Hai người mẹ của cô bé “đặc biệt” nhất cuộc thi IOE

Tổng hợpThứ Năm, 06/01/2011 10:22:00 +07:00

(VTC News)- Khi nghe cô Ngô Thị Phin, Hiệu trưởng trường THCS Bình Khê kể về hoàn cảnh của Nhung, nhiều cô giáo đã không cầm nổi nước mắt...

(VTC News) - Khi nghe cô Ngô Thị Phin, Hiệu trưởng trường THCS Bình Khê kể về hoàn cảnh của Nhung, nhiều cô giáo đã không cầm nổi nước mắt...

Túp lều trong rừng và "người mẹ thứ 2"

Trong buổi sáng một ngày cuối năm 2010, đoàn xe của chúng tôi về thăm gia đình em Nguyễn Thị Hồng Nhung, thành viên thứ 1 triệu của cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) tại xã Bình Khê, huyện Đông Triều, Quảng Ninh.

Nhung cùng mẹ và bà.


Khi nghe tin chúng tôi về, lãnh đạo  Phòng GD&ĐT huyện Đông Triều đã hồ hởi cho biết: “Đây là vinh dự và cũng là may mắn của địa phương. Thật tình cờ, thành viên thứ 1 triệu của cuộc thi lại là một em học sinh đặc biệt nhất của trường”.

Có lẽ hoàn cảnh của Nguyễn Thị Hồng Nhung, học sinh lớp 9E đã không còn xa lạ gì với những giáo viên của trường tiểu học và THCS Bình Khê nhưng nhiều cô giáo đã không cầm  được nước mắt khi nghe cô Ngô Thị Phin, Hiệu trưởng trường THCS Bình Khê kể lại về hoàn cảnh của Nhung. Giọng cô Phin nhiều lúc cũng nghẹn lại.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ của Nhung là một người tật nguyền, việc đi lại phải nhờ vào hai thanh gỗ thay cho chiếc nạng. Ngày chị Hạnh ra đời cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng sau một cơn sốt kéo dài, chị Hạnh đã vĩnh viễn không thể đi lại như người bình thường. Bà Nguyễn Thị Kha đã khóc hết nước mắt vì thương cô con gái. Bà đã tìm mọi cách để chữa chạy, thậm chí bán cả nhà lấy tiền phẫu thuật nhưng kết quả chỉ càng khiến bà phải đau lòng.  Nhiều món nợ từ ngày đó, đến giờ bà Kha vẫn chưa trả hết...

Mẹ Nhung đi lại nhờ vào hai thanh gỗ.


Khi chị Hạnh sinh Nhung, có người biết đến đặt 8 triệu đồng để được nhận cô bé về làm con nuôi nhưng bà Kha nhất định không đồng ý với suy nghĩ: "Nhà tôi có nghèo nhưng vẫn cố nuôi được cháu". Bà Kha cho biết, ngày đó với số tiền đó cả gia đình có thể mua được một căn nhà rộng ở dưới thôn, không phải chui lủi trong túp lều rách nát ở sâu trong rừng. Nhà không có cơm ăn, bà vẫn phải thường xuyên động viên con cố gắng ăn nhiều sắn để có sữa cho cháu bú.

Khi Nhung mới chỉ được 3 tháng tuổi, bà Kha đã phải đón 2 mẹ con Nhung về túp lều của gia đình nằm sâu trong rừng. Từ túp lều gia đình bà sinh sống đi ra đến trung tâm xã cũng phải qua 11 dốc núi đồi. Bà Kha vẫn còn nhớ năm đó có 2 trận lũ liên tiếp đã khiến cho gia cảnh đã nghèo lại càng thêm khánh kiệt. Lũ về trong đêm khiến cả gia đình bà chẳng kịp trở tay. Túp lều của gia đình đổ xiêu vẹo, gà lợn thì bị lũ cuốn trôi. Bà Kha cuống cuồng gọi thất thanh: “Ông ơi cháu nó đâu rồi, con nó đâu rồi”. Lật mấy tấm gỗ chồng lên nhau, bà thở phào nhẹ nhõm khi thấy chị Hạnh ôm Nhung nằm co quắp dưới tấm gỗ lớn. “Cũng may cả hai mẹ con đều bình an vô sự", bà Kha xúc động nhớ lại.

Khi trời nhá nhem tối, chúng tôi vào căn nhà của anh Vi Minh Đức, em ruột của chị Hạnh nơi Nhung và mẹ đang sống. Căn nhà nhỏ chỉ có một bộ bàn ghế cũ kĩ là nơi sinh sống của đại gia đình Nhung. Anh Minh tâm sự: “Cả hai vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp, hết việc đồng áng lại kiếm việc làm thêm để có tiền nuôi cháu ăn học”. 


Chị Hạnh nhớ lại: “Có nhiều lúc nhìn thấy con thiếu thốn nghĩ rất tội. Có lần bà đi chợ về mua cho cháu cái kẹo nhưng bảo thế nào cháu cũng không dám ăn vì  cháu chưa bao giờ nhìn thấy viên kẹo nhiều màu sắc đến thế.”

Khóc vì thiếu 1 giỏi

Lần đầu tiên năm lớp 2 khi Nhung giành được giải 3 cuộc thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện cô bé  vui như tết. Từ đầu ngõ, em nhảy chân sáo hớn hở về khoe với mẹ. Chị Hạnh vui sướng ôm con vào lòng rồi hai mẹ con cùng khóc. “Đấy là thành công đầu tiên của cháu. Cả huyện mới chỉ có vài cháu đạt giải nên gia đình rất tự hào về Nhung”, Chị Hạnh tự hào.

Chị Hạnh vẫn còn nhớ hết học kỳ I năm học lớp 5, đi từ đầu con ngõ nhỏ, thấy mẹ đang đứng trước cổng chờ, Nhung đã bật khóc. Em chầm chậm đi về phía mẹ, đỡ tay mẹ  vào nhà nhưng miệng vẫn thút thít vì học kỳ đó, Nhung chỉ đạt học sinh tiên tiến. Nhưng học kỳ II, Nhung đã “sửa sai” bằng thành tích học sinh giỏi toàn diện cả năm học.

Cô Dương Thị Phượng, giáo viên dạy tiếng Anh của Nhung từ lớp 6 đến lớp 8 và trực tiếp chỉ đạo đội tuyển thi IOE của trường chia sẻ kỷ niệm với cô học trò nghèo hiếu học: “Nhiều hôm gặp bài tiếng Anh khó, dù đã tối muộn nhưng Nhung vẫn mang sách sang nhờ mình giảng bài. Cô trò vì vậy cũng thân thiết như những người trong nhà. Nhiều lần hai cô trò tâm sự cả buổi về gia đình. Nhung rất buồn vì không có bố. Em khao khát có bố để được bố đi họp phụ huynh như bao bạn bè cùng trang lứa”.

Từ khi sinh ra, Nhung đã lớn lên trong tình yêu của mẹ, sự chở che của bà và cậu. “Từ bé em đã sống cùng bà. Thương em nên bà đã phải đi  làm ô sin tận Hòn Gai để có tiền nuôi em ăn học. Mẹ em đi làm thêu ở Hòn Gai nhớ em lắm nhưng 3 tháng mới về thăm nhà một lần vì mẹ gắng tiết kiệm tiền để cho em ăn học. Sau này em muốn trở thành bác sỹ để chữa khỏi chân cho mẹ và chữa bệnh cho nhiều người dân nghèo quê em”, Nhung tâm sự.
 
Thành tích học tập của Nguyễn Thị Hồng Nhung, lớp 9E trường THCS Bình Khê, Đông Triều, Quảng Ninh

8 năm liền là học sinh giỏi toàn diện của trường tiểu học và THCS Bình Khê
Giải ba kỳ thi “Viết chữ đẹp” huyện Đông Triều năm học lớp 2
Giải nhì kỳ thi “ Viết chữ đẹp” huyện Đông Triều năm học lớp 5
 Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn