Hà Nội thí điểm khoán xe công: Tiết kiệm ngân sách thế nào?

Thời sựThứ Ba, 05/04/2016 07:55:00 +07:00

Một cán bộ nhận kinh phí để tự túc phương tiện, thay vì có xe công đưa đón sẽ tiết kiệm hàng trăm triệu cho ngân sách.

(VTC News) - Một cán bộ nhận kinh phí để tự túc phương tiện, thay vì có xe công đưa đón sẽ tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho ngân sách.

Mới đây, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo liên quan đến việc sử dụng xe ô tô chuyên dùng và xe ô tô phục vụ công tác chung theo Quyết định 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Chung giao Sở Tài chính xây dựng phương án thí điểm khoán kinh phí để tự túc phương tiện cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô khi đi công tác. Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu Sở Tài chính tiến hành rà soát, đề xuất phương án thí điểm thuê xe ô tô phục vụ công tác thay vì mua xe mới cho các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An. Bà An hoan nghênh và hết sức ủng hộ chủ trương nói trên của Hà Nội.

Việc thí điểm khoán kinh phí để cán bộ tự túc phương tiện có thể là bước đột phá trong công tác chống lãng phí. Ảnh minh họa

Bà Bùi Thị An cho biết, hiện nay, không chỉ Hà Nội mà nhiều nơi trong cả nước, việc sử dụng xe công còn “chưa chuẩn”, gây lãng phí ngân sách. Chẳng hạn, có người không có tiêu chuẩn nhưng vẫn có xe công đưa đón. Bên cạnh đó, có tình trạng người sử dụng xe công không chỉ phục vụ cho công việc.

Cũng theo bà An, mỗi xe công lại cần có lái xe, điều này làm tăng nhân sự, khiến cho bộ máy hành chính càng thêm cồng kềnh. Việc thực hiện hiện khoán kinh phí để cán bộ tự túc phương tiện sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm biên chế. Ngoài ra, chính sách này còn giúp Hà Nội tiết kiệm nhiều tỷ đồng để mua sắm, bổ sung xe công mới.

Việc khoán kinh phí để cán bộ tự túc phương tiện như một mũi tên trúng nhiều đích. Chính vì thế, bà An hy vọng Hà Nội sẽ thí điểm thành công và chính sách này sẽ nhanh chóng được nhân rộng ra cả nước.

“Có những vị trí thì nhất thiết phải có xe công. Tuy nhiên, nhiều vị trí thì không cần thiết, có thể khoán kinh phí để tự túc phương tiện. Việc khoán sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Nếu làm được điều này thì cực kỳ hoan nghênh Hà Nội.

Đây sẽ là sự khởi đầu và mang tính đột phá trong công tác chống lãng phí; thúc đẩy dịch vụ phương tiện vận chuyển công cộng, giảm biên chế hành chính. Điều đó rất tốt, rất hay. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Tôi rất hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện thành công và dần dần nhân rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước,” bà An nói.


Theo bà An, ở Quốc hội, trước đây một số Phó Chủ nhiệm của các ủy ban cũng đã nhận hình thức khoán kinh phí để tự túc phương tiện. Theo đó, mỗi người nhận khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng (120 triệu mỗi năm) thay vì xe riêng đưa đón.

Trong khi đó, theo tính toán của Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu...

Như vậy, so với chi phí sử dụng xe công, nếu một cán bộ nhận kinh phí để tự túc phương tiện đi lại có thể tiết kiệm cho ngân sách 200 triệu đồng/năm (320 triệu so với 120 triệu). Nếu 10 người thực hiện tiết kiệm ngân sách 2 tỷ đồng mỗi năm.

“Hiện nay giá cả đã tăng rất nhiều, vì vậy chúng ta cũng phải tính toán cụ thể để những cán bộ nhận khoán kinh phí không bị thiệt. Tuy nhiên, dù sao thì việc khoán kinh phí để tự túc phương tiện sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc hình thức xe riêng đưa đón,” bà An nhận định.
Về phương thức khoán kinh phí để tự túc phương tiện, bà An cho rằng, trước hết, Hà Nội cần phải rà soát xem trên địa bàn có bao nhiêu xe công, có bao nhiêu cán bộ đủ tiêu chuẩn được sử dụng.

Hà Nội có thể chưa triển khai việc khoán kinh phí để tự túc phương tiện đối với tất cả các chức danh đủ tiêu chuẩn, trên tất cả các quận huyện. Nhưng trước hết, vị trí nào không cần thiết phải có xe đưa xe đón và việc khoán không ảnh hưởng nhiều thì cần phải khoán ngay.

“Một người có tiêu chuẩn xe đưa xe đón thì chúng ta tính khoảng cách từ nhà cán bộ đó đến cơ quan. Nếu anh đi công tác thì tính khoảng cách từ cơ quan tới địa điểm công tác. Anh chỉ được đi công tác chứ không được đi làm việc riêng. Từ khoảng cách đó, chúng ta sẽ căn cứ vào cước xe, giá xăng thị trường... để tính kinh phí giao khoán,” bà An chia sẻ.

Bà An cho biết thêm, Chính phủ đã quy định rất rõ về việc mua sắm, sử dụng xe công, trong đó có phương án khoán kinh phí cho cán bộ tự túc phương tiện. Hà Nội chỉ cần thực hiện đúng quy định của Chính phủ thì sẽ đem lại hiệu quả rất tốt.

Video: Truy đuổi xe biển xanh vi phạm giao thông


Theo quy định tại Quyết định 32/2015/QĐ-TTg của Chính phủ thì đối với Hà Nội, chỉ có Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các chức danh lãnh đạo mới có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 trở lên mới được phép sử dụng xe ôtô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác.

Tuy nhiên, nếu trường hợp các chức danh có đủ tiêu chuẩn được sử dụng xe công mà tự nguyện đăng ký thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc thì mức khoán kinh phí được xác định theo từng tháng, trên cơ sở: Khoảng cách thực tế từ nhà ở đến nơi làm việc; Đơn giá bình quân của phương tiện vận tải công cộng (đơn giá của các hãng xe taxi phổ biến trên thị trường); Số ngày làm việc theo quy định (không bao gồm ngày đi công tác); Số lượt đưa đón (02 lượt/01ngày).

Trường hợp đi công tác, mức khoán kinh phí được xác định trên cơ sở: Khoảng cách thực tế đi công tác; Đơn giá bình quân của phương tiện vận tải công cộng (đơn giá của các hãng xe taxi phổ biến trên thị trường).

Đà Long

Bình luận
vtcnews.vn