Hàng không tư nhân VN chưa biết cách... "bay"?

Kinh tếThứ Tư, 29/12/2010 11:52:00 +07:00

Indochina Airlines khai tử, Vietjet Air năm lần bảy lượt hoãn bay... Hàng không tư nhân tại VN bị đánh giá là chưa biết cách... "bay".

Indochina Airlines khai tử, Vietjet Air năm lần bảy lượt hoãn bay, Trãi Thiên khó có khả năng cất cánh, khách hàng Air Mekong phản ánh khi mới khai thác. Hàng không tư nhân tại VN bị đánh giá là chưa biết cách... "bay".

Từ năm 2007, thị trường hàng không tại Việt Nam chào đón sự ra đời của hàng loạt hãng hàng không tư nhân: Indochina Airlines, VietJet, Air Mekong, Trãi Thiên, Blue Sky. Ngoại trừ Blue Sky ít được nhắc tới và cũng chưa khai thác bay, các hãng còn lại đều gặp vấn đề, có hãng sau thời gian dài vật lộn đã chính thức bị khai tử.

Đầu tiên phải kể đến VietJet, là hãng tư nhân đầu tiên được cấp giấp phép bay vào tháng 12/2007, kế hoạch ban đầu của hãng này là bay vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, hãng xin lùi tới 3/2009, rồi tới tháng 10/2009 do kinh tế khó khăn, một lần xin thêm 5 tháng nữa, rồi cuối cùng là hứa sẽ khai thác vào năm 2011.

Như vậy, 3 năm sau khi được phép cất cánh, hãng tư nhân đầu tiên của Việt Nam này vẫn chỉ "bay" trên giấy. Nguyên nhân được hãng lý giải là do khó khăn về nhân sự, đội bay... và VietJet cũng đã bán 30% cổ phần cho hàng không nước ngoài là Air Asia để kinh doanh dưới tên VietJet AirAsia.

Hàng không tư nhân tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Chung số phận, hàng không Trãi Thiên cũng đang đối mặt với nguy cơ không thể cất cánh khi hiện nhân viên thì liên tục gửi đơn tố cáo không được trả lương, cán bộ chủ chốt tản mạn tìm chỗ làm mới khắp nơi. Được cấp phép bay vào 10/2009 nhưng đến nay Trãi Thiên thực tế chỉ trải nghiệm bay trên bầu trời qua giấc mơ.

Tuy nhiên, khi nhắc tới "bức tranh" hàng không tư nhân tại Việt Nam, người ta thường nhớ tới Indochina Airlines. Là hãng tư nhân đầu tiên khởi động đường bay ngày 25/11/2008, có lúc mọi người đã tin tưởng về khả năng cạnh tranh "sòng phẳng" với 2 ông lớn Vietnam Airlines và Jetstar Pacific.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, hành trình bay của hãng dần khép lại, phải trả lại chiếc máy bay cuối cùng thành hãng hàng không không máy bay, nợ tiền xăng đối tác hàng chục tỷ đồng, nợ lương nhân viên. Indochina Airlines giờ chỉ còn chờ ngày bị rút giấy phép và khai tử chính thức.

Đến tháng 10 năm nay, hình ảnh về hàng không tư nhân lại le lói khi Air Mekong bắt đầu bay. Nhưng không lâu sau đó, hãng cũng dính "phốt" khi ngày 3/11 hủy bay các chuyến bay đến Đà Nẵng do có chuyến chỉ có khoảng 10 khách. Sự việc đã khiến người dân và đại lý rất bất bình.

Hãng thì nguy cơ bị rút giấy phép, hãng khó có khả năng cất cánh, nợ lương nhân viên... "bức tranh" hàng không tư nhân đang trở nên mờ nhạt. Theo nhiều chuyên gia hàng không, hàng không tư nhân đang không biết cách nào để bay hiệu quả, để vượt qua khó khăn và quan trọng không lường hết được những chông gai khi bước chân vào thị trường "trên trời" này.

"Khó khăn chính là nguồn nhân lực, đặc biệt là những người trong bộ máy điều hành, quản lý. Indochina ít cả vốn lẫn nhân lực, Trãi Thiên thiếu nhân lực. VietJet thì tỏ ra lúng túng trong chiến lược kinh doanh, không tự tin vào năng lực của mình nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài về định hướng kinh doanh nên chưa thể bay", đại diện Cục Hàng không Việt Nam phân tích.

Đồng tình, một chuyên gia hàng không cũng cho rằng có 3 yếu tố quyết định khi đầu tư một hãng bay tại Việt Nam là: nguồn nhân lực, khả năng tài chính và kinh nghiệm hàng không.

Nguồn nhân lực, để tìm được người kinh nghiệm, am hiểu, kinh doanh hàng không tại Việt Nam là không dễ, thường các hãng mới ra đời sẽ tìm cách thu hút nhân tài từ các hãng khác, chỉ có Vietnam Airlines là lợi thế khi nhân lực dồi dào. Về tài chính, ngoài vốn điều lệ ban đầu của mỗi hãng tầm 500-600 tỷ đồng (Vietjet 500 tỷ đồng, Trãi Thiên 600 tỷ đồng), các hãng tư nhân cần có nguồn vốn lớn để chi cho những chi phí cao như xăng dầu, thuê máy bay, thuê phi công...

"Những điều kể trên ở Việt Nam không có hoặc không có sẵn, đó là vấn đề lớn, do đó chi phí cao sẽ dẫn đến mất cân đối, đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính để vượt qua ít nhất trong 2-3 năm đầu để tránh phá sản", chuyên gia này nói.

Mặt khác, kinh nghiệm hàng không sẽ tạo được một hướng đi kinh doanh đúng đắn, như khi Jetstar Pacific đi theo định hướng hàng không giá rẻ để cạnh tranh với "ông lớn" Vietnam Airlines được sự hỗ trợ lớn vì là doanh nghiệp nhà nước.

Nói về vấn đề này trên phương diện các nước khác, đại diện Cục Hàng không cho rằng mỗi quốc gia có trải nghiệm riêng. Như các hãng hàng không Campuchia được thành lập và bay trong thời gian ngắn rồi cũng phá sản hoặc phá sản mà chưa kịp bay chuyến nào.

Indonesia có hàng chục hãng được thành lập mỗi năm trong đó khoảng 50% chưa bao giờ bay, phần còn lại thì đa số khai thác không hiệu quả, không có khả năng khai thác an toàn tàu bay. Ở Trung Quốc hiện nay diễn ra nhiều vụ sáp nhập các hãng nhỏ vào hãng lớn.

"Từ năm 2012 đến 2015, chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp tục cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho 2 hãng khai thác nội địa và quốc tế, một hãng chuyên vận chuyển hàng hóa, 2 hãng kinh doanh hàng không chung. Chúng tôi cũng mong muốn có những hãng thực thụ nữa tham gia khai thác thị trường nội địa như Air Mekong đang bay bằng năng lực của mình", vị đại diện Cục Hàng không chia sẻ.

"Bên cạnh cơ hội kinh doanh sẽ có nhiều khó khăn. Mặc dù hiện nay rất khó xác định đâu là thời điểm thích hợp cho hàng không tư nhân Việt Nam", chuyên gia khẳng định.


Theo
VNE

Bình luận
vtcnews.vn