhặt rau chưa đúng hay rửa bát chưa sạch.

Nhớ lại cách đây khoảng hơn 20 năm, khái niệm osin còn khá xa lạ với đại đa số người Việt Nam, cả một thế hệ chúng tôi ngày ấy tự làm mọi việc cho bản thân, cho gia đình, chưa nói đến chuyện phải phụ giúp cha mẹ làm thêm cải thiện kinh tế gia đình giữa thời bao cấp. Những ngày ấy chưa xa mà sao bây giờ thấy như chuyện cổ tích.

Dông dài mãi, tóm lại quy tắc tôi thấy tâm đắc nhất là: Hãy thử nhà không có osin.

Sống Chậm

 

Bình luận
vtcnews.vn