Hành trình “tán gái” của người đàn ông 4 vợ

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 09/06/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Câu chuyện về ông Lai, người lấy những 4 vợ, xin khẳng định là một hiện tượng không những sai trái về thuần phong mà còn trái pháp luật.

(VTC News) - Câu chuyện về ông Nguyễn Xuân Lai, người lấy những 4 vợ, xin khẳng định là một hiện tượng không những sai trái về thuần phong mà còn trái pháp luật. Câu chuyện được nêu ra, không phải để cổ xúy cho hiện tượng này, mà để người đời thấy rõ đây là chuyện không nên, bởi người lấy nhiều vợ như ông Lai, đã gây khổ cho nhiều người khác. Chuyện lấy nhiều vợ của ông lai đã xảy ra nhiều năm trước, ở vùng rừng rú hoang rậm, nơi mà nhận thức của con người còn thấp.


Vợ, con, cháu của ông Lai vui vẻ trò chuyện với tác giả. Ảnh: Phạm Nguyệt Diễm. 

Tôi hỏi thẳng ông Lai rằng: “Ở vùng Thanh Sơn, đâu đâu cũng đồn đại chuyện bùa ngải. Liệu có phải ông dùng bùa để lấy các bà về làm vợ?”. Ông Lai lắc đầu: “Vớ vẩn. Tới là người chúa ghét mấy cái trò mê tín dị đoan. Tớ chả tin mấy cái chuyện bùa ngải, nèm chài đâu. Ngày trước, dân làng đồn một ông giỏi làm bùa yêu, rồi làm ngải hại người, tớ tìm đến gặp, nghe lão bốc giời, tớ bảo: Tôi thách ông làm ngải cho tôi đau bụng. Ông làm ngải khiến tôi đau bụng, tôi cắt cho ông vài ngàn mét đất, còn tôi không đau bụng, tôi đập cho ông một trận. Nghe tớ nói thế, lão im re”.

Ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Lai, nghe cách trò chuyện rủ rỉ rù rì, mới thấy người đàn ông này có tố chất… hấp dẫn phụ nữ đặc biệt. “Tớ chỉ là một lão nông, chả có tài cán gì cả, chỉ được mỗi cái nói chuyện hay, làm thơ, vẽ tranh giỏi, nên các bà ấy mê. Mà các bà thời xưa cũng lạ, tiền bạc, quan chức không mê, lại cứ đi mê mấy tay nghệ sĩ làng, đến là khổ” – ông Lai lý giải tài tán gái của ông chỉ có vậy.
"Xóm ông Lai". Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Lấy vợ, lên mảnh đất tận cùng này sống, nhưng chiến tranh nổ ra, ông Lai cũng xung phong vào chiến trường. Ở trong quân đội, cứ buông súng, ông lại làm thơ. Phần lớn là làm thơ giúp đồng đội để họ tặng người yêu, bạn gái, vợ con… Qua mỗi vùng đất, bản làng, mỗi con sông, ngọn núi, cảm xúc dâng lên, ông lại tức cảnh sinh tình ra được vài bài. Đặc biệt, nếu gặp cô gái đẹp, như lời ông nói, thì thơ cứ tự nhiêu tuôn ra như suối chảy, không sao ngăn lại được.

Số lượng thơ tặng chị em phụ nữ ông Lai làm nhiều đến nỗi, ông chép đầy một cuốn sổ dày cả ngàn trang. Bài nào cũng thiết tha, nồng thắm, chứa chan tình cảm. Tuy nhiên, mấy năm trước, một nhà văn đọc thấy hay, đem đi “nghiên cứu” để xuất bản, đã làm mất.

Ngoài tài làm thơ, ông Lai còn có biệt tài vẽ tranh. Dù không học gì về hội họa, song ông vẽ tranh cũng không kém gì họa sĩ hạng vừa. Tranh vẽ không phải để bán hoặc triển lãm, mà để tặng các bà, các chị. Bà nào, chị nào mà nhận được bài thơ do ông tự làm, bức tranh do ông tự vẽ thì xúc động phải biết.
Bà Nguyễn Thị Bầu, vợ cả của ông Lai. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Hồi xuất ngũ, ông Lai đi chơi cùng bạn qua vùng Tam Nông. Đến xã Dị Nậu, gặp cô thôn nữ Nguyễn Thị Kính xinh đẹp, nết na, chàng trai si tình, đã có một vợ mấy con, bị chết đứng. Lai cứ lững đi theo cô thôn nữ kia để biết nhà.

Ngay đêm ấy, anh chàng đã cảm tác một bài thơ tình tặng người đẹp. Từng câu, từng chữ như dốc hết nỗi lòng mê muội, như thể trái tim đang dần héo khô, chẳng khác nào miếng thịt treo gác bếp, nếu mỗi ngày không được nhìn thấy nàng. Cứ vậy, mỗi đêm lại có một bài thơ, viết trên cái máy bay giấy, bay vào cửa sổ nhà nàng. Rồi, cô thôn nữ Nguyễn Thị Kính đã không ngăn được tình cảm, đã điên dại yêu một kẻ có vợ.

Hôm dẫn cô Kính về chân núi Pu Cáp, đất như sụt dưới chân bà Bầu. Nhưng bà là người hiền lành, nhịn nhục, lại thừa biết tính trăng hoa của ông chồng, có ngăn cũng chẳng được, nên miễn cưỡng chấp nhận. Cũng có cỗ bàn, cũng tổ chức rình rang như một đám cưới. Chuyện ấy, xảy ra từ những năm 70 của thế kỷ trước, cách nay gần 40 năm rồi.

Ông Lai cắt đất, dựng nhà cho cô vợ hai ở trong xóm đó. Thời kỳ ấy, chuyện một ông lấy hơn một vợ ở vùng rừng rú thâm u này cũng là bình thường, không có gì to tát và đáng chú ý cả. Tuy nhiên, sống ở đây được vài năm, không chịu được cảnh núi rừng buồn tẻ, hơn nữa, cũng không muốn nhìn thấy cảnh ông chồng dù có hai vợ vẫn đêm đêm đi tán gái, nên bà Kính bế con bỏ về Dị Nậu.

Dù bà Kính về quê, cách Thượng Cửu tới 60km, song ông Lai vẫn thường xuyên đạp xe về thăm vợ, thăm con. Cho đến bây giờ, dù pháp luật không công nhận, nhưng thực chất bà Kính vẫn là vợ hai của ông Lai. Bà Kính đã có 3 người con, 2 gái, một trai với ông chồng đào hoa này.

Vợ hai bỏ về quê vài năm, người đàn ông đa tình này lại chính thức tuyên bố sẽ cưới sơn nữ Đinh Thị Vượng. Bà Vượng là người Mường, ở bản cạnh. Dù học hành không đầy đủ, chữ biết chữ không, nhưng tâm hồn lãng mạn, nên đã bị những lời thơ của kẻ đa tình chọc thủng tim.
Bà Vượng, vợ ba của ông Lai. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Ông Lai chả dấu giếm, chả ngại ngùng, dẫn thẳng cô Vượng về cho bà cả xem mặt. Cũng như lần trước, dù nước mắt có chảy, cũng cố nén cho chảy vào trong, miễn cưỡng đồng ý cho ông ấy lấy vợ 3. Bà Bầu biết rằng, chẳng đồng ý, thì ông ấy cũng vẫn làm theo ý mình.

Bà Vượng cũng được ông Lai cắt cho một miếng đất, rồi dựng cho một ngôi nhà nhỏ ở cạnh bà cả. Cũng như bà Bầu, bà Vượng là người phụ nữ cực kỳ hiền lành, nhẫn nhục. Cùng cảnh chung chồng, phận hẩm, nên hai bà cũng thông cảm với nhau, rồi quý nhau như chị em, cùng chia sẻ vui buồn.

Tôi hỏi bà Vượng và bà Bầu rằng: “Hai bà chung chồng, lại sống gần nhau thế, có đánh ghen bao giờ không?”. Bà Vượng cười bẽn lẽn, còn bà Bầu thì bảo: “Ôi dào, ai có nhà thì người ấy ở, có ruộng thì tự làm, tự ăn, ông ấy thích ở đâu thì ở, hơi sức đâu mà ghen với tuông”.
Mỗi bà đều được ông Lai chia đất, xây nhà và tự lo cuộc sống cho mình như một thế giới riêng. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Sống với nhau hơn 30 năm nay, bà Vượng và ông Lai có tổng số 5 người con, 2 trai, 3 gái. Những người con của bà Vượng đều đã lớn, đã dựng vợ, gả chồng và đều ở quanh xóm Pu Cáp này cả. Các con bà cũng được Nhà nước chia ruộng, chia rừng theo tiêu chuẩn. Tất cả dâu, rể, con cháu của bà Vượng đều sống bằng nghề nông và nghề rừng, không ai bứt ra được khỏi cái xóm Pu Cáp này.

Những tưởng con đàn cháu đống, người đàn ông đào hoa Nguyễn Xuân Lai sẽ dừng lại. Ai ngờ, một ngày, ông lại dẫn về một thôn nữ, đẹp không kém gì hoa hậu.


Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn