Hàn Quốc tranh cãi nảy lửa về kế hoạch di dời thủ đô

Tư liệuThứ Năm, 24/06/2010 01:30:00 +07:00

(VTC News) - Giới cầm quyền vẫn tiếp tục theo đuổi đường lối giữ nguyên thủ đô Seoul và sẽ đưa dự án sửa đổi này ra phiên họp toàn thể của Quốc hội.

(VTC News) -  Hãng thông tấn Yonhap ngày 23/6 đưa tin, Ủy ban thường vụ Quốc hội Hàn Quốc ngày 22/6 đã bác Dự án sửa đổi về thành phố Sejong của Nội các Tổng thống Lee Myung-bak, với 12 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Trong khi đó, giới chức cầm quyền vẫn tiếp tục theo đuổi đường lối giữ nguyên thủ đô Seoul chứ không dời đô xuống Sejong, và sẽ đưa dự án sửa đổi này ra phiên họp toàn thể của cơ quan lập pháp tối cao Hàn Quốc. 

Ủy ban Thường vụ quốc hội Hàn Quốc nhóm họp ngày 22/6/2010 bác bỏ dự án phát triển thành phố Sejong sửa đổi. 

Trong cương lĩnh tranh cử Tổng thống Đại Hàn dân quốc của mình, ông Roh Moo-hyun đã đưa ra phương án di dời thủ đô hành chính từ Seoul hiện nay xuống khu vực Yeongi-Gongju tỉnh South Chungcheong, cách thủ đô hiện thời 150 km về phía Nam.

Một kế hoạch dời đô hoành tráng được lập tức khởi động sau khi ông Roh Moo-hyun lên nắm quyền, và nó đã được thông qua vào tháng 12/2003. Gần một năm sau, ngày 11/8/2004 Nội các Roh Moo-hyun đã chính thức công bố quyết định dời đô và đặt tên thủ đô mới là Sejong, tên vị vua nổi tiếng được cho là người sáng tạo ra hệ thống ký tự chữ Hàn.

Lý do của việc dời đô xuống phương Nam mà chính quyền cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đưa ra là làm giảm khoảng cách phát triển vùng miền, sự mất cân đối giữa thành thị với nông thôn, giải quyết áp lực gia tăng dân số đang đè nặng lên Seoul và nâng cao năng lực cạnh tranh, sức mạnh tổng hợp của đất nước. 

Nếu kế hoặc sửa đổi của Tổng thống Lee Myung-bak không được thông qua, thủ đô của Hàn Quốc sẽ được chuyển từ Seoul đến Sejong vào năm 2012. 

Theo kế hoạch này, thủ đô trong thung lũng sẽ được đặt 85 cơ quan hành chính đầu não, bao gồm văn phòng Tổng thống, văn phòng Quốc hội, Tòa án tối cao, chính phủ và các bộ ngành chủ chốt. 
 

Sau khi hoàn tất các bước chuẩn bị, việc dời đô sẽ được bắt đầu từ năm 2012 và hoàn thành trong năm 2030. Tuy kế hoạch này được thông qua thuận lợi nhưng vẫn vấp phải không ít ý kiến phản đối trong dư luận xã hội Nam Hàn.  

Năm 2008 Lee Myung-bak trúng cử Tổng thống Hàn Quốc đã lập tức bắt tay vào việc chỉnh sửa dự án dời đô (từ Seoul sang hẳn Sejong) của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, theo hướng giữ nguyên thủ đô là Seoul.  

Sân bay quốc tế Incheon ở thủ đô Seoul. (Ảnh minh hoạ). 

Những người phản đối cho rằng, việc thực hiện đại dự án dời đô là không cần thiết, lãng phí tài nguyên của đất nước. Nội các Tổng thống Lee Myung-bak giải thích, có nhiều biện pháp để thu hẹp khoảng cách vùng miền, đảm bảo tính công bằng trong hưởng thụ thành quả phát triển giữa người dân thành thị với nông thôn, thay vì dời đô.
 

Đầu năm nay, ngày 11/1/2010, Nội các Hàn Quốc đã công bố bản kế hoạch phát triển thành phố Sejong sửa đổi, theo đó thủ đô vẫn là Seoul nhưng sẽ đầu tư phát triển Sejong thành một trung tâm kinh tế lấy khoa học và giáo dục làm mũi nhọn, với tổng mức đầu tư 16,5 nghìn tỷ won (tương đương 14,6 tỷ USD).  

4 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước này bao gồm Samsung, Hanwha, Woongjin và Lotte đã ký một thỏa thuận di dời một số cơ sở của tập đoàn đến thành phố Sejong và dự kiến đầu tư khoảng 4,5 nghìn tỷ won (4 tỷ USD) để xây dựng các cơ sở sản xuất và nghiên cứu.

Cơ sở hạ tầng đang được đầu tư xây dựng tại Sejong - thủ đô tương lai của Hàn Quốc theo phương án của cố Tổng thống Roh Moo-hyun (đã được thông qua vào tháng 11/2003). 

Theo Thủ tướng Chung Un-chan, Chính phủ Hàn Quốc dự tính đến năm 2020 Sejong sẽ phát triển thành một thành phố hoàn chỉnh với dân số khoảng 500,000 người và sẽ tạo ra 246,000 việc làm mới. 
 

Tuy nhiên, ngày 22/6, khi dự án sửa đổi này bị phủ quyết tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có 2/3 thành viên ủng hộ quan điểm dời đô), ông Chung Un-chan cho biết đây là dự án lớn, liên quan đến tiền đồ và vận mệnh quốc gia cần được đưa ra phiên họp toàn thể của Quốc hội thảo luận.

Đại diện các tập đoàn kinh tế lớn dự định đầu tư xuống Sejong đang theo dõi chặt chẽ diễn biến từ Quốc hội Hàn Quốc. Họ cho biết sẽ phải cân nhắc lại quyết định đầu tư xuống Sejong nếu Quốc hội bác bỏ dự án sửa đổi của Chính phủ. 
 

Thành phố Sejong nằm cách Seoul khoảng 150 km về phía nam. 

Theo dự án sửa đổi phát triển Sejong thành trung tâm kinh tế, các tập đoàn lớn được hưởng nhiều ưu đãi lớn về thuế, đất đai mặt bằng sản xuất, bởi đề án sửa đổi đã lập hẳn quy hoạch xây dựng vành đai công nghiệp – thương mại công nghệ cao tại Sejong.

Theo Luật tổ chức Quốc hội của Hàn Quốc, chỉ cần có 30 nghị sỹ đồng loạt yêu cầu thì dự án này mặc dù đã bị Ủy ban thường vụ bác bỏ vẫn có thể được đưa ra xem xét tại phiên họp toàn thể Quốc hội và biểu quyết lại.

Tuy nhiên, giới phân tích chính trị Seoul cho rằng Nội các của ông Lee Myung-bak khó có thể lội ngược dòng bởi hiện tại trong Quốc hội chỉ có khoảng 120 nghị sĩ đảng Đại quốc gia ủng hộ đề án sửa đổi, trong khi 120 nghị sỹ của các đảng đối lập cộng thêm 50 nghị sỹ đảng Đại quốc gia nhưng thân phe bà Park Geun-hye, một chính trị gia đối lập với ông Lee Myung-bak trong chính đảng của mình sẽ phản đối dự án sửa đổi trên.

Hồng Vũ (Theo Yonhap)

Bình luận
vtcnews.vn