"Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu..."

Thể thaoThứ Bảy, 31/03/2012 03:24:00 +07:00

“Ta yêu, thành phố quê ta như yêu chính người thân yêu nhất”. “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”. Những ca từ thật da diết, đủ sức lay động...

“Ta yêu, thành phố quê ta như yêu chính người thân yêu nhất”. “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”. Những ca từ thật da diết, đủ sức lay động những khán giả không phải quê Hải Phòng.

Khán giả bóng đá Hải Phòng cũng thật tuyệt vời. Tiếc thay, đội bóng của họ đang đi vào ngõ cụt, cửa rớt hạng đang thênh thang. Nếu Hải Phòng “cúi đầu”, đấy là bi kịch, là tổn thất không chỉ cho bóng đá thành phố cảng.

Tấm gương bóng đá

Trao đổi với Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Ngô Hòa nói khe khẽ năm nay chọn Thừa Thiên-Huế tổ chức năm du lịch quốc gia là hợp lý, chứ nếu để Hải Phòng như kế hoạch ban đầu thì buồn lắm.

Thời gian qua, lãnh đạo Hải Phòng đã phải mất tâm lực lẫn thời gian để giải quyết những sự việc tác động quá sâu sắc đến thành phố hoa phượng đỏ. Do đó, sự quan tâm sít sao với đội bóng không được như trước là chuyện dễ hiểu. Bóng đá Hải Phòng lâu nay đã quá quen vào việc bao cấp đậm đặc, trong đó dấu ấn của lãnh đạo thành phố quá rõ. Năm ngoái, khi nước ngập đến cổ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông Lê Văn Thành, đã phải xuống đế làm “cố vấn” cho đội bóng nhằm thoát ra khỏi cửa tử, dù vị lãnh đạo này không phụ trách khối Văn - Thể.

 Cỗ vũ "chất" như CĐV Hải Phòng.

Tuy thế, từ năm 2008, ông Thành, nguyên Giám đốc Công ty Xi măng Hải Phòng, được dân bóng banh gọi vui là bầu Thành. Bầu Thành đã bung tiền để mong biến Hải Phòng thành một thế lực như biểu con rồng xanh của Công ty Xi măng Hải Phòng. Được sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính của bầu Thành, bóng đá Hải Phòng nhanh chóng nổi như cồn, được liệt vào hàng đại gia.

Phải nói rằng, bóng đá cũng chắp cánh cho tên tuổi bầu Thành thêm nổi, nên việc ông được bầu bổ sung vào chức danh Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng năm 2010 cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều fan bóng đá Hải Phòng. Kết thúc mùa giải 2010, Hải Phòng xếp ngôi á quân. Trận đấu cuối cùng trên sân Lạch Tray, họ ăn mừng chiến tích đó còn rầm rộ hơn cả Hà Nội T&T trên Thủ đô. Niềm vui ngắn chẳng tày ngang!

Cái chết được báo trước

Ai ngờ đến năm 2011 thì mọi thứ đã xoay chuyển với bóng đá Hải Phòng. Ông Thành không thể còn nhiều thời gian để theo sát đội. Chế độ đãi ngộ với đội bóng cũng giảm nghiêm trọng. Công ty xi măng chỉ góp mặt với tư cách là nhà tài trợ. Đầu mùa, họ chuyển cho Vicem Hải Phòng một khoản tiền nhất định mà chẳng cần quan tâm, giám sát xem số tiền đó được đầu tư thế nào. Thành phố Hải Phòng có kế hoạch dành một khoản tiền tới 20 tỷ đồng cho đội bóng nhưng chờ đợi mãi, số tiền này vẫn không đến đủ.

Phải tới cuối giai đoạn hai, khi đã nguy ngập, đội mới được vài trăm triệu đồng cho một trận thắng. Cầu thủ trong đội đã quen lãnh lương thưởng cao, nên đầu mệt, chân mỏi là chuyện dễ hiểu. Giải pháp mà “cố vấn” Lê Văn Thành triển khai đấy là treo thưởng 10 tỷ đồng cho 4 trận đấu cuối, nếu trụ hạng thành công. Kết quả hiệu ứng từ cú dopping tiền vô tiền khoáng hậu đó với Hải Phòng và sân chơi V-League 2011 thế nào ai cũng rõ.

Có nghĩa, cách làm bóng đá của Hải Phòng vẫn là ăn xổi, dùng tiền đấu tiền. Tiềm lực kinh tế của Hải Phòng sao sánh nổi với nhiều khu vực, đặc biệt với cơ chế thông thoáng, sự chủ động về giải giáp kinh phí của các đội bóng đang do ông bầu sở hữu.

Việc thay ngựa giữa dòng, trải thảm đón huấn luyện viên Lê Thụy Hải về với lương khủng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Ai cũng phải thừa nhận ông Hải “lơ” giỏi. Có điều, một mình ông Hải không thể vực được một tập thể đã yếu hệ thống, nhất là trong khát vọng vượt giới hạn, niềm tin vào một tương lai tươi sáng của bóng đá đất cảng.

Nếu Hải Phòng cúi đầu...

“Chào mừng đến địa ngục”, sân Lạch Tray đã từng gây sốc với tấm băng rôn đó. Thực ra, nếu hiểu linh động hơn thì có thể “chuyển ngữ” nội hàm của thông điệp trên: Lạch Tray xứng đáng là thánh địa bóng đá. Người Hải Phòng, với tình yêu lẫn độ chung tình với đội nhà, họ có quyền lập ngôn mình xứng đáng được vinh danh.

Bản thân Ban kỷ luật mỗi khi đưa ra những quyết định phạt sân Hải Phòng, đều cân nhắc rất kỹ lưỡng, thậm chí có phần nương tay. Đơn giản bởi họ sợ làm mất đi một phong trào.

Tình yêu của khán giả Hải Phòng với bóng đá nói chung, với Hải Phòng của họ nói riêng, là không cần phải kiểm chứng. Thế nên, nếu những chiến lược gia của bóng đá đất cảng cứ để đội bóng mãi sa sút thế này, thật có tội với fan bóng đá quê nhà.

Lạch Tray bây giờ, với các đội, chẳng còn khái niệm “địa ngục” như nghĩa đen. Nói thế bởi họ đá trên sân nhà chỉ thắng 1 trận trước Khatoco Khánh Hòa, còn lại 3 trận hòa và 1 thua. Các học trò của huấn luyện viên Lê Thụy Hải đang bị sức ép đè nặng khiến không còn là mình. Cú sút phạt đền hỏng ăn của Đình Tùng trong trận gặp Becamex Bình Dương là biểu hiện rõ nhất. Nó thể hiện sự bế tắc, cùng quẫn, mất niềm tin vào khả năng của mình. Người Hải Phòng đến sân vẫn đông, có điều nỗi thất vọng với đội nhà đã lên đến đỉnh điểm.

Bóng đá ta, để xây dựng một phong trào cổ vũ bóng đá có bản sắc như Hải Phòng không phải là chuyện đơn giản. Sau trận thua đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Khatoco Khánh Hòa, khả năng rớt hạng của Vicem Hải Phòng đã quá cao. Việc lãnh đạo đội bóng này lại tiếp tục dùng những chiêu cũ để giải cứu đội nhà, đấy vẫn chỉ là việc đối phó. Điều mà người hâm mộ bóng đá đất cảng cần, là đội bóng phải được đầu tư căn cơ hơn.

Với người dân đất cảng, danh dự là quan trọng. Đội bóng nhà đang làm cho họ “mất số” trong làng bóng đá nội địa, quả là không dễ chịu chút nào. Nếu Hải Phòng xuống hạng, tiếc quá!

Theo TT&VH 

Bình luận
vtcnews.vn