Hàng loạt giải pháp xử lý nợ công tăng nhanh

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Năm, 29/10/2015 07:18:00 +07:00

Người phát ngôn Chính phủ đã đưa ra các giải pháp để giảm nợ công và kiểm soát việc tăng bội chi.

(VTC News) – Người phát ngôn Chính phủ đã đưa ra các giải pháp để giảm nợ công và kiểm soát việc tăng bội chi.

Vừa qua, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, đại biểu đoàn Lai Châu nhận định "Dù tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực tăng nợ công". Vì vậy, dư luận rất quan tâm đến lộ trình giải quyết nợ công của Chính phủ.
Nợ công tăng nhanh
Nợ công tăng nhanh 
Trả lời vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết theo định hướng kế hoạch ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân (tính theo quy định của Luật NSNN hiện hành) sẽ ở khoảng 4,9% GDP, trong khi bình quân 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 5,4% (số tạm tính, chưa quyết toán). Như vậy, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 bội chi thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015.

Để đạt được mục tiêu về bội chi NSNN như trên, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, chính sách về thu, chi.

 “Nợ công sẽ được kiểm soát không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP”, người phát ngôn Chính phủ thông tin.

Để tăng cường quản lý nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị để tập trung Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới.

“Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, bảo đảm trong giới hạn cho phép”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin về các giải pháp giải quyết vấn đề nợ công tăng nhanh
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin về các giải pháp giải quyết vấn đề nợ công tăng nhanh
Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Chính phủ khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng cường thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay bảo lãnh Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tổng nhu cầu vay của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 từ 3,02 đến 3,09 triệu tỷ đồng.

Trong đó vay bù đắp bội chi là 1,36 triệu tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 280.000 tỷ đồng, phần còn lại để trả nợ gốc đến hạn theo quy định.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020 cao hơn những năm trước.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng khá thận trọng trên cơ sở các phương án vay trả nợ khác nhau cho giai đoạn 2016 - 2020 và đang trình Quốc hội cho ý kiến.
Các phương án xây dựng đều bảo đảm giới hạn nợ công đã được Quốc hội thông qua, theo đó, đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn