Hàng không Hải Âu đang thua lỗ nặng

Kinh tếThứ Sáu, 07/08/2015 10:03:00 +07:00

Sau một năm khai phá thị trường hàng không chung bằng thủy phi cơ - vốn được đánh giá là rất nhiều tiềm năng, Hãng Hàng không Hải Âu đã phải thừa nhận đang “thua lỗ rất nặng”.

Sau một năm khai phá thị trường hàng không chung bằng thủy phi cơ - vốn được đánh giá là rất nhiều tiềm năng, Hãng Hàng không Hải Âu đã phải thừa nhận đang “thua lỗ rất nặng”.

Không dùng hết công suất

Ngay sau khi nhận hai chiếc thủy phi cơ vào tháng 8/2014 và bắt đầu khai thác phục vụ du lịch, trước mắt là tuyến Hà Nội - Hạ Long từ tháng 9/2014, Hải Âu - hãng hàng không tư nhân đầu tiên cung cấp dịch vụ thủy phi cơ tại Việt Nam công bố sẽ đón chiếc thủy phi cơ thứ ba. Đơn vị này cũng dự kiến sẽ khai trương dịch vụ thủy phi cơ du lịch tại khu vực phía Nam, bao gồm TP HCM, Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), Cần Thơ, Châu Đốc (An Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Hàng không Hải Âu hiện mới được cấp phép bay tại hai tỉnh Quảng Ninh và Bình Thuận
Hàng không Hải Âu hiện mới được cấp phép bay tại hai tỉnh Quảng Ninh và Bình Thuận 

Việc Hãng Hàng không Hải Âu ra đời với sản phẩm dịch vụ bay ngắm cảnh cùng thủy phi cơ được đánh giá là một hướng đi mới tích cực, đầy tiềm năng cho ngành Hàng không Việt Nam nói riêng và ngành Du lịch trong nước nói chung. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau một năm hoạt động, lãnh đạo Hải Âu đã phải ngậm ngùi thừa nhận đang thua lỗ rất nặng.

Hiện tại mới chỉ có hai doanh nghiệp hàng không chung có hoạt động bay là Tổng công ty Bay trực thăng VN thuộc Bộ Quốc phòng và Hãng Hàng không Hải Âu là hãng hàng không tư nhân. Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp hàng không chung khác như: Vasco, Vietstar, Blue Sky nhưng các doanh nghiệp này chưa có hoạt động bay bằng các phương tiện hàng không chung của mình. 
Được biết, hiện các cơ quan chức năng mới chỉ cấp phép bay đến và đi 2/8 khu vực mà Hải Âu xin phép là Quảng Ninh và Bình Thuận. Các tỉnh còn lại trong danh sách là Khánh Hòa, Cần Thơ, An Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện vẫn chờ Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng phê duyệt.


“Hành lang pháp lý cho các hoạt động bay hàng không chung ở Việt Nam hiện còn thiếu. Đó cũng là lý do Hải Âu đang xúc tiến tìm kiếm khả năng đưa máy bay thủy phi cơ sang Campuchia hoạt động nhằm giảm thiểu rủi ro đầu tư, kinh doanh ở VN”, ông Nam nói.

Chia sẻ với Báo Giao thông, lãnh đạo Hàng không Hải Âu thẳng thắn: “Đã là doanh nghiệp, thua lỗ thì phải chấp nhận thôi. Vấn đề chỉ là Hải Âu muốn nói ra khó khăn của mình để được tháo gỡ chính thức bằng văn bản, cụ thể hơn là bằng các Nghị định đang được xây dựng và ban hành tới đây”.

Hành lang pháp lý bị bỏ trống

Được biết, vướng mắc cơ bản nhất đối với hoạt động hàng không chung tại Việt Nam là thiếu quy hoạch, phân chia không phận ra các vùng không phận được kiểm soát và không phận phi kiểm soát; thiếu quy chế bay tầm thấp với cơ chế điều hành bay (trách nhiệm thuộc cơ quan điều hành không lưu bay) hoặc cơ chế hỗ trợ bay (trách nhiệm thuộc người điều khiển phương tiện bay), tương ứng với thủ tục xin phép bay hoặc thông báo bay.

Chia sẻ với những khó khăn của Hải Âu, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết hiện tại, những đường bay nằm ngoài đường bay hàng không dân dụng đều phải xin phép Bộ Quốc phòng mới được bay. Điều này có nghĩa là Cục Hàng không VN dù có muốn cấp phép hay không cũng đều phải chờ ý kiến của Bộ Quốc phòng.

Trước những khó khăn của hãng hàng không Hải Âu, ông Cường cũng cho biết, trong thời gian tới Cục Hàng không VN sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Quốc phòng, rà soát lại những quy định liên quan và có những đề xuất cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động hàng không nói chung và hoạt động kinh doanh của Hải Âu nói riêng.

Nguồn: Báo giao thông
Bình luận
vtcnews.vn