Hàng bình ổn “kén” khách, chợ tăng giá... vù vù

Kinh tếThứ Ba, 12/10/2010 04:47:00 +07:00

Dù chương trình bình ổn giá dịp cuối năm có sự góp mặt của 8 mặt hàng thiết yếu nhưng giá cả ở các siêu thị, chợ tại TP.HCM vẫn tăng vù vù.

Dù chương trình bình ổn giá dịp cuối năm có sự góp mặt của 8 mặt hàng thiết yếu nhưng giá cả ở các siêu thị, chợ tại TP.HCM vẫn tăng vù vù. Còn thị trường Hà Nội, đã qua các ngày Đại lễ nhưng giá vẫn bám trụ ở mức cao.


Những tưởng giá tiêu dùng tháng 9 đã “tăng hết cỡ” do là tháng mua sắm cho học sinh đến trường. Nhưng giữa tháng 10, giá cả lại tiếp tục tăng. Mức tăng phổ biến từ 10 đến 15%.

TP HCM: Nỗi lo giá gạo


Mặt hàng có giá “nóng” nhất ở TP.HCM hiện lại là gạo. Một số đại lý gạo tại quận Tân Bình, Bình Thạnh báo giá mỗi kg gạo tẻ tăng 3.000 - 10.000 đồng. Theo giá niêm yết của đại lý gạo Bình Minh, đường Nguyễn Duy (quận Bình Thạnh) bán lẻ đến người tiêu dùng gạo Tài nguyên sữa (loại 1) là 15.000 đồng đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với cuối tháng 9; gạo thơm Thái 27.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng; gạo Nàng thơm chợ đào 28.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg… Các loại nếp tăng cao hơn. Nếp nhập từ Thái Lan 30.500 đồng một kg (tăng 8.500 đồng); nếp thơm 60.000 đồng/kg (tăng 12.000 đồng).

Chị Nguyễn Thị Nhung, chủ cửa hàng gạo Nhung Lâm (đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp), than: “Chúng tôi chẳng đặng đừng tăng giá bán, chỉ vì giá mua vào quá cao”. 

Giá gạo tại TP.HCM đang "sốt". 

Tăng cùng gạo là nông sản, rau củ quả và thực phẩm. Giá rau, củ trung bình tại chợ phường 18 (quận Tân Phú) tăng từ 10 đến 15%, cá biệt có loại tăng hơn 30% như rau dền từ 2.000 đồng lên 3.000 - 4.000 đồng một bó; cà chua 8.000 đồng lên 12.000 đồng/kg. Những loại bông cải trắng, bông cải xanh tăng từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; rau thơm, rau mùi tăng chóng mặt lên 70.000 đồng/kg (trước đó khoảng 30.000 đồng). Các loại cá, thịt cũng “nhảy” khoảng 5.000 -10.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, thực tế, giá rau, củ tại chợ này tăng không đáng kể, do sức mua không tăng. Nhưng giá tại các chợ lẻ tăng, do người bán tự nâng giá và “cộng các khoản phí”. Riêng giá gạo, ban quản lý các chợ Vườn Chuối, Nguyễn Văn Hai, Bà Chiểu đều xác nhận tăng mạnh.

Hà Nội: Giá vẫn bám trụ ở mức cao

Sáng 11/10, giá thực phẩm tại các chợ Hà Nội vẫn “bám” mức giá đã bị đẩy lên cao trong dịp Đại lễ. Tại chợ Thái Thịnh (quận Đống Đa), dưa chuột vẫn được bán với giá 10.000 đồng/kg (trước lễ 8.000 đồng), cải ngồng, cà chua 15.000 đồng/kg... Các loại thịt, cá cũng bị giữ nguyên mức giá chót vót: thịt bò 150.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ 65.000 đồng/kg, tôm sú loại bé 180.000 đồng/kg...

Theo chị Tuyết, tiểu thương chợ Thái Thịnh, lượng cung hàng đã phong phú hơn rất nhiều, không còn khan hiếm như dịp Đại Lễ, do các xe vận chuyển được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, giá cả hầu như chưa giảm, chỉ có một, hai loại rau giảm nhưng không đáng kể. Theo tính toán của chị Tuyết, từ ngày 1/10 tới nay, hàng thực phẩm tươi sống đã tăng giá khoảng 10 – 15% so với bình thường. “Khoảng 2-3 ngày nữa, rau, thịt, cá mới quay lại được giá trước Đại lễ. Nhưng mức đó sẽ chỉ ổn định trong thời gian ngắn, rồi sẽ lại nhỉnh giá tiếp”, chị Tuyết dự báo.

Hàng bình ổn… “kén” khách

Đáng chú ý là hàng “bình ổn” trong Chương trình bình ổn thị trường 2010 và Tết Tân Mão 2011 của TP.HCM, vẫn không “hút” khách. Khảo sát tại một số điểm bán hàng bình ổn giá, thì các điểm này khá vắng khách. Như điểm bán hàng của Co.op Mart tại đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chị Trần Thị Mai Linh, một khách mua hàng, nhận xét: “Giá thì vừa lòng mà sự chọn lựa thì không được vừa lòng”. Nguyên nhân là chương trình bình ổn ở đây, gạo tẻ chỉ có hai sự lựa chọn: gạo tẻ thường và gạo tẻ thơm (giá 8.500 đồng/kg và 16.300 đồng/kg). Thịt gia súc cũng chỉ có thịt heo ba rọi, thịt heo đùi hoặc thịt bò thăn, thịt bò đùi…

Có quá ít sự lựa chọn và giá cả cũng không “chênh thị trường bao nhiêu”, đã khiến nhiều người ngại đến các điểm bình ổn giá. “Nếu vào siêu thị, chọn được món hàng nào “bình ổn giá”, thì tôi lấy luôn, chứ không đến các điểm bán hàng bình ổn riêng lẻ để mua”, chị Phan Thị Thùy Dương (quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết. Cũng theo chị Dương, thịt heo ba rọi, giá bình ổn cũng đến 70.000 đồng/kg, mua ở chợ cũng “tương đương”, nên chị không chọn các điểm “bình ổn giá” là do vậy.


Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty TNHH lương thực TP.HCM, cho biết, mặc dù giá gạo xuất khẩu tăng cao nhưng lượng gạo xuất khẩu đã được cân đối với nhu cầu tại thị trường trong nước, nên nguồn cung gạo cho thị trường vẫn dồi dào.


Theo Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn