Hàng công nghệ cuối năm không có chuyện giảm giá!

Tổng hợpThứ Sáu, 02/12/2011 03:03:00 +07:00

Những thảm họa thiên nhiên liên tục xảy ra khiến giới chơi công nghệ điêu đứng khi hàng loạt thiết bị hoặc trễ hẹn, hoặc đột ngột tăng giá vô chừng…

   Những thảm họa thiên nhiên liên tục xảy ra khiến giới chơi công nghệ điêu đứng khi hàng loạt thiết bị hoặc trễ hẹn, hoặc đột ngột tăng giá vô chừng…

 

 

Máy ảnh, ống kính… lên giá vì động đất

Thảm họa kép tại Nhật Bản hồi tháng 3 để lại vô vàn hậu quả nghiêm trọng tới con người, môi trường sống và trong số đó là cả một cuộc khủng hoảng công nghệ. Lần lượt các hãng sản xuất máy ảnh, ống kính lớn như Nikon, Canon, Sony đều trễ hẹn cuộc chơi trước thời điểm vào hè, lúc mà nhu cầu mua sắm máy ảnh số tăng cao.

Anh Thái Sơn, đang tìm mua một chiếc máy ảnh du lịch mới tại cửa hàng hi-tech Hàng Bài lắc đầu thất vọng: “Năm nay mình muốn sắm một chiếc máy point & shot mới thay cho chiếc Sony cũ kỹ nhưng tìm mãi chẳng được mẫu nào ưng. Các model mới thì chưa về mà các model cũ thì mua không đành, giá đã không giảm lại còn tăng so với thời điểm ra mắt, thế mới nghịch lý”.

Còn anh Trung Khang, thành viên Xóm nhiếp ảnh cho biết: “Đang tính sắm thêm cái ống kính đời mới 300mm f/2.8L IS EF II thì bỗng dưng thảm họa động đất, sóng thần khiến hãng lùi lại ngày lên kệ, thế mới chán. Vậy là dự định sắm ống kính mới sang Indonesia chụp ảnh đội tuyển Việt Nam phá sản”.

Ngoài việc không có các mẫu mã sản phẩm mới, các model cũ trong nước cũng tăng giá lên một cách bất thường so với cùng kỳ các năm. Cụ thể, các model máy ảnh du lịch có mức điều chỉnh tăng từ 10 đến 15%, còn các ống kính và máy ảnh dSLR tăng nhẹ vào khoảng mức 10% tùy từng dòng máy, mẫu ống. Thậm chí, các mẫu máy ảnh không gương lật như Nikon J1 và V1 cũng mãi tới cuối tháng 11 vừa qua mới ra mắt.

Tại một phân khúc khác, TV LCD tới từ các thương hiệu Nhật Bản như Panasonic, Sharp hay Toshiba cũng đều chững lại do nhà xưởng bị tàn phá trầm trọng. Nếu như năm ngoái thị trường đón nhận sự gia nhập ồ ạt của các TV LED, 3D thương hiệu Nhật Bản thì năm nay các siêu thị gần như không có hàng mới.

Hiện tại, chỉ có ngoài một vài mẫu hàng Sony HX/EX series mà cao cấp nhất là HX925 và EX720 có mặt tại thị trường trong nước, trong khi các dòng sản phẩm XBR HX đang làm mưa làm gió trên thị trường quốc tế chưa có ngày hẹn về.

Chị Hồng Hạnh, tín đồ của phim ảnh ngậm ngùi rời siêu thị điện máy và cho biết: “Năm ngoái mình mua chiếc TV 3D NX720 của Sony với mức giá 26 triệu, năm nay EX720 40 inch cũng vẫn giá đấy mà công nghệ hình ảnh vẫn chưa có gì hơn ngoài thiết kế có vẻ đẹp hơn. Những tưởng sắm được chiếc TV 3D mới về giải trí nhưng thôi, chắc để chờ năm sau nâng cấp một thể”.

Một điều dễ thấy là, nếu năm 2010, mức giá sàn TV xấp xỉ 5 triệu đồng cho một chiếc TV LCD kích cỡ 32 inch thương hiệu Nhật Bản thì năm nay rất khó để tìm được một model với mức giá tương tự mặc dù công nghệ màn hình chưa có thay đổi hay nâng cấp đáng kể.

Thảm họa này nối tiếp thảm họa khác khi mà cuối Quý III, đầu Quý IV đất nước Thái Lan ngập trong lũ. Tưởng chừng một quốc gia chuyên gia công sẽ không mấy ảnh hưởng tới giới chơi công nghệ thì một lần nữa thị trường ổ cứng lại lâm vào cảnh điêu đứng.

Với hơn 60% ổ cứng toàn thế giới đặt nhà máy tại Thái Lan với các tên tuổi lớn như Western Digital, Seagate, nguồn cung của các sản phẩm ngày một tăng vào dịp cuối năm trong khi toàn bộ hoạt động sản xuất tại đất nước này bị đình trệ.

Anh Thanh Hải được phen toát mồ hôi hột khi nhận được báo giá ổ cứng 2 Terabyte của WD đắt gần gấp 2 lần so với hồi đầu năm anh mua. Anh nói: “Hồi đầu năm mình mua ổ cứng WD Caviar Green dung lượng 2 Terabyte chỉ khoảng 2,1 triệu mà bây giờ báo giá ở đâu cũng xấp xỉ 3,8 triệu mà lại chỉ bảo hành 2 năm thay vì 3 tới 5 năm như thường lệ. Thật ngược đời”.

Việc ổ cứng tăng giá đột ngột khiến giới dân chơi HD một phen méo mặt khi nhu cầu lưu trữ ngày một tăng trong khi giá ổ cứng leo thang chưa biết bao giờ hạ. Trung bình mỗi ổ cứng dung lượng từ 500GB đến 2TB tăng từ 80 đến 90% không loại trừ thương hiệu nào.

Theo phép tính của anh Hải, để nâng cấp hết 3 ổ cứng trong rack chứa phim HD của anh sẽ bị lạm chi thêm gần 6 triệu đồng và điều này buộc anh phải nghĩ và thay vì mua ổ mới, đành phải xóa bớt dữ liệu đang lưu trữ.

Còn anh Thành Trung, dân buôn HDbox cũng thở dài: “Mua đầu thu HD mà không có ổ cứng chứa phim thì chẳng khác nào mua xe mà không có xăng. Từ đợt ổ cứng tăng giá thì doanh số bán HDbox cũng giảm hẳn, đại lý nào cũng kêu mà chẳng biết làm sao, chỉ còn cách giảm giá HDbox để trợ giá mua ổ cứng cho khách”.

 

 

Thị trường sẽ còn trầm lắng kéo dài

Năm 2011 đã được dự báo trước là năm tiềm ẩn nhiều bất cập ở nền kinh tế với sự xuống dốc của thị trường tiêu dùng. Việc đầu năm động đất, cuối năm lũ lụt đã khiến các hãng kinh doanh công nghệ cũng như tín đồ hi-tech lâm vào cảnh lao đao với một năm đầy thất bát.

Việc sản xuất ngưng trệ sẽ kéo theo nhiều lý do mà một trong số đó chính là việc các linh kiện, vật tư cấu thành một sản phẩm hoàn chỉnh sẽ không được bàn giao đúng tiến độ.

Đơn cử như việc một chiếc máy tính xách tay sắp ra mắt trên thị trường sẽ phải tăng thêm ít nhất từ 5 đến 10% giá bởi việc ổ cứng bị đội giá lên cao bất thường. Hay đó cũng có thể việc các hãng sản xuất điện thoại di động, TV sẽ phải tăng giá bán hoặc hoãn ra mắt sản phẩm mới do các panel LCD – vốn được các hãng Nhật Bản sản xuất hay bộ nhớ Flash do thảm họa mà bị ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng.

Điều đáng nói là, theo dự đoán của ông Steve Luczo - Tổng giám đốc Seagate, việc thiếu hụt ổ cứng sẽ còn kéo dài tới cuối năm 2013. Chính vì lẽ đó, hiện tại các hãng công nghệ đều trong tình trạng bị động và đều ra mắt sản phẩm một cách nhỏ giọt và thận trọng, bởi lẽ, sau hàng loạt thảm họa thiên nhiên, họ sẽ còn phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu sâu rộng trong năm tới.

Tuy nhiên, mặc ai thiếu, ai điêu đứng kệ ai, tại thị trường Việt Nam, hiện tượng đầu cơ, găm giá đang diễn biến theo chiều hướng xấu.

Cụ thể, các đại lý đang ôm hàng từ đầu năm, trước khi xảy ra thảm họa đã và đang tung giá bán tăng bất thường, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Rất nhiều ổ cứng của Seagate, Samsung và WD hiện đang có giá bán cao hơn thực tế trong khi chế độ bảo hành lại thấp hơn do hàng găm từ đầu năm, đã trôi bảo hành.

Chị Thanh Hương, phụ trách kinh doanh ngành hàng điện tử tại một siêu thị điện máy cho biết: “Với việc các “ông lớn” vốn là những nhà phân phối cũng găm hàng trục lợi nên ngoài việc ảnh hưởng tới người tiêu dùng thì cũng khiến các đại lý bán lẻ, công ty lắp ráp máy tính OEM gặp thiệt hại nặng nề”.

Năm 2011 đã gần kết thúc nhưng có vẻ như năm nay thị trường sẽ không còn hồ hởi như mọi năm bởi sức mua, sức chờ đợi của người tiêu dùng đã dần cạn kiệt sau một khoảng thời gian đầy biến động bởi những tác nhân ngoài ý muốn.

 

 

Cảnh giác với bẫy khuyến mãi cuối năm

Một lời khuyên cho khách hàng mùa mua sắm cuối năm chính là việc đừng tin vào những báo giá khuyến mãi “khủng” tại các cửa hàng mà hãy tham khảo giá bằng phương thức “truyền thống”, tức là đi càng nhiều đại lý để khảo giá càng tốt.

Làm cách này hơi mất công và đi ngược xu thế thương mại điện tử, văn minh nhưng dù sao còn đỡ mệt hơn so với việc ‘bị’ vợ cằn nhằn vì mua hớ giá so với... ông hàng xóm.

Trong vai một người đi mua iPad 2 tặng con nhân dịp Noel, tôi đã có dịp khảo sát nhiều cửa hàng bán sản phẩm này từ những cửa hàng tự nhận là đại lý chính hãng cho tới các cửa hàng chuyên doanh hàng xách tay.

Một điều dễ thấy là, báo giá tại các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này khá... loạn giá. Có nơi chỉ khoảng 14 triệu cho phiên bản 3G/16GB nhưng cũng có nơi lên tới 17 triệu.

Nếu như nơi báo giá thấp chỉ có chương trình khuyến mãi cài đặt phần mềm thì những cửa hàng hoành tráng bán giá cao còn “hào phóng” tặng vỏ bảo vệ SmartCover trị giá cả triệu đồng hay SIM 3G tài khoản “khủng”.

Tuy nhiên, trên thực tế thì: “Mức giá 14 triệu dường như là hợp lý nhất bởi nó gần bằng với giá nhập, cửa hàng ăn lãi rất ít. Còn với giá bán 17 triệu thì rõ ràng sau khi trừ đi chi phí khoảng 100 ngàn cho SIM 3G và 1 triệu cho vỏ SmartCover thì người mua vẫn hớ gần 2 triệu đồng. Trong khi đó chính sách bảo hành iPad 2 tại Việt Nam là như nhau vì đây là sản phẩm được bảo hành toàn cầu.

Trong một tình huống khác, siêu di động LG Optimus 3D là chiếc điện thoại 3D không cần kính đang được bán trên thị trường cũng được một doanh nghiệp khuyến mãi theo hình thức “đặt trước online”, rẻ hơn hẳn 2 triệu so với giá gốc.

Nhưng trên thực tế, mức giá sau khi giảm của doanh nghiệp này tương đương 11,8 triệu, trong khi đó tại một cửa hàng di động tại phố Lê Duẩn, giá LG Optimus 3D chưa có khuyến mãi nào cũng chỉ niêm yết ở mức 11,2 triệu đồng mà thôi.

Mặt hàng TV LED 3D cũng là một trong những sản phẩm được chú ý trong mùa mua sắm năm nay. Có vẻ như việc các siêu thị điện máy lớn đưa ra chương trình kích cầu ảo đã thành căn bệnh mãn tính nên gần hầu như họ rất “chai mặt” trước những phản ánh của báo chí về vấn đề này.

Đơn cử như trường hợp smartTV LG LW5700, tại một cửa hàng điện máy khá lớn trên phố Tây Sơn đang treo giá 44,5 triệu tặng kèm đầu HDbox, giảm giá tiền mặt tức thì 5 triệu đồng và theo lời nhân viên bán hàng thì :”Anh tìm cả Hà Nội chẳng có mức giá tốt hơn thế này vì đang trong chương trình tháng khuyến mại của UBNDTP.Hà Nội nên mỗi đây có giá đó”.

Thế nhưng, không khó để khảo giá bán của sản phẩm này tại một cửa hàng khác tại Kim Mã với giá chỉ 34,5 triệu đồng kèm giá treo tường.

Lẽ dĩ nhiên, các mặt hàng vừa nêu trên đều đã loại trừ các khả năng là hàng trôi nổi, đóng mới và không có hoá đơn, không bảo hành từ chính hãng.

Một sự thực phi lý là, càng website của doanh nghiệp to, càng nhiều khuyến mãi “khủng” thì càng nhiều khả năng khách hàng mua hớ với những chương trình kích cầu ảo kiểu này.

Anh Công, một khách hàng mua TV phải bật lên nhận xét rằng: “Từ nay sẽ không tin vào các chương trình kích cầu của các trung tâm mua sắm lớn nữa. Cùng một cái TV nhưng ở các đại lý nhỏ chưa khuyến mãi đã rẻ hơn giá khuyến mãi đủ kiểu vài triệu đồng rồi thì sao còn gọi đó là ‘khuyến mãi khủng’”.

Theo đại diện của hãng phân phối điện máy cho biết: “Thực tế thì hầu như các đại lý đều được hưởng mức chiết khấu, hoa hồng ngang nhau và các chương trình khuyến mãi đều có sự trợ giúp của chính hãng. Tuy nhiên có đại lý ngoài việc dùng cả quỹ marketing và thậm chí là cả số tiền được chiết khấu khấu trừ thẳng vào giá thì cũng có nhiều đại lý chỉ áp dụng các chương trình trợ giá cơ bản và giữ nguyên giá bán nhằm tăng lợi nhuận. Về nguyên tắc, họ không vi phạm gì cả nên bản thân hãng cũng không thể phạt”.

Một điều dễ thấy là, các mức khuyến mãi mà các đại lý báo ra đều rất “ảo” với những con số chênh lệch từ vài triệu cho đến cả chục triệu đồng. Điều đáng nói là khách hàng lại rất nhạy cảm với những thông tin kiểu này bởi hầu hết giá đưa ra đều từ các đại lý uy tín và cũng là hàng chính hãng, có hoá đơn, bảo hành đầy đủ để rồi chủ quan không so giá với các cửa hàng, đại lý khác.

Khôi Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn