Hành trình từ thầy giáo trẻ đến giấc mơ chơi bóng V-League

Thể thaoThứ Ba, 03/05/2016 06:58:00 +07:00

Với Đức Lộc thì sự khắc nghiệt của trái bóng đá đơn giản là một trải nghiệm của cuộc sống, để trưởng thành hơn

Vô tình đến với bóng đá, dính chấn thương nặng và bị bỏ rơi, tự mình chiến đấu rồi trở lại, với Đức Lộc thì sự khắc nghiệt của trái bóng đá đơn giản là một trải nghiệm của cuộc sống, để trưởng thành hơn…

Xem bóng đá như mối nhân duyên, Lê Đức Lộc đã từng gác giấc mơ trở thành một người thầy giáo, chấp nhận xa quê, đánh đổi nhiều thứ để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Lê Đức Lộc (phải) đã từng gác giấc mơ trở thành một thầy giáo
Lê Đức Lộc (phải) đã từng gác giấc mơ trở thành một thầy giáo 
Bỏ nghề giáo đi đá bóng

Sinh ra trong một gia đình nhà nông thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, Đức Lộc đứng trước cơ hội trở thành giáo viên thể chất nhưng cuộc đời của chàng trai trẻ này bất ngờ rẽ sang một hướng khác, với nghiệp quần đùi áo số như một sự sắp đặt của số phận mà chính Đức Lộc chưa bao giờ dám nghĩ đến.

Tuổi thơ gắn liền với những tháng ngày rong ruổi theo đám bạn cùng quê đá bóng, dù rất thích đá bóng nhưng Đức Lộc chưa bao giờ mơ ước một ngày sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp PTTH, chàng trai trẻ khăn gói vào TP.HCM để bắt đầu cuộc đời sinh viên Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM.

Lộc chăm chỉ học với giấc mơ ra trường sẽ trở thành một giáo viên thể chất “gõ đầu trẻ”. Thế nhưng với niềm đam mê và năng khiếu, Đức Lộc đã bất ngờ lọt vào mắt của HLV Đoàn Minh Xương, người đã dạy lớp chuyên sâu tại trường ĐH TDTT TPHCM.

Với con mắt tinh tường của một HLV nhiều năm gắn bó với BĐVN và công tác đào tạo trẻ, ông Xương nhận thấy Đức Lộc có thể hình cao lớn, nhanh nhẹn và có đủ những tố chất trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai. Thế nên vị HLV này đã đưa Đức Lộc về Đồng Tháp thử rồi được nhận để đá giải hạng Nhất 2013. Cái duyên tình cờ với HLV Đoàn Minh Xương đã đưa cuộc đời Đức Lộc rẽ sang một hướng khác.

“Năm 2012, tôi tốt nghiệp xong Đại học thì thầy Xương hỏi tôi có muốn trở thành cầu thủ không? Lúc ấy, tôi bất ngờ lắm và chưa có việc làm nên tôi theo thầy xuống Đồng Tháp để thử việc. Được nhận ở lại với bản hợp đồng chuyên nghiệp với mức lương ban đầu là 10 triệu đồng, thật hay là mọi thứ lại bắt đầu với mình như thế…”.

Clip Đồng  Tháp 2-0 Hà Nội T&T

Bài học từ bóng đá và cuộc sống

Gác giấc mơ trở thành giáo viên thể chất để theo đuổi nghiệp quần đùi áo số như tiếng gọi của niềm đam mê, Lộc đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng với trình độ chơi bóng không hề thua kém các cầu thủ được tập luyện chuyên nghiệp. Thế nên chàng trai người Bình Định nhanh chóng tìm được chỗ đứng nơi hàng thủ Đồng Tháp.

Trong 3 năm gắn bó với Đồng Tháp, Đức Lộc đã cùng đội bóng vô địch giải hạng Nhất 2014 để lên chơi V.League 2015. Với Lộc, đó là một giấc mơ mà chưa bao giờ dám nghĩ đến, khi một ngày anh có thể được chơi ở giải đấu chuyên nghiệp cao nhất của BĐVN: Lần đầu tiên được đá ở sân chơi V.League, cảm giác thật khó nói hết thành lời. Nghĩ lại mọi thứ đến với tôi như giấc mơ, khi từ một sinh viên thích đá bóng có thể được góp mặt ở V.League để tranh tài cùng các cầu thủ mà trước đó mới chỉ biết qua tivi hay đọc báo”.

Cuộc sống không là mơ, sự nghiệp bóng đá mới bắt đầu với chàng sinh viên người Bình Định không hề bằng phẳng. Giữa năm 2014, Đức Lộc đã bị đứt dây chằng đầu gối trong trận đấu ở Cup Quốc gia với SHB.Đà Nẵng trên sân Chi Lăng. Đó là lần đầu tiên trong đời Đức Lộc bị một chấn thương nặng và thấu hiểu được sự hụt hẫng, khắc nghiệt từ trái bóng tròn.

Trong thời gian phẫu thuật rồi điều trị, Lộc đã tự bỏ 200 triệu đồng để trả viện phí. Sau khi hồi phục, chàng trai này lại đứng trước nỗi lo thất nghiệp khi CLB Đồng Tháp đối diện với nguy cơ bị “khai tử” do không có kinh phí tham dự V.League.

Trước tình cảnh éo le của đội chủ sân Cao Lãnh, Lộc không muốn đội nhà thêm khó khăn nên không đấu tranh đòi nợ, tự mình trang trải những hóa đơn mà đáng lẽ trách nhiệm thuộc về CLB: Tôi không bao giờ muốn nhắc đến chuyện mình chấn thương và tự chữa trị.

Tôi đến với bóng đá như một cái duyên và Đồng Tháp là nơi nâng bước cho tôi trong những ngày đầu tiên. Tôi trân trọng mọi thứ có được trong những tháng ngày gắn bó với đội bóng này và tôi nghĩ mình nợ bóng đá, Đồng Tháp nhiều hơn rất nhiều so với những gì tôi trải qua…”.

Nguồn: Lao động
Bình luận
vtcnews.vn