Hành trình từ tù tội đến... 'nhà tâm linh cậu Thủy'

Thời sựThứ Tư, 30/10/2013 02:41:00 +07:00

(VTC News) – Sau khi mãn hạn tù, Thúy tự cho mình có khả năng "thấu thị", tự xưng là "cậu Thủy" và nhận tìm hài cốt liệt sỹ.

(VTC News) – Sau khi mãn hạn tù, Thúy tự cho mình có khả năng "thấu thị", tự xưng là "cậu Thủy" và nhận tìm hài cốt liệt sỹ với số tiền thù lao cả trăm triệu đồng mỗi vụ.

Ra tù, biến thành "nhà tâm linh"

"Cậu Thủy" tên thật là Nguyễn Văn Thúy (54 tuổi, trú tại thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Thúy là người gốc ở Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh, từng là công an. Nhưng ông Thúy đã bị loại khỏi ngành vì lạm dụng chức vụ và lừa đảo.


Khoảng đầu những năm 90 của thể kỉ trước, Thúy chuyển về thôn Trác Bút, thị Trấn Chờ kết duyên cùng bà Mẫn Thị Duyên. Hai người chung sống với nhau từ đó mà không đăng ký kết hôn hay tổ chức đám cưới. Thúy là đời chồng thứ 3 của bà Mẫn Thị Duyên. Sau khi kết hôn, cả hai cùng hành nghề cúng bái và tìm mồ mả thất lạc cho người dân địa phương và mấy tỉnh lân cận.

Năm 1996, Thúy và Duyên bị công an tỉnh Bắc Ninh bắt vì tội lừa đảo, chiếm dụng tài sản và sử dụng vũ khí quân dụng. Sau đó, Thúy bị kết án 10 năm tù, Duyên 12 năm tù. Năm 2005 Thúy ra tù, hai năm sau, Mẫn Thị Duyên cũng mãn hạn tù.

Nguyễn Thanh Thúy trở thành 'nhà tâm linh' thế nào?
'Cậu' Thủy (người ngồi, mặc áo xám) trong một lần tìm hài cốt liệt sỹ
Theo tìm hiểu, Thúy đã hành nghề bói toán, tìm mồ mả từ năm 1980. Nhưng từ thời điểm ra tù, Thúy bắt đầu nhận tìm hài cốt liệt sỹ với biệt danh tự xưng là 'cậu' Thủy.

Người dân thôn Trác Bút cho biết, trước khi vợ chồng Thúy đi tù, họ có biết Thúy hành nghề âm, bói toán và tìm mồ mả từ năm 1980. “Trước đây chúng tôi chỉ biết họ có hành nghề âm, tìm mồ mả thất lạc nếu có ai đến đặt vấn đề” một người dân nói.

Sau khi ra tù, Thúy cho mình có khả năng "thấu thị", xưng "cậu Thủy" và tìm hài cốt liệt sỹ. Chính từ thời điểm này, người dân thôn Trác Bút nhận thấy rõ sự thay đổi trong hoạt động việc làm của vợ chồng Thúy – Duyên.

“Sau khi ông Thúy ra tù một thời gian, chúng tôi thấy khách tìm đến nhà ông Thúy rất đông, nhiều người đi ô tô, biển số xe là các tỉnh thành lân cận, ở miền Trung, miền Nam cũng có. Có khi xe ô tô còn đỗ kín ngoài đường. Nghe nói ông ấy có khả năng tìm hài cốt liệt sỹ, còn thực hư thế nào chúng tôi cùng không rõ.


Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà Thúy mở phủ, hầu đồng, khách thập phương nườm nượp đổ về chật kín cả ngôi nhà 3 tầng tráng lệ”, một người dân thôn Trác Bút cho biết.
Nguyễn Thanh Thúy trở thành 'nhà tâm linh' thế nào?
Nguyễn Thanh Thúy giàu lên nhanh chóng sau khi mãn hạn tù một thời gian
Người dân tỏ ra ngạc nhiên trước sự đông đúc ở nhà ông Thúy, họ cũng chỉ nghe loáng thoáng ông này giúp tìm mộ liệt sỹ, nhiều người ngoại tỉnh đến nhờ cậy, xe đưa xe đón, thù lao cũng không hề nhỏ.
"Việc ông ấy làm thế nào để tạo lòng tin và gây dựng thanh thế với khách thập phương vẫn là điều mà chúng tôi không thể lý giải được, vì những người cùng địa phương thì không ai tin vào khả năng của ông Thúy cả", một người dân nói.

Trong những năm gần đây, công việc "làm ăn" của Thúy càng phát đạt hơn. Minh chứng là căn biệt thự to nhất nhì thôn Trác Bút của Thúy nằm sát con đường nhựa dẫn từ thị trấn Chờ vào thôn. Căn biệt thự lộng lẫy, với cổng mái thái, hình rồng, hai con sư tử đá uy nghi trước cổng.

“Chắc họ làm ra nhiều tiền nên xây căn nhà to và lộng lẫy nhất thôn vào khoảng năm 2011. Mấy tháng trở lại đây, ông ấy thuê người sửa sang lại và sơn màu căn nhà”, một hàng xóm gần nhà "cậu Thủy" cho biết.

Lộ "chiêu bài" lừa đảo


Thúy tự nhận mình là “nhà tâm linh” có khả năng tìm mộ liệt sỹ. Không ít gia đình các thân nhân liệt sỹ tin vào khả năng “tự vẽ” này của Thúy và đặt niềm tin, tiền bạc vào cuộc tìm kiếm đầy nghi vấn của y.

Một trong số những cuộc tìm kiếm hài cốt đầy nghi vấn của Thúy như trường hợp liệt sỹ Hoàng Văn Tố, hy sinh tại Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, cách làng Vây hơn 100 cây số. Vậy mà Thúy lại nói liệt sỹ Tố nằm tại làng này. 
44 năm đã qua, xương thì vụn nát mà chiếc mũ cối kèm theo vẫn còn nguyên lớp giấy bồi, không mủn. Dép cao su còn mới nguyên có đục tên, lớp đất đen mà Thúy bảo là xương thịt liệt sỹ hóa thành lại là bùn được rải một lớp mỏng.
Nguyễn Thanh Thúy trở thành 'nhà tâm linh' thế nào?
 'Cậu Thủy' bị cơ quan công an bắt giữ ngày 28/10
Sau mỗi vụ tìm kiếm hài cốt mà Thúy một mực khẳng định thành công, Thúy nhận về khoản thù lao lên tới cả trăm triệu đồng.

Từ cuối năm 2012, "nhà tâm linh" Nguyễn Thanh Thúy "hợp tác" với Ngân hàng chính sách xã hội tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ tại xã Ea H’Leo, bàn giao 31 HCLS cho tỉnh Đắk Lắk. Sau đó, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ ở Lâm Xuân, xã Gio Mai (huyện Gio Linh, Quảng Trị) và ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Ở tất cả các cuộc tìm kiếm, chỉ có người nhà 'cậu' Thủy và nhân viên ngân hàng mới được tham gia tìm kiếm, cất bốc, những ‘chiêu bài’ không thay đổi đã tạo ra những nghi vấn cho các cơ quan chức năng cũng như thân nhân các liệt sỹ có mặt tại thời điểm đó.

Trước những việc làm gian trá của mình, ngày 28/10, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị có sự chứng kiến của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an và Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh, công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Thúy (tức Cậu Thủy, sinh 1/5/1959) và Mẫn Thị Duyên (sinh ngày 28/4/1962).

Đến chiều 29/10, hai đối tượng đã được di lý về Quảng Trị để phục vụ công tác điều tra.


Hà Minh
Bình luận
vtcnews.vn