Hãy nói; Con có thể làm được!

Tổng hợpThứ Hai, 25/04/2011 06:12:00 +07:00

Ý thức được vai trò của âm nhạc đối với sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ, khi cuộc sống của mỗi gia đình Việt Nam đang ngày càng trở nên đầy đủ,...

Ý thức được vai trò của âm nhạc đối với sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ, khi cuộc sống của mỗi gia đình Việt Nam đang ngày càng trở nên đầy đủ, sung túc hơn, các bố Việt, mẹ Việt đã bắt đầu tính đến việc cho con mình đi học nhạc: học piano, violon, guitar, trống… Nhưng, vì không có thời gian để kèm cặp con, cũng như tâm lý cho rằng con không đủ năng khiếu nên nhiều bố mẹ cho con bỏ dở chừng hoặc kệ con học ra sao cũng được khiến các em có tâm lý dễ dàng bỏ cuộc.

 

 

Muốn giỏi phải học

G ần đây, cách dạy con của một bà mẹ Trung Quốc tên là Amy Chua, 49 tuổi, giảng viên trường Yale Law School (Mỹ) đã gây nhiều tranh cãi. Amy Chua tốt nghiệp ngành luật trường đại học Harvard, lấy chồng người nước ngoài và có hai cô con gái.

 Cách dạy con của người mẹ Trung Quốc này được cô viết: “Cha mẹ Trung Quốc nghĩ rằng để giỏi một việc gì đó thì phải làm việc, trẻ con muốn giỏi thì phải học. Và điều hiển nhiên là không trẻ nào muốn học, đó là lý do vì sao việc ép buộc trẻ học là một điều cực kỳ quan trọng”.

Hiệu quả do cách dạy của Chua là con gái lớn của chị, Sophia, trở thành một thần đồng piano. Còn Lulu, cô con gái thứ hai của chị lại là một nghệ sĩ violin tài năng. Chua lúc nào cũng theo sát hai cô con gái, luôn đảm bảo rằng các con luyện tập ít nhất 3 tiếng mỗi ngày, kể cả vào kỳ nghỉ.

 Phần nhiều các bậc phụ huynh, nhất là các bậc phụ huynh phương Tây không tán thành với cách ép uổng có vẻ quá khắc nghiệt của bà mẹ này. Nhưng cũng có trường hợp ủng hộ vì cho rằng, nếu quá chiều theo ý thích của con mà không có kỷ luật thì trẻ sẽ sớm bỏ cuộc. Riêng Amy Chua thì cho rằng, “Cha mẹ phương Tây lo lắng quá nhiều đến cảm xúc của con cái. Nhưng là một người mẹ, tôi nghĩ rằng một trong những điều không nên nhất lại chính là việc cha mẹ để cho con cái dễ dàng bỏ cuộc. Không gì tốt hơn việc xây dựng cho con lòng tự tin, dạy con rằng con có thể làm được điều mà con cứ nghĩ rằng con không thể”.

Chị đồng nghiệp của tôi cũng có cô con gái học lớp một và bắt đầu học piano từ năm 5 tuổi. Chị giải thích, muốn con học nhạc để phát triển toàn diện. Giờ luyện đàn của con bé mỗi ngày, xen lẫn vào thời khóa biểu khá dày khiến đôi lúc chính chị cảm thấy xót xa thương con. Có lần con bé nói “Sao con khổ thế, ngày nào cũng ăn rồi học, học rồi ăn, con mệt lắm rồi”. Giật mình với lời nói của con, chị tìm cách sắp xếp lại thời khóa biểu và cố gắng dành thời gian ở cạnh nó, học cùng nó, chơi cùng nó. Những lúc rảnh chị đưa con đi chơi, học bơi, nghỉ ngơi thật thoải mái. Nhưng chị không muốn con bỏ học đàn. Không phải vì tiếc cây đàn đắt tiền vừa mua, cũng không phải vì xót tiền thuê giáo viên vốn dĩ không rẻ chút nào để dạy cho con mà vì muốn con theo đuổi cái gì thì phải đi đến cùng. Chị chia sẻ “trẻ con thì chóng chán, nhưng sự thật thường là bố mẹ còn dễ nản trước cả con. Khi đó cầm chắc việc học nhạc là thất bại, không những thế sẽ hình thành nên thói quen xấu cho con cứ gặp khó là bỏ dở chừng. Quan điểm của tôi là khi cần vẫn phải ép con”.

 

 Con có thể làm được

 Theo tôi được biết, hầu hết các gia đình Nhật đều có một cây đàn Piano, tối thiểu là một chiếc Piano điện. Các bà mẹ ở Nhật luôn dành rất nhiều thời gian để chăm chút cho con và lấy việc tiến bộ của con để đánh giá “mức độ hoàn thành nhiệm vụ” của mình. Họ thường học đàn cùng con, học vì con và học để kèm cặp không để con nản chí. Đó là một cách “ép mà như không ép” của họ. Vì vậy, việc học nhạc của trẻ em Nhật thường nghiêm túc và hiệu quả.

Mặt khác, giáo dục ở Nhật cũng như ở các nước tiến bộ khác thường đề cao việc phát triển các kỹ năng sống trong đó có âm nhạc. Họ coi đó mới là một nền giáo dục phát triển đầy đủ. Ngược lại, ở nước ta, việc học nhạc trước đây thường mang tính “gia truyền”, “cha truyền con nối”. Chị My (con gái giáo sư Chu Minh- tác giả của bài hát Người là niềm tin tất thắng), giảng viên học viện âm nhạc Quốc Gia, một người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy âm nhạc chia sẻ, “tôi học đàn từ khi lên 6 tuổi vì bố tôi cũng là một nghệ sĩ. Ngày xưa việc học đàn của tôi hoàn toàn là do cha truyền con nối chứ không phải vì sở thích. Ngày nhỏ, chúng tôi ở trong khu tập thể, tôi thường phải ngồi luyện đàn trong khi lũ trẻ cùng lứa nhảy nhót, la hét, chơi đùa ở bên ngoài. Những lúc đấy tôi thường thắc mắc với mẹ là tại sao tôi cứ phải tập đàn. Khi tôi 10 tuổi, tôi bắt đầu thấy yêu thích và gắn bó hơn với chiếc piano và thích thú với việc chơi đàn”. “Thực tế, môn âm nhạc trong các trường phổ thông hiện giờ là quá khó, thiếu thực tế và không phù hợp”, chị My cho biết.

Giờ đây, do xã hội phát triển, nhiều gia đình có điều kiện để cho con học nhạc, tuy nhiên việc cho con học nhạc mới dừng lại ở chỗ cha mẹ ý thức được vai trò của âm nhạc với con trẻ chứ chưa có ý thức được việc phải học cùng con. Theo kinh nghiệm của chị My, nhiều phụ huynh đã đến gặp chị để thắc mắc tại sao con họ học mãi cũng không thể đánh được một bản nhạc hoàn chỉnh, cũng không thuộc được hết các nốt nhạc. Nhiều bậc phụ huynh đã sớm nản trước con họ. Chị My cho rằng, học nhạc rất khó để thấy kết quả một cách rõ rệt ngay lập tức. Bố mẹ nên xác định cho con học đàn như một môn văn hóa và theo đuổi suốt 12 năm, càng lâu càng tốt, để nó trở thành một thói quen, một bản năng như ăn uống chứ không nên vội vàng cho con nghỉ dở chừng. Như thế, con sẽ có thói quen không thích cái gì là sẵn sàng bỏ. Phải giúp con làm cái gì là làm cho đến đích.

Bé Bông được mẹ Mai Anh cho con đi học đàn khi con mới gần 5 tuổi. Bé học khá chậm và cứ bế lên ngồi vào đàn được vài phút là đòi tụt xuống đi chơi, không cho là khóc. Chị My cho rằng, một trong những sai lầm khi cho con học nhạc, làm quen với âm nhạc của bố mẹ Việt là cho con học quá sớm hoặc quá muộn. Theo chị, để việc học nhạc của con có hiệu quả là cho trẻ đi học sau khi đã học lớp, đủ để trẻ quen với việc ngồi nghe nghiêm túc trong khoảng vài chục phút. Việc học nhạc ban đầu nhất thiết phải diễn ra một cách vui vẻ thoải mái, tránh ép uổng sớm khiến trẻ cảm thấy sợ hãi. Quan trọng nhất, là cha mẹ dành thời gian để học cùng con, nghe nhạc cùng con để trẻ không cảm thấy “cô độc” với môn học khó này.

Ở các nước phương phát triển họ coi việc học âm nhạc, tham gia một hoạt động thể thao, nghệ thuật nào đó quan trọng không thua kém gì các môn học văn hóa. Chính vì vậy, trẻ con thường tự tin, giao tiếp tốt ngay cả khi đứng trước đám đông. Tâm lý của bố mẹ Việt Nam lại coi trọng các môn văn hóa, đặc biệt là Văn Toán, điều đó không sai nhưng có lẽ chưa đủ. Tại sao chúng ta không coi âm nhạc như một môn học bắt buộc trong khi vai trò của nó cũng quan trọng không kém? Có lẽ không cần phải quá khắc nghiệt như các mẹ Trung Quốc, nhưng các mẹ Việt cũng nên có những quy tắc, kỷ luật riêng với các con. Hãy nói với con rằng: “Con có thể làm được” mỗi khi chúng cảm thấy nản. Và chắc chắn sau này, khi lớn lên, mỗi lúc ngồi vào đàn một bản nhạc làm tiêu tan những mệt mỏi và ưu phiền của cuộc sống thường nhật, chúng sẽ thầm cảm ơn bố mẹ đã dạy mình không bao giờ bỏ cuộc.

 Tuấn Minh, Ảnh: Hts

Bình luận
vtcnews.vn