Hacker tấn công Vietnam Airlines: Bộ Công an điều tra thủ phạm

Thời sựThứ Bảy, 30/07/2016 17:10:00 +07:00

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các đơn vị của Bộ Công an đã vào cuộc để điều tra về vụ hacker tấn công hàng loạt sân bay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngay sau khi xảy ra sự việc, Cục Hàng không Việt Nam và Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia đã chỉ đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc và Cảng vụ Hàng không miền Nam cùng các đơn vị có liên quan phối hợp với Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) và Cục An ninh mạng (A68) - Bộ Công an để phối hợp xử lý.

Ngoài ra, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) cũng cho hay từ chiều 29/7, ngay sau sự cố tin tặc tấn công hệ thống mạng tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM), đơn vị đã huy động hàng chục trinh sát vào cuộc.

1973_cn

Nhóm hacker 1937CN được cho là thủ phạm đã lên tiếng phủ nhận. 

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an Hà Nội, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang (Trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM) cũng xác nhận đã chỉ đạo nhiều lực lượng tham gia điều tra ngay thời điểm ghi nhận sự việc.

Trong một diễn biến liên quan, nhóm hacker 1937CN (tên nhóm này hiện trên các màn hình điện tử ở sân bay thời điểm bị tấn công – PV) lên tiếng phủ nhận việc tấn công vào hệ thống mạng tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, đại diện nhóm này cho biết, họ bị cáo buộc là thủ phạm. 1937CN nhấn mạnh, việc "luôn đổ lỗi cho Trung Quốc về các cuộc tấn công tại các nước khác là vô lý và phản khoa học".

13886857_1003135636467933_1207322559783504358_n

Các màn hình tại sân bay Nội Bài được tắt để hacker không thể phát tán virus trong tối 29/7. 

Nhận định về cuộc tấn công của hacker vừa qua, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng BKAV phân tích: “Đây là cách thức tấn công không mới, thông thường các phần mềm gián điệp này lợi dụng lỗ hổng an ninh trong file văn bản (Word, Excel, Power Point) để phát tán. Các phần mềm gián điệp này không phải là những virus lây nhiễm một cách ngẫu nhiên vào hệ thống mà được phát tán một cách có chủ đích".

Ông Tuấn Anh cảnh báo về các nguy cơ hacker tiếp tục tấn công: “Các phần mền gián điệp đã và đang tấn công vào các cơ quan trọng yếu, các cơ quan Chính phủ, các tổng công ty lớn.  Không phải bây giờ mới có. Tình trạng này đã xảy ra từ năm 2001, 2002. Đã có nhiều thông tin ghi nhận được các vụ tấn công.

Hiện nay, các vụ tấn công vẫn âm thầm diễn ra từng ngày, từng giờ. Vấn đề là chúng có công khai cung cấp thông tin hay không thôi. Vì vậy, các đơn vị cần nhận thức tầm quan trọng của bảo mật, phải tăng cường rà soát, đảm bảo các hệ thống quan trọng.

Trước đó, chiều 29/7, website chính thức của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị nhóm hacker tấn công thay đổi hoàn toàn giao diện trang chủ. Đồng thời các màn hình thông tin thông báo chuyến bay ở hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ đồng loạt đăng tải những hàng chữ Trung Quốc với nội dung xuyên tạc về tình hình biển Đông. Không lâu sau đó, website của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng bị tấn công.

Video: Hacker chiếm quyền ở sân bay

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn