Hai ‘cây ướp xác’ khổng lồ trên Tây Côn Lĩnh biến mất thế nào?

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 25/09/2014 05:39:00 +07:00

(VTC News) - Cây ngọc am khổng lồ trên đỉnh Gió Chéo Phìn cao hơn 2.000m đã biến mất rồi.

(VTC News) - Cây ngọc am khổng lồ trên đỉnh Gió Chéo Phìn cao hơn 2.000m đã biến mất rồi.

Kỳ 2: Đốn hạ hai cây ngọc am khổng lồ


Như đã nói ở kỳ trước, cả dãy Tây Côn Lĩnh huyền thoại, từng là vương quốc của loài cây ngọc am dùng để ướp xác, chỉ còn lại 2 cây ngọc am khổng lồ. Một cây to 5-6 người ôm trên đỉnh Gió Chéo Phìn và một cây 3 người ôm nằm trong vườn rừng nhà hai anh em Lù Seo Hồ và Lù Seo Lèng (con trai ông Lù Seo Pao).

Lần này, trở lại Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì, Hà Giang), tôi muốn chinh phục đỉnh Gió Chéo Phìn, để ghi chép lại thực trạng cây ngọc am khổng lồ, mà các cán bộ xã khẳng định, rằng nó cao đến 100m!. Đây sẽ là một cụ cây quý hiếm hàng đầu thế giới, bởi loài ngọc am chỉ có mặt ở quanh đỉnh cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh.

Loài ngọc am, mà người dân vùng Tây Côn Lĩnh gọi là “cây ướp xác” được cho là đã tuyệt chủng từ lâu, bởi người Hán khai thác lấy gỗ đóng quan tài, lấy tinh dầu ướp xác và sản xuất những sản phẩm cung đình từ suốt cả ngàn năm trước cho đến tận thời Pháp thuộc.

Cây ngọc am khổng lồ ở Hóa Chéo Phìn khi chưa bị đốn hạ 
Loài ngọc am chỉ được biết đến thời gian gần đây, khi rộ mốt đào gốc rễ chế tác vật dụng. Loài cây này cũng không có trong sách vở, trong công trình nghiên cứu nào.

Nếu sự có mặt của cây ngọc am ngàn tuổi trên đỉnh Gió Chéo Phìn là thật, thì đây là phát hiện đáng quý. Cây ngọc am này sẽ trở thành cây di sản độc đáo, quý hiếm nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, vừa trình bày mong muốn được lên đỉnh Gió Chéo Phìn diện kiến cây ngọc am khổng lồ, thì anh Dương Văn Chinh, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tả Sử Choóng thông báo một tin ngã ngửa: Cây ngọc am khổng lồ trên đỉnh Gió Chéo Phìn cao hơn 2.000m đã biến mất rồi.

Thời điểm tôi cuốc bộ cả ngày vào Tả Sử Chóng là 4 năm trước. Khi đó, mọi người khẳng định vẫn còn cây ngọc am khổng lồ này.

Tác giả bên gốc cây ngọc am 
Ngay cả một tay trùm buôn gốc rễ ngọc am ở xã Tả Sử Choóng, cũng khẳng định vừa mới cuốc bộ cả ngày đi “thăm” cây ngọc am đó về. Anh này, với bao năm kinh nghiệm đi đào ngọc am, có thể phát hiện mẩu gỗ ngọc am bằng nắm tay dưới độ sâu 4-5m trong lòng đất, thì chắc chắn không thể nhầm cây ngọc am sừng sững giữa trời là cây khác được.

Anh này còn bảo rằng, đã nhiều lần vào “thăm” cây ngọc am cùng đồng bọn, song vẫn chưa có cách nào “bứng” được cụ ngọc am này ra khỏi rừng, bởi đường quá xa, núi đá dốc đứng, hiểm trở.

Anh ta bảo, cây ngọc am đó giữa rừng hoang, chỉ mấy ông ở xã biết, chứ kiểm lâm tỉnh cũng không biết, nên có xẻ thoải mái cũng chẳng ai biết. Sở dĩ, cây ngọc am còn tồn tại được, là vì nó mọc ở vị trí quá hiểm trở, xa xôi.

Thế nhưng, lần này, vào Tả Sử Choóng, tôi đều nhận được câu trả lời, rằng cây ngọc am khổng lồ trên đỉnh Gió Chéo Phìn đã bị đốn hạ. Thật tiếc cho một kỳ cây!

 
Hai nhánh của cây ngọc am đổ sang hai phía khi bị cưa gốc 
Nhưng, sốc hơn nữa, là cây ngọc am khổng lồ, nhiều trăm năm tuổi, gốc 3 người ôm, ở cách trung tâm xã Tả Sử Choóng chỉ vài trăm mét, cùng vừa bị đốn hạ.

Thật không tin vào tai mình, tôi chạy một mạch xuống bản Hóa Chéo Phìn. Đứng từ xa, nhìn lại khe núi đầu bản, không thấy tán cây ngọc am khổng lồ trồi lên khỏi tán rừng nữa.

Than ôi! Cây ngọc am hai thân quý hiếm nhất không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới này, đã đổ chổng kềnh. Một thân đổ ra phía đường mòn, một thân đổ ngược vào vách núi.

Gốc cây trơ ra, dậy mùi đậm đặc của ngọc am. Vết cưa ngọt và phẳng đến nỗi có thể biến cái gốc ấy thành cái giường.

Cách đây 6 năm, một đại gia buôn gỗ người Bắc Quang đã gạ gẫm đổi 2 chiếc xe Win 100 xịn của Thái cùng với một món tiền lớn để được đốn hạ hai cây ngọc am này. Hai anh em Hồ và Lèng đã đồng ý. Vị đại gia này đã đặt cọc 4 triệu đồng cho Hồ.

 
Tuy nhiên, đại gia này chạy chọt suốt một năm trời không làm được thủ tục để khai thác, đành mất 4 triệu tiền đặt cọc.

Biết tin hai anh em Lèng và Hồ có ý định bán cây ngọc am, kiểm lâm huyện đã tìm vào đóng dấu búa. Xã giải thích cây ngọc am là tài sản vô giá của cả nước và quản lý chặt chẽ, không được phép khai thác. Chỉ đào cái rễ mục ngọc am trong rừng, dưới lòng đất, còn bị xử lý nặng, nói gì đến chuyện đốn hạ cây ngọc am quý như vậy.

Mặc dù quản lý chặt là thế, nhưng nông nỗi nào mà cây ngọc am khổng lồ này bị đốn hạ? Cậu con trai bấm điện thoại, một lúc sau thì Lù Seo Hồ từ trên nương về.

Lù Seo Hồ trình bày nỗi bức xúc với tôi: “Mình bực lắm, cáu lắm. Cây ngọc am này mọc trong vườn nhà mình, thì cớ gì mà mình không được chặt chém nó đem bán chứ? Cây này của mình phải có giá cả tỷ đồng, đổi được mấy chục con trâu không chừng.

Nếu nhà nước không cho mình bán, mà cứ để thế này, gỗ nó hỏng, mình biết bắt đền ai bây giờ?”.

Tôi chất vấn Lù Seo Hồ: “Anh có biết chặt cây ngọc am là vi phạm pháp luật không?”. Lù Seo Hồ bảo: “Nhà nước cho phép mình chặt cây ngọc am này đấy nhé. Nhưng cho chặt mà không cho bán, thế mới tức chứ?”.

Ông Vương Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Tả Sử Choóng đã cho phép khai thác cây ngọc am 
Nghe Lù Seo Hồ nói thế, tôi hết sức ngạc nhiên. Cây ngọc am này đã đóng dấu búa. Ngay cả một đại gia buôn gỗ, quan hệ đông tây, chạy chọt mãi không khai thác nổi, thì cớ gì Nhà nước cho Lù Seo Hồ chặt cây.

Không để tôi phải thắc mắc lâu, Lù Seo Hồ với trên ban thờ xuống một cuốn vở, lấy cho tôi xem mấy tờ giấy. Giời ạ! Chữ ký và con dấu đỏ chót của ông Vương Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Tả Sử Choóng hẳn hoi, rõ như ban ngày.

Văn bản có tên: Bản đăng ký khai thác. Người xin khai thác là Lù Seo Hồ. Góc văn bản này, ông Vương Văn Dương viết bằng bút mực: “02 cây sa mộc dầu trên do hộ gia đình ông Hồ trồng tại diện tích rừng được Nhà nước giao cho hộ gia đình ông Hồ quản lý. UBND xã đồng ý cho hộ gia đình ông Hồ khai thác 02 cây trên. Yêu cầu ông Hồ khai thác đúng địa điểm, chủng loại theo đăng ký khai thác”.

Có trong tay văn bản trái luật (có lẽ vì sự thiếu hiểu biết của lãnh đạo xã), Lù Seo Hồ nghiễm nhiên đốn hạ cây ngọc am, mà không bị ai ngăn cản. Thế nhưng, đốn hạ xong, tỉnh, huyện mới tá hỏa tam tinh. Kiểm lâm các cấp về xã, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm xẻ gỗ, buôn bán.

Thế là, cây ngọc am thì đốn hạ rồi, nhưng gỗ không được xẻ ra, cũng không được bán. Lù Seo Hồ bảo: “Cán bộ dọa sẽ bắt đi tù nếu xẻ gỗ ra bán, nên dù mình bực lắm cũng không dám xẻ ra đâu”.

Chợt nhớ lại chuyện 4 năm trước, khi tôi vào Tây Côn Lĩnh để tìm hiểu về ngọc am. Nhờ chỉ dẫn, mà biết được ở bản Ma Lù Súng cao tận mây xanh của xã Bản Nhùng cũng có cây ngọc am to tới gần 2 người ôm, cao đến 40m.

Số phận cây ngọc am cuối cùng ở Tây Côn Lĩnh rất mong manh 
Chủ của cây ngọc am này là anh Thèn Văn Tân, Trưởng Công an xã Bản Nhùng. Cây ngọc am này do ông nội anh Tân trồng từ hơn 70 năm trước.

Điều đáng nói, là hôm tôi gặp anh Tân, nhắc đến cây ngọc am, anh khá bức xúc. Có người trả tới ngót 100 triệu đồng, mà anh thì cần tiền sắm cho mỗi cậu con chiếc xe máy xịn, nhưng Nhà nước không cho bán. Anh Tân lại là công an nên không dám chặt bừa.

Anh lý luận: “Cây ngọc am là do bố mình trồng, trên đất nhà mình đã 70 năm, thế mà cán bộ không cho mình chặt mới vô lý”.

Như vậy, cây ngọc am lớn nhất còn lại không chỉ ở Tây Côn Lĩnh, mà cả thế giới này, có lẽ là cây ngọc am “trẻ con” mới 70 tuổi ở bản Ma Lù Súng. Tuy nhiên, cây ngọc am này có thể bị đốn hạ bất cứ lúc nào, bởi nó nằm trong vườn nhà dân và chủ nhân mảnh đất có cây ngọc am thì muốn đốn hạ từ nhiều năm nay.

Mong rằng, chính quyền địa phương ra tay kịp thời, có cách quản lý hợp tình, hợp lý, để giữ lấy cây ngọc am quý, mà ông Trưởng Công an xã Bản Nhùng đang rao bán này.

Dương Phạm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn