Điểm danh hàng loạt trạm thu phí BOT của Công ty Cường Thuận, chủ đầu tư BOT Biên Hòa đầy tai tiếng

Kinh tếChủ Nhật, 22/10/2017 11:14:00 +07:00

Trong tay Công ty Cường Thuận - nơi con gái Thượng tá Võ Đình Thường lấy cháu lãnh đạo - không chỉ có trạm BOT Biên Hòa nổi tiếng mà còn nhiều dự án BOT khác.

Trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa - Đồng Nai

Đây là dự án BOT lớn và lùm xùm nhất trong thời gian qua do Công ty Cường Thuận - nơi con gái Thượng tá Võ Đình Thường lấy cháu lãnh đạo - nắm giữ.

Dự án BOT đường tránh TP Biên Hòa có quy mô đầu tư xây dựng với tổng chiều dài toàn tuyến 12,2km, được thiết kế 4 làn xe, có điểm đầu tại Km 1851 + 714 (QL.1A) tại nhà thờ Trà Cổ, huyện Trảng Bom và điểm cuối được kết nối tại Km 5 + 000 (QL.51) thành phố Biên Hòa.

BOT BIEN HOA

 BOT Biên Hòa, Đồng Nai.

Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.500 tỷ đồng, với vận tốc thiết kế cho phép các phương tiện xe cơ giới lưu thông với vận tốc đạt 80km/h.

Thời gian hoàn vốn cho dự án BOT Biên Hòa vào khoảng 23 năm 11 tháng, kể từ ngày đưa vào khai thác.

Trong thời gian qua, trạm thu phí Biên Hòa đã gây nhiều bức xúc. Mới đây, giới tài xế và người dân đã dùng tiền lẻ mua vé qua trạm để phản ứng trạm đặt sai chỗ đã khiến trạm này phải ngưng hoạt động.

Không chỉ vậy, ngay sau đó, Thượng tá Võ Đình Thường (Phó Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt, PC67, Công an tỉnh Đồng Nai) đã ký giấy mời một số tài xế dùng tiền lẻ trả phí BOT Biên Hòa - Đồng Nai lên làm việc.

Video: BOT Biên Hòa giảm phí 20%, dân vẫn yêu cầu di dời trạm

Trạm thu phí T2, Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang

Ngày 27/12/2016, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định số 4168/QD-BGTVT về việc thu phí tại trạm thu phí Km50+050 (trạm T2) Quốc Lộ 91, để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn KM14+000 đến Km50+889 theo hình thức BOT.

Căn cứ Quyết định của Bộ Giao thông vận tải, bắt đầu từ 0 giờ 00 phút ngày 31/12/2016, Trạm thu phí T2 chính thức đi vào hoạt động.

T2

Trạm thu phí T2 Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang.

Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ thực hiện theo quy định tại thông tư 150/2015/TT-BTC ngày 01/10/2015 của Bộ tài chính và các quy định của nhà nước có liên quan.

Công ty Cường Thuận IDICO chính là chủ đầu tư, vận hành trạm thu phí T2.

Trên website công ty, Cường Thuận IDICO tự giới thiệu mình là nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tổ chức thu phí BOT và để đảm bảo cho công tác thu phí.

Trạm thu phí TL 16 - đường 760

Từ năm 2005, Cường Thuận IDICO đã trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực thu phí đường giao thông thông qua việc mua lại tuyến đường tỉnh lộ ĐT760 – Tỉnh lộ 16 của Tổng Công ty xây dựng Số 5 (Công ty 586).

TPTL16 2 4

 Trạm thu phí TL 16 - đường 760.

Đây là một trong những dự BOT đầu tiên mà Công ty Cường Thuận - nơi con gái Thượng tá Võ Đình Thường lấy cháu lãnh đạo - đầu tư, phát triển. Dự án có giá trị hơn 96 tỷ đồng.

Sau khi đầu tư dự này này, Cường Thuận IDICO trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Đồng Nai có trạm thu phí đường bộ BOT.

Đến nay, dự án này đang cho mức doanh thu hàng tháng khoảng trên 3 tỷ đồng, tạo ra nguồn thu khá ổn định hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Được biết, ngoài 3 dự án BOT đã đi vào hoạt động ở trên, Cường Thuận IDICO hiện đang triển khai dự án BOT Nút giao 319 và Cao tốc TP. HCM - Long Thành có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2018, cùng một vài dự án BOT, BT nhỏ khác.

Minh Vân
Bình luận
vtcnews.vn