Hai cây cầu trên tuyến tránh BOT Cai Lậy... biến mất?

Thời sựThứ Ba, 15/08/2017 21:25:00 +07:00

Hai trong bảy cây cầu trên tuyến đường tránh Cai Lậy (Tiền Giang) bỗng nhiên biến mất?

Cầu thành cống (!?)

Trong khi các bức xúc của các tài xế liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy(Tiền Giang) chưa được giải quyết thì dư luận lại xôn xao trước thông tin 2 trong 7 cây cầu trong quyết định phê duyệt dự án đường tránh thị xã Cai Lậy bỗng nhiên “biến mất”. 

Theo tìm hiểu của VietNamNet, ngày 19/12/2013, Bộ GTVT trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư công trình QL 1 và đoạn tránh thị xã Cai Lậy có nêu xây mới 7 cây cầu với khổ cầu phù hợp khổ của nền đường.

Cụ thể 7 cây cầu gồm: cầu kênh Ông Mười tại Km1+930,50, cầu Ba Muồng tại Km4+216,50, cầu Ông Thiệm Km7+493,00, cầu Ba Rài Km8 +068,00, cầu Chín Chương Km9+121, cầu Giồng Tre Km9+950,00 và cầu Bình Phú Km11+054,50.

20170815153509-tram-thu-phi-cai-lay-tien-giang-2

 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, trên đường tránh thị xã Cai Lây lại không có 2 cây cầu Ông Thiệm và Chín Chương. Ngay cả người dân sống lâu năm trên tuyến đường cũng không biết hai cây cầu nói trên.

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang thừa nhận, trong quyết định phê duyệt dự án tuyến đường tránh Cai Lậy của Bộ GTVT có 7 cây cầu nhưng sau đó lại không xây.

“Hai cây cầu đó là để làm cống chứ không làm cầu. Trong phê duyệt là có 2 cây cầu nói trên, tuy nhiên, sau này thấy không có nhu cầu nên chuyển làm cống hoặc không làm. Tôi không rõ lắm nhưng biết là không có làm”, ông Bon nói và cho biết, ngày mai Bộ GTVT họp bàn về vấn đề đang xảy ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Còn ông Nguyễn Phú Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư QL1 Tiền Giang cho biết, trong quá trình thi công do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên không thể triển khai làm 2 cây cầu như trong phê duyệt, từ đó địa phương có văn bản đề nghị Bộ điều chỉnh thành 2 cống và được chấp nhận.

Đặt trạm trên QL1 để tận thu

Theo các tài xế, vấn đề bức xúc nhất tại trạm thu phí BOT Cai Lậy hiện nay là vị trí đặt trạm và thu phí quá cao. Theo đó, các tài xế cho rằng, thu phí đường tránh 12km mà BOT Tiền Giang đầu tư nhưng trạm thu phí lại đặt trên QL1, nên tài xế không đi trên 12km đường tránh vẫn bị thu phí.

20170815153509-tram-thu-phi-cai-lay-tien-giang-1

 

Tài xế Huỳnh Ngọc Minh Tuấn nói: “Tôi không đi 1km nào của đường tránh nhưng vẫn bị thu phí. Tại sao làm đường tránh nhưng thu phí trên QL 1, đây có phải là tận thu không ?”.

Theo nhà đầu tư, vị trí đặt Trạm thu phí trên QL 1 hiện nay là hoàn toàn hợp lý, bởi Dự án BOT tuyến tránh TX Cai Lậy và bảo trì tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, gồm tuyến tránh được đầu tư mới có chiều dài 12km, xây dựng mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Phần bảo trì, tăng cường QL 1 đoạn qua Cai Lậy có chiều dài 26,5km, với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, trong đó nâng cấp 14 cầu. 

Theo quan sát của PV, tuyến đường tránh TX Cai Lậy tương tối hẹp chỉ có hai làn xe ôtô, đặc biệt là hoàn toàn không có đèn đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. “Đây là đoạn đường ngắn nhất, nhỏ nhất nhưng lại thu phí cao nhất.

Chưa kể vị trí đặt trạm thu phí là nơi có xe lưu thông qua nhiều nhất thì không khác gì tận thu”, anh Trịnh Hoàng Sơn – Chủ doanh nghiệp vận Tải Ngọc Lan, có 50 chiếc container hàng ngày phải qua trạm thu phí Cai Lậy bức xúc nói. 

"Phí vận chuyển đội lên cao, trong khi từ đầu đơn hàng mình đã ký và thống nhất giá với khách hàng rồi thì sao thay đổi được. Mỗi hợp đồng vận chuyển ký vài năm chứ có phải 1 hoặc 2 tháng đâu. Nguyên tắc của hợp đồng vận chuyển chỉ được thay đổi giá khi xăng, dầu tăng còn những phát sinh khác không được tính. Bây giờ lỗ là chịu”, anh Sơn bức xúc.

Theo anh Sơn, mỗi chiếc container hàng năm phải đóng phí bảo trì đường bộ hơn 17 triệu đồng, chưa kể tiền thuế; với mức giá này mỗi tháng anh mất hơn 200 triệu đồng...nên việc trạm thu phí BOT Cai Lậy là quá cao, bất hợp lý.

Đồng quan điểm, anh Đinh Thanh Sơn – Chủ nhân hơn 100 chiếc xe tải ở Cần Thơ hàng ngày phải vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh miền Tây đi Sài Gòn, Bình Dương và hướng ngược lại bức xúc: “Bây giờ thì không thể dẹp trạm thu phí nên phải giảm giá vé. Nhưng giảm như thế nào là hợp lý thì phải lấy ý kiến của người dân. Chứ không phải nói giảm nhưng giảm vài nghìn đồng thì khó chấp nhận được”.

Anh Sơn cho rằng, trạm thu phí Cai Lậy phải giám giá vé bằng với trạm thu phí An Sương. Cụ thể xe container là 80.000 đồng/lượt, xe tải là 50.000 đồng/lượt. “Trước khi đặt trạm chủ đầu tư, cơ quan chức năng phải thông báo rộng rãi để cho người dân được biết, cũng như lấy ý kiến của các doanh nghiệp, đằng này chúng tôi không hề biết gì. Chạy xe ngang thấy họ đặt mấy cái trụ tưởng làm cổng chào, đến khi thu phí bị người dân phản ánh thì họ nói hạ giá vé, như vậy không khác gì chơi trò đánh bạc, trúng ăn thua thì thôi. Làm cái gì cũng nên đặt lợi ích của người dân lên trước chứ”, anh Sơn bức xúc nói.

Cung cấp xe mua tiền lẻ cho công an xử lý

Hiện nay, do tình hình an ninh trật tự tại trạm chưa được đảm bảo an toàn nên trạm thu phí BOT Cai Lậy đã xả trạm đến khi có quyết định chỉ đạo của Bộ GTVT.

20170815153509-tram-thu-phi-cai-lay-tien-giang-5 3

 

Theo ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, hiện nay có 1 nhóm người đang cản trở hoạt động của trạm, gây ùn tắc giao thông. Cơ quan chức năng của tỉnh đang theo dõi những chiếc xe “cố tình” cản trở hoạt động tại trạm thu phí và lập danh sách các xe cho cơ quan công an.

Theo nguồn tin của VietNamNet cho biết, có 19 phương tiện đưa tiền lẻ khi mua vé được camera tại trạm ghi lại và chủ đầu tư đã gửi cho cơ quan công an có biện pháp xử lý theo quy định. Đa phần các xe này có biển kiểm soát ở Tiền Giang và TP.HCM.

Trước đó, nhà đầu tư đã trích xuất dữ liệu camera tại trạm để tổng hợp thông tin 19 biển số xe mà tài xế có biểu hiện chống đối bằng cách đưa tiền mệnh giá nhỏ hay gây khó khăn cho công tác thu phí, gửi đến cơ quan công an điều tra, xử lý.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn