Hạnh phúc ngắn ngủi, hệ lụy dài lâu

Sức khỏeThứ Hai, 30/08/2010 01:13:00 +07:00

Ầu ơ… rau răm đất cứng dễ bứng khó trồng/ Dẫu thương cho mấy… ầu ơ… cũng chồng người ta!

Ầu ơ… rau răm đất cứng dễ bứng khó trồng/ Dẫu thương cho mấy… ầu ơ… cũng chồng người ta!

Đó là câu hát mà thuở nhỏ Hoa thường nghe các bà, các dì ru con cháu ngủ giấc trưa. Lúc ấy, Hoa chưa hiểu ý nghĩa câu hát thế nào, chỉ nghe buồn da diết. Giờ đây cô mới thấm thía...

Hạnh phúc ngắn ngủi

Hoa vừa tốt nghiệp đại học, làm thư ký riêng cho Hoàng, giám đốc một công ty chế biến gỗ xuất khẩu. Phục vì tài, cảm vì sự hào phóng, Hoa ngã vào vòng tay Hoàng sau ba tháng vào làm việc. Được Hoàng lo đầy đủ mọi thứ, Hoa thấy mình vô cùng sung sướng so với bạn cùng trang lứa. Thế nhưng… sống với Hoàng được sáu tháng, Hoa biết được sự thật là ngoài người vợ chính thức Hoàng còn có hai cô nhân tình, trước đây cũng đều từng là thư ký riêng của Hoàng. Sợ mất Hoàng, Hoa ra sức chiều chuộng. Nhưng những bữa cơm nóng sốt… cứ nguội dần theo nỗi mong chờ, những ngôn ngữ ngọt ngào trôi tuột như nước đổ lá môn, kể cả những bí quyết phòng the Hoa dày công nghiên cứu cũng chỉ đủ sức giữ Hoàng vài giờ trên giường ngủ, sau đó thì anh ta… ngoài vùng phủ sóng! Không có tư cách lẫn phương cách nào để danh chính ngôn thuận đi tìm Hoàng, Hoa chỉ biết mòn mỏi chờ mong và… khóc thầm!

Nỗi buồn của cảnh làm vợ hờ luôn ám ảnh họ.  

Không “may mắn” được chồng hờ chu cấp, mà phải làm điều ngược lại là Duyên, một giáo viên ngoại ngữ. Duyên ly hôn chồng đã sáu năm, có con gái 16 tuổi. Từ khi yêu Hùng, một họa sĩ đã có vợ ba con, bao nhiêu tiền dạy kèm, dạy thêm ở các trung tâm Duyên đều đổ vào mối tình không đoạn kết này. Duyên kể: “Thu nhập của anh ấy thất thường, khi bán được tranh, anh ấy cũng rất rộng rãi… Mình vẫn thường mua cho anh ấy những vật dụng cá nhân, cho anh “vay” tiền mở triển lãm, nhưng ít khi anh trả lại. Dù vậy, mình không tính toán thiệt hơn”.

Học xong cấp III, từ quê lên thành phố, Kim chấp nhận làm vợ lẽ của Dũng (chủ vựa vật liệu xây dựng) sau hai năm làm nhân viên cho anh ta với số lương khiêm tốn nhưng tiền thưởng riêng luôn hậu hĩnh. Kim cứ ngỡ từ đây cuộc sống mình sẽ dễ dàng hơn, lại có thể gửi về quê giúp gia đình. Dũng còn hứa nếu Kim sinh cho anh một đứa con trai (Dũng chỉ có hai con gái), anh sẽ mua cho mẹ con cô căn nhà nhỏ. Mọi việc tốt đẹp ấy chỉ diễn ra trong hai năm đầu vụng trộm và cũng vừa kịp cho một sinh linh bé bỏng ra đời. Căn nhà chưa thấy, đã thấy… vợ Dũng xuất hiện trước cửa phòng trọ của mẹ con Kim.

Hệ lụy dài lâu

Nghe Hoa khóc lóc, đòi tự tử, Hoàng sợ quá nên đã hứa sẽ chấm dứt với hai người phụ nữ kia, nhưng anh ta không thực hiện. Hoa chủ động hẹn gặp cùng lúc với hai cô kia để “làm rõ vấn đề”, thì cả ba đều bế tắc. Ai cũng cho là mình được Hoàng yêu nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn, chu cấp nhiều hơn… và cùng yêu cầu hai người còn lại rút lui. Nhưng họ quên rằng chính vợ Hoàng mới là người đủ tư cách buộc họ phải… trả sân cho đội chủ nhà! Bẽ bàng thay, dẫu biết rõ mười mươi Hoàng nhăng nhít trăng hoa, Hoa vẫn điên cuồng tìm đủ mọi cách giành cho được tình yêu của Hoàng, từ chuyện mang thức ăn đến công ty tẩm bổ rồi điện thoại hẹn hò, nhưng chẳng mấy khi gặp được Hoàng vì anh ta phải “chia ca” liên tục. Hoa cứ phải chờ đợi hàng giờ liền để rồi cuối cùng… ngồi khóc! Có những đêm Hoa nhiều lần lang thang qua lại nhà Hoàng, chỉ với hy vọng được nhìn thấy Hoàng tình cờ mở cửa bước ra…

Còn Duyên, dù chấp nhận những thiệt thòi, nhưng nào được yên thân. Vợ Hùng thì quá quen với cảnh chồng trăng hoa, nhưng các con của Hùng cứ vài tháng lại đến nhà Duyên “dằn mặt”, bắt phải “buông tha” cho cha của chúng. Mải mê lo chăm bón cho mối tình vụng trộm, cô con gái 16 tuổi đã bỏ nhà đi hoang sau những lần chứng kiến mẹ bị những người đáng tuổi con mình nhục mạ. Con gái Duyên nói: “Con thông cảm, nhưng mẹ phải đổi tình yêu bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt, danh dự, sĩ diện của mẹ thì con không thể nào chấp nhận”. Vậy mà Duyên vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫn đắm đuối lao vào cuộc tình, còn trách con gái hư thân mất nết mà quên rằng mình đã và đang làm gương xấu cho con! 

Kim thì bị một trận đòn ghen lúc sinh con chưa đầy tháng, may mắn được hàng xóm cứu kịp. Kim đem con gửi về quê, rồi trở lên thành phố tìm việc làm. Ít lâu sau Kim gặp Định, thợ bảo trì của một công ty may. Định đã ngỏ lời cầu hôn, nhưng khi nghe Kim thú nhận chuyện quá khứ, Định thay đổi ý định. Khi Định cho biết, anh có cảm giác mình bị lừa dối, Kim khóc: “Anh nói vậy… nhưng liệu biết tôi có con, anh có đến với tôi không?”. Kim về quê đón con lên chung sống với mình, không dám mong đợi phép màu nào đem tình yêu đến cho mình nữa! Điều đáng trách nhất là Dũng không hề trợ cấp, cũng không một lần ghé thăm con trai, đứa con mà anh ta từng nói là niềm khao khát.

Nhưng ngay cả khi được “chồng chung” yêu thương, chăm sóc, thì hạnh phúc cũng đầy cay đắng! Chị Mỹ Lan, thợ may gia công, làm vợ lẽ của anh Kiên, một tay cò đất giàu nứt đố đổ vách kể: “Sống với mình anh cũng tiền phát gạo đong. Thu nhập của anh bao nhiêu mình đâu có quyền biết. Từ khi chấp nhận làm vợ lẽ, mình khép dần mối quan hệ, ít tiếp xúc vì ngại nói chuyện chồng con. Khi buồn tủi chuyện gì cũng không dám nói ra, vì biết chẳng ai thông cảm. Cay đắng nhất là khi con đau ốm, một mình ôm con chạy chữa, anh chỉ đến khi có thể, chứ làm sao túc trực bên mẹ con mình được!”. Đã vậy, Mỹ Lan chẳng bao giờ dám than thở hay kể lể gì với “chồng chung”, chị nói: “Anh ghé nhà, mình phải cố tạo không khí vui vẻ, ấm cúng, hạnh phúc… mới mong giữ được chân anh. Mình mà mở miệng than hay buông tiếng thở dài là anh ấy bỏ về ngay”. Chị chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong, bởi chẳng thể nào tâm sự hay chia sẻ với bất kỳ ai. Nhưng đáng buồn hơn là cô con gái vừa đến tuổi trăng tròn của anh chị cũng lặng lẽ đi về, học hay chơi thường chỉ một mình. Chẳng thấy cô bé có bạn bè hay chơi đùa vui vẻ cùng trang lứa trong xóm. Chị ngân ngấn nước mắt khi nhắc đến con gái: “Tội nghiệp con bé, nó mặc cảm nên tối ngày cứ ru rú trong nhà. Biết vậy, ngày xưa… mình ở vậy cho xong”.


Theo Phụ nữ TP HCM

Bình luận
vtcnews.vn