Hạn chế phương tiện cá nhân, dân đi bằng gì?

Thời sựThứ Hai, 29/08/2011 03:18:00 +07:00

(VTC News) - "Chưa có metro, chưa có tàu điện trên cao, xe bus chưa thuận lợi mà hạn chế phương tiện cá nhân, dân lấy gì mà đi?" - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.


(VTC News) - “Muốn hạn chế phương tiện cá nhân thì phải làm từng bước. Trong khi chưa có metro, chưa có tàu điện trên cao, một số tuyến buýt nội đô không thuận lợi mà hạn chế phương tiện cá nhân, dân lấy gì mà đi?”, ông Linh đưa quan điểm.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, bên lề Hội thảo bàn giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Về phương án hạn chế phương tiện cá nhân, ông Linh nói:

Những đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đề án quản lý taxi, đề án bố trí sắp xếp, điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố, cũng như đề án tuyến phố đi bộ đã và đang được xây dựng, đều hướng tới việc góp phần hạn chế phương tiện cá nhân.

Tuy nhiên, muốn hạn chế phương tiện cá nhân thì phải làm từng bước. Trong khi chưa có metro, chưa có tàu điện trên cao, chưa có tuyến buýt nhanh (BRT), một số tuyến buýt nội đô chưa thuận lợi lắm, mà hạn chế phương tiện cá nhân thì người dân lấy gì để đi?

Không thể nói hạn chế phương tiện cá nhân để phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng, mà 2 việc này phải được tiến hành đồng bộ, song song. Khi người dân không đi phương tiện cá nhân, phải có phương tiện công cộng. Có thế thì việc hạn chế phương tiện cá nhân mới nhận được sự đồng thuận của người dân, mới thành công được.

Đây là một bài toán khó, nhưng khó mấy cũng phải làm. Thành phố văn minh thì phương tiện vận tải hành khách công cộng phải là chính.

- Phát triển giao thông công cộng cần rất nhiều thời gian, cũng có nghĩa là còn rất lâu nữa thì phương tiện cá nhân mới bị hạn chế?

Như tôi đã nói, hạn chế phương tiện cá nhân phải được tiến hành song song với phát triển vận tải hành khách công cộng. Khi một số yếu tố về hạ tầng của mình có thể đáp ứng được, cụ thể là khi có một số tuyến đường sắt, đường xuyên tâm, trục chính… đi vào hoạt động thì mình có thể tiến hành hạn chế từng bước.

- Liệu các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy sẽ được hạn chế bằng các lệnh cấm?

Làm gì thì làm nhưng cũng phải đúng quy định của pháp luật, không thể cấm quyền sở hữu tài sản của người dân. Chỉ có thể đưa ra những quy định về hoạt động của những phương tiện đó, từ những quy định này sẽ làm cho người dân cảm thấy là không nên sử dụng phương tiện cá nhân nữa.

Trước hết phải tạo điều kiện cho người dân, có phương tiện giao thông cho người dân sử dụng, mới tiến hành các bước hạn chế. Chẳng hạn như hạn chế theo giờ, các phố không được đỗ xe… Nếu không có điểm đỗ, việc đi lại bằng phương tiện cá nhân không thuận tiện, người dân sẽ phải lựa chọn phương tiện vận tải công cộng.
Xe buýt vượt đèn đỏ, bỏ bến, nhiều lái xe hành xử thô lỗ, hành hung khách, bị nhiều người tẩy chay, nhưng vẫn được các nhà hoạch định chính sách coi là phương tiện thay thế xe cá nhân. Ảnh: Lê Việt 


- Ông nghĩ như thế nào về những đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách tăng phí, cấm lưu thông vào một số giờ cao điểm, tuyến phố cấm?


Đấy chỉ là các biện pháp đề xuất, còn các đề xuất đấy có phù hợp hay không, và áp dụng trong giai đoạn nào thì còn phải tính. Cần phải nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là ý tưởng, chưa thành đề án được phê duyệt. Khi nào được phê duyệt thì mới đảm bảo tính pháp lý để áp dụng.

- Những năm gần đây, lượng hành khách đi xe buýt có tăng, nhưng không tăng nhiều như thời gian đầu, có thể nó đã đạt “ngưỡng tối đa”. Vậy làm sao để xe buýt có thể tăng khối lượng vận chuyển?

Đây là vấn đề đặt ra với các nhà quản lý, các doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải bằng xe buýt. Trên thực tế, nếu Hà Nội không mở rộng ra cả Hà Tây thì xe buýt nội đô thực sự đã phát triển tới ngưỡng.

Sắp tới, Sở sẽ đề nghị Thành phố phối hợp với các tỉnh lân cận để tăng cường các tuyến buýt kế cận. Các tuyến buýt này chính là giải pháp giúp giảm lượng phương tiện cá nhân từ các tỉnh vào.

Tuy nhiên, các tuyến buýt kế cận này hoạt động theo hình thức kinh doanh nên giá vé hiện tại còn cao, chưa thu hút nhiều hành khách. Sắp tới sẽ phải xem xét, tính toán xem phối hợp giữa các tỉnh với nhau như thế nào? Cần ưu tiên những buýt kế cận phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Lê Việt (ghi)


Bình luận
vtcnews.vn