Hà Nội: Sai phạm quản lý đất đai, huyện chậm xử lý?

Bạn đọcThứ Ba, 03/06/2014 02:02:00 +07:00

Tại xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) nhiều vi phạm đất đai đang mặc nhiên tồn tại, trong khi đó, chính quyền địa phương đùn đẩy trách nhiệm, ngại khó không xử lý.

Tại xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) nhiều vi phạm đất đai đang mặc nhiên tồn tại, trong khi đó, chính quyền địa phương đùn đẩy trách nhiệm, ngại khó không tập trung xử lý.

hực tế này đã gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân, nhất là những hộ dân trực tiếp phải chịu đựng cung cách làm việc tắc trách của các cấp chính quyền địa phương.

Chính quyền buông lỏng quản lý


Trong thời gian dài, tại xã Phú Yên đã xảy ra hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai. Điển hình nhất là vụ việc của công dân Nguyễn Thị Thà, ở thôn Giẽ Thượng, ròng rã trong 10 năm gửi đơn đến các cấp chính quyền địa phương xã Phú Yên và huyện Phú Xuyên kiến nghị giải quyết vấn đề "một số cán bộ tại xã Phú Yên làm sai lệch hồ sơ cấp quyền sử dụng đất khiến gia đình bị mất gần như toàn bộ diện tích đất ở".

Bà Thà cho biết: Nguồn gốc đất của gia đình bà được dòng họ Nguyễn Quang chia cho 144m2 ở trước nhà ông Trần Hữu Cang, giáp đường 75A cũ, diện tích đất đó, gia đình sử dụng trồng tre và hoa màu đã qua nhiều năm và không có tranh chấp. Năm 1989, xã Phú Yên bán cho gia đình ông Trần Hữu Cang 180m2 đất (bản đồ địa chính ghi là thửa 302) giáp nhà bà Thà. Đến năm 1993, xã tiếp tục bán cho gia đình ông Cang thửa đất thứ hai diện tích hơn 150m2 (bản đồ địa chính ghi là 302B).

Điều đáng ngạc nhiên là khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo bản đồ địa chính đo năm 2001, số thửa 302 của gia đình ông Trần Hữu Cang đã "biến hóa" từ 180m2 lên 240m2 (dư 60m2), trong khi đó số thửa 302B cũng đội lên hàng chục mét vuông. "Chỉ đến khi đại gia đình tôi có ý định xây dựng nhà thờ tổ thì mới tá hỏa khi phát hiện phần nhiều diện tích đất ông cha để lại đang nằm trong diện tích được cấp GCNQSDĐ mang tên ông Trần Hữu Cang". Ghi nhận tại hiện trạng mảnh đất ở thời điểm hiện nay cho thấy, gia đình ông Cang đã xây dựng nhà kiên cố, phần diện tích được bà Thà khẳng định là "đất ông cha để lại" cũng được gia đình ông Cang xây dựng nhà cửa...


 Thửa đất bà Thà đã đi đòi 10 năm qua vẫn chưa được trả lại.

Vụ việc này đã được tổ công tác kiểm tra, kết luận thửa đất của ông Cang tăng "bất thường" đúng như phản ánh của bà Thà và đề nghị chỉnh lý lại thửa đất theo bản đồ năm 2001. Giải thích về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Phú Yên Nguyễn Xuân Điền nhấn mạnh: "Thửa đất bà Thà đang kiến nghị giải quyết là đất có nguồn gốc, ở xã ai cũng biết gia đình đã sử dụng từ nhiều đời nay".

Vụ việc liên quan đến những sai phạm về cấp GCNQSDĐ như của bà Thà chỉ là một phần trong số rất nhiều vi phạm tại xã Phú Yên chưa được giải quyết dù rằng như người dân vẫn nói "đã rõ mười mươi". Theo số liệu tổng hợp của xã Phú Yên đến cuối năm 2012, những hộ có liên quan đến vi phạm quản lý sử dụng đất trước ngày 1-7-2004 cần phải giải quyết theo cơ chế chính sách của Nhà nước quy định là 270 hộ với trên 30.000m2 đất. Nằm trong diện tồn tại này, theo thừa nhận của Chủ tịch xã Phú Yên Nguyễn Xuân Điền thì hiện có 29 GCNQSDĐ phải trả lại cơ quan chức năng để chờ giải quyết.

Chủ tịch xã Phú Yên Nguyễn Xuân Điền cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, những trường hợp cấp sổ đỏ sai diện tích tại thôn Giẽ Thượng (có 8 hộ vi phạm) mới xử lý được 4 hộ, các hộ còn lại ghi tại văn bản thống kê ngày 16-8-2012 là Nguyễn Đình Thành, diện tích tăng cần giải quyết là 608m2; Nguyễn Bá Thắng diện tích tăng là 93m2; Lưu Bá Nhân diện tích tăng 152m2; Trần Hữu Cang diện tích tăng cần giải quyết là 144m2. Đáng chú ý là 108 hộ lấn chiếm diện tích hơn 11.000m2 đất công ở thôn Thượng Yên, trong nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để vì thiếu sự đồng thuận của nhân dân.

Tuy nhiên, theo ông Điền thì mới đây người dân thôn này đã nhất trí cho xử lý dựa trên tình hình thực tế và thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước. "Vấn đề nan giải nhất hiện nay là khắc phục việc chuyển đổi sai mục đích của 31 hộ với diện tích 5.349m2 đất tại thôn Giẽ Hạ và Thượng Yên vì lý do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể" - ông Điền cho rằng khó xử lý dứt điểm. Tương tự tình trạng này là phần diện tích thôn Thủy Phú bán cho 20 hộ dân với 3.110m2 nằm trong diện tích đất nông nghiệp 5%, chưa có thủ tục hướng dẫn chuyển đổi thành đất ở.


Sai phạm ngang nhiên tồn tại?

Đề cập đến trách nhiệm khi để xảy ra hàng loạt sai phạm kể trên, ông Nguyễn Xuân Điền cho biết, những người liên quan đã bị xem xét trách nhiệm và kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay là việc khắc phục, xử lý sai phạm đất đai còn tồn tại của UBND xã Phú Yên. Một người dân tên H. ở thôn Giẽ Thượng, bức xúc: "Làm sai thì phải sửa, nếu không sửa thì không công bằng với những người chấp hành nghiêm túc chính sách của Nhà nước".

Trong cuộc làm việc với UBND xã Phú Yên, Chủ tịch Nguyễn Xuân Điền liên tục đưa ra những khó khăn trong việc xử lý đối với từng trường hợp cụ thể, vì xã đã vận dụng hết cơ chế, chính sách theo quy định. Khi được hỏi giải quyết thực trạng này như thế nào trong thời gian tới để bảo đảm quyền lợi của công dân và giữ nghiêm kỷ cương, ông Điền chỉ nói chung chung là phải chờ ý kiến của các cấp có thẩm quyền.

Điều đáng quan tâm là Chủ tịch Điền thừa nhận "vẫn còn hiện tượng người dân lợi dụng lấn chiếm thêm diện tích đất công bên cạnh thửa đất đang ở hiện tại". Khi chúng tôi đề cập đến việc xã có báo cáo những sai phạm này lên cấp huyện hay không, ông Điền nói có thống kê và đã chỉ đạo cán bộ địa chính cung cấp văn bản, trả lời vấn đề liên quan. Tuy nhiên, khi làm việc với cán bộ địa chính xã chúng tôi đã bị từ chối cung cấp thông tin, vì lý do "các anh phải đặt lịch trước để chúng tôi chuẩn bị", trong khi nhóm phóng viên đã làm việc trực tiếp với chủ tịch xã từ trước đó.

Chính sự tắc trách này đã đặt ra câu hỏi là có hay không kiến nghị, đề xuất của xã Phú Yên lên cấp huyện để phản ánh những khó khăn trong việc giải quyết, khắc phục những vi phạm về đất đai. Mặc cho những sai phạm kéo dài, huyện Phú Xuyên cũng không có văn bản đôn đốc, chỉ đạo xã Phú Yên thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra. Một vấn đề đặt ra ở đây là có hay không việc thiếu quan tâm của chính quyền cấp huyện đối với quá trình xử lý hậu quả sau thanh tra, kiểm tra?

Có thể vì thế mà một người dân lương thiện, một cựu chiến binh như bà Thà đã phải ròng rã 10 năm đi cầu cứu các cơ quan chức năng để "đòi" lại mảnh đất của cha ông. Trong khi đó, hàng chục vụ vi phạm theo diện "do lịch sử để lại" cũng đang "đợi" xã Phú Yên "hợp thức hóa" theo cơ chế, chính sách hiện hành nhưng chưa biết đến bao giờ mới có kết quả.


Từ thực tế các vi phạm và kết luận của cơ quan chức năng, đề nghị xã Phú Yên và huyện Phú Xuyên thực hiện nghiêm túc việc khắc phục sai phạm để tạo sự yên tâm cho công dân trên địa bàn xã.

Theo Hànộimới


>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn