Hai Bà Trưng được Học viện Công nghệ MIT danh tiếng Mỹ lấy làm biểu tượng Giải thưởng Bất khuất

Thế giớiThứ Sáu, 10/03/2017 08:25:00 +07:00

Hai Bà Trưng được Học viện Công nghệ Massachusetts - MIT lựa chọn làm biểu tượng cho Giải thưởng Bất khuất, kêu gọi sự tự do, thách thức những quy tắc nhằm tìm ra những lợi ích mới cho xã hội.

Giải thưởng này ra đời từ ngày 21/7/2016 với trị giá tiền mặt lên tới 250.000 USD.

TS Vũ Thanh Long - nhà nghiên cứu kiêm giảng viên MIT cho hay, giải thưởng này nhằm thúc đẩy sự tự do, dành cho những người đang thách thức các quy định, luật lệ để tìm ra lợi ích cho xã hội.

Hiện nay, MIT Lab đang bắt đầu tìm kiếm chủ nhân đầu tiên cho giải thưởng này, đó có thể là cá nhân hoặc một nhóm được ban tổ chức đánh giá là có hoạt động đem lại lợi ích cho cộng đồng bằng việc không tuân theo những quy định hiện hành.

mit

 Học viện Công nghệ Massachusetts - MIT.

Cụ thể, MIT Lab khuyến khích những hành động nhằm thay đổi xã hội bằng những phương pháp tích cực và phù hợp với những nguyên tắc chính. Các nguyên tắc này bao gồm không bạo lực, sáng tạo, dũng cảm và chịu trách nhiệm về hành động của mình.

 
Bạn không thể thay đổi thế giới bằng cách làm theo những gì được chỉ bảo.

Joi Ito - MIT Lab

Joi Ito, Giám đốc của MIT Lab nói về giải thưởng này như sau: "Bạn không thể thay đổi thế giới bằng cách làm theo những gì được chỉ bảo". Ông Ito cũng nhấn mạnh, giải thưởng này không liên quan đến các luật lệ của chính quyền Mỹ.

Trong thông báo của MIT Lab về giải thưởng đặc biệt này, có 21 nhân vật được chọn làm biểu tượng, trong đó có Hai Bà Trưng của Việt Nam. MIT Lab nói Trưng Trắc và Trưng Nhị đứng lên lãnh đạo hơn 8.000 quân và 36 nữ tướng đánh bại quân Đông Hán, mang lại nền độc lập cho Giao Chỉ và chống trả lại mọi hành động xâm lược trong 3 năm sau đó.

Ngoài Hai Bà Trưng, trong số các biểu tượng của giải thưởng do MIT đưa ra còn có nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà vật lý Galileo, người bác bỏ lý thuyết Trái đất là trung tâm của vũ trụ hay Nelson Mandela, biểu tượng của cuộc chiến chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid.

MIT Lab cho biết, các hồ sơ về giải thưởng này sẽ được nhận từ 7/3-1/5 và người chiến thắng sẽ được công bố vào ngày 21/7 tới.

Tùng Đinh (Nguồn: CNN, MIT)
Chuyên đề: Tin tức nước Mỹ
Bình luận
vtcnews.vn