Hai cô gái hẹn 'huyết chiến' trên phố Nguyễn Huệ: Vì đâu nên nỗi?

Giáo dụcThứ Sáu, 07/08/2015 10:38:00 +07:00

Chuyên gia giáo dục đã lý giải những nguyên nhân dẫn tới những hành động ngông cuồng, dại dột của giới trẻ trong thời gian qua.

(VTC News) – Chuyên gia giáo dục đã lý giải những nguyên nhân dẫn tới những hành động ngông cuồng, dại dột của giới trẻ trong thời gian qua.

Khoảng 19h ngày 3/8, hai cô gái có tên trên Facebook là V.H.T.V và H.V hẹn nhau “huyết chiến” trên mạng xã hội, rồi kéo xuống phố đi bộ Nguyễn Huệ để giải quyết mâu thuẫn.

Sự việc xảy ra hàng trăm người hiếu kỳ đến xem khiến các tuyến đường dẫn vào phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ bị ùn ứ, kẹt xe nghiêm trọng.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 kẹt cứng chỉ vì cuộc hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn giữa hai cô gái trên Facebook

Xung quanh vấn đề này, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ với VTC News bài viết lý giải nguyên nhân của những hành động ngông cuồng vừa qua của giới trẻ.

“Khi được hỏi ý kiến về vụ việc thiếu nữ hẹn hò đánh nhau tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, tôi cho rằng: “Lũ trẻ đáng thương và người lớn đáng giận. Tại sao lại thế?”.

Nếu nhìn nhận vụ việc này ở góc độ xa và sâu hơn, chúng ta có thể thấy đây là hiện tượng đã được báo trước.

Cùng với các vụ án đủ loại mà thủ phạm là giới trẻ, đã đến lúc chúng ta phải nhìn rõ nguyên nhân và tìm hướng khắc phục. Những vấn đề ngày nay mà giới trẻ gặp phải đến từ mấy nguyên nhân sau.

Thiếu khát vọng, lý tưởng sống

TS Vũ Thu Hương
TS Vũ Thu Hương  
Nói cho khách quan, thời điểm chiến tranh liên miên, thanh niên còn thoải mái tư tưởng hơn ngày nay. Thời gian đó, các thanh thiếu niên đã được định hướng sẵn lý tưởng sống dành cho quê hương đất nước.


Lý tưởng đó, mục tiêu đó đã giúp họ dám sống, dám hi sinh. Lý tưởng đó, mục tiêu đó đã giúp họ vượt qua đau đớn, gian khổ một cách dễ dàng.

Lý tưởng đó đã đem đến cho họ khát vọng sống, khát vọng mang lại hòa bình, hạnh phúc cho quê hương.

Ngày nay, thanh niên lớn lên với sự đủ đầy về vật chất, sự chăm sóc đến tận răng và chế độ học hành thiên lệch. Những điều này đã tạo ra hàng vạn cậu ấm, cô chiêu lớn lên sợ cả cái bóng của chính mình, hoang mang trước tương lai và rõ ràng là thiếu đi lý tưởng và khát vọng sống.

Nếu hỏi thanh niên Việt Nam ngày nay về điều này, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được phần lớn là những cái lắc đầu.

 Các em chỉ biết học, chỉ biết cố gắng vào đại học để sau đó ra kiếm một chỗ làm là phần nhiều. Sống cho ai, sống vì lý tưởng gì đang là một bài toán gây đau đầu cho hàng vạn thanh niên thế kỉ 21.

Thiếu định hướng lý tưởng và khát vọng sống, các em hàng ngày sau giờ học tập và làm việc, loanh quanh chạy chơi hoặc lên mạng tán gẫu, khoe khoang những thứ linh tinh, ném đá, phá phách…

Thiếu lý tưởng sống, nhiều khi các em không biết sống để làm gì, gặp chút vấn đề khó khăn hoặc đơn giản chỉ là chia tay bạn trai, các em cũng có thể nhanh chóng tìm đến những hành động tiêu cực.

Như vậy, những phản ứng dở hơi tầm phào của thanh niên ngày nay phải chăng xuất phát từ nguyên nhân này. Có lẽ các bậc làm cha, làm mẹ, làm thày, làm cô cần đầu tư suy nghĩ và nhanh chóng sửa sai càng sớm càng tốt.

Thiếu kiến thức pháp luật

Giáo dục của chúng ta đã đi được chặng đường rất dài nhưng vẫn có quá nhiều những lỗ hổng kiến thức, kĩ năng mà chúng ta chưa xử lý được. Một trong số đó là kiến thức pháp luật.
Các đối tượng quá kích lần lượt bị áp giải về phường
Các đối tượng quá kích lần lượt bị áp giải về phường  
Chưa nói đến vụ việc 2 cô gái khó chịu nhau, hẹn nhau ra xử, kích động đám đông đi theo cổ vũ, chúng ta đang ngày ngày chứng kiến những vụ án mà thủ phạm hoàn toàn lơ ngơ về pháp luật.

Các bạn trẻ ngày nay đi ra đường lao xe lung tung cũng không biết mình đi có đúng hay sai. Khi yêu thương nhau, các bạn cũng không biết tuổi nào được quan hệ với nhau mà không bị pháp luật xử lý.

Khi cáu lên, các bạn rủ nhau đi đánh ghen, đánh dằn mặt mà cũng hoàn toàn bất ngờ khi biết mình đang vi phạm pháp luật.

Thiếu kiến thức, các bạn hành động ngờ nghệch lơ ngơ đến mức đáng thương. Khi xảy ra đại họa, các bạn chỉ còn biết khóc lóc, choáng váng khi mình trở thành đối tượng gây án.

Học nhiều, bằng cấp không thiếu, những kĩ năng sống và kiến thức pháp luật của các bạn trẻ vẫn là những mảng trắng khiến các bạn có học mà như không. Hành vi của các bạn không chỉ ảnh hưởng đến chính các bạn và gia đình mà đang trực tiếp ảnh hưởng trầm trọng tới đất nước, quê hương.

Năm 1945, Bác Hồ đã phát động phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Sau 70 năm, nếu như chúng ta đã diệt được giặc ngoại xâm và giặc đói thì chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng: Mục tiêu diệt giặc dốt là chưa hoàn thành.

Đã đến lúc chúng ta cần mạnh tay hơn nữa trong việc giảng dạy phần kiến thức Pháp luật trong giáo dục phổ thông và là một trong những nội dung thi tốt nghiệp THPT. Có như thế, chúng ta mới có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề lớn mà thanh niên hiện nay đang mắc phải”.

TS Vũ Thu Hương
Bình luận
vtcnews.vn