Hà Nội: Đất chùa bị lấn, chính quyền xã 'làm ngơ'?

Bạn đọcThứ Năm, 10/04/2014 12:00:00 +07:00

(VTC News) – Hàng trăm người dân bức xúc khi mảnh đất chùa linh thiêng ngang nhiên bị lấn, còn chính quyền địa phương thì "làm ngơ" trước sự việc?

(VTC News) – Hàng trăm người dân bức xúc khi mảnh đất chùa linh thiêng ngang nhiên bị lấn, còn chính quyền địa phương thì "làm ngơ" trước sự việc?

Sự việc diễn ta tại thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, nơi có di tích lịch sử chùa Mía linh thiêng tọa lạc.
Hà Nội: Đất chùa bị ‘cướp’, chính quyền xã 'làm ngơ'?
Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng - chùa Mía ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Ngang nhiên lấn đất nhà chùa?

Theo ghi chép của sử sách và lời người dân trong khu vực, khi xây dựng chùa Mía, bà Ngô Thị Ngọc Diệu (phi tần của Phủ Trịnh Tráng) có mua rất nhiều ruộng đất để cúng chùa dùng vào việc đèn nhang.

Sau cải cách ruộng đất, một số ruộng chùa đã chia cho dân sử dụng và đến nay chỉ còn lại 2 thửa đất, 1 thửa gọi là vườn chùa (gần khu Đồi Trám), nằm ở bản đồ số 7 năm 2003 có diện tích 519m2; thửa còn lại nằm ở khu Trại Tranh (thuộc thôn Đông Sàng, giáp thôn Nam An, xã Đường Lâm).

Trải qua những bước thăng trầm, thịnh suy của lịch sử, hai khu đất trên có khi được người nhà chùa trông nom trồng trọt, có khi tạm bỏ hoang bởi không có người chăm sóc… Mặc dù vậy, người dân xã Đường Lâm vẫn mặc định rằng đó là đất nhà chùa, sử dụng vào mục đích đèn nhang, tâm linh, không một ai có ý định chiếm đoạt.

Cụ Kiều Thị Phúc (91 tuổi, từng tu hành ở chùa Mía từ năm 1936 tới năm 1952) khẳng định, "khi tu hành ở chùa Mía, tôi còn nhớ rõ là thửa ruộng này được chùa cho cấy giẽ (cấy thuê) lấy tiền đèn nhang. Việc này nhiều người dân ở làng Đông Sàng đều biết rất rõ, nhất là những người cao tuổi”.

Ông Kiều Văn Thạch, trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đông Sàng kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân xã Đường Lâm cũng khẳng định, thửa đất này được nhiều thế hệ sư trụ trì chùa Mía cho cấy giẽ.
Hà Nội: Đất chùa bị ‘cướp’, chính quyền xã 'làm ngơ'?
Bức tường rào và cánh cổng kiên cố của ông Quách Xuân Phương xây dựng bao quanh mảnh đất của nhà chùa.

Thế nhưng, từ khoảng 5 năm trở lại đây, “cơn sốt” đất bỗng từ đâu ùa vào thôn Đông Sàng khiến cho giá đất lên cao, “thị trường bất động sản” của thôn, của xã trở nên sôi nổi khi có nhà bán đi vài trăm m2 đất bỏ hoang từ bấy lâu đã có hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng trong tay…

Năm 2008, gia đình ông Quách Xuân Phương đã cho xây tường bao quanh thửa đất số 211, diện tích 519m2. Đến năm 2010, và tiếp tục cho xây cổng trên mảnh đất của nhà chùa.

Tại hiện trường, có thể thấy rõ phía trong ô đất của nhà chùa đã tồn tại một tường bao và một cánh cổng sắt ngăn cách mảnh đất của ông Phương và mảnh đất của nhà chùa mà ông Phương mới cho xây tường và cổng bao quanh.


Việc này đã khiến nhiều người dân trong thôn làng bức xúc, gửi ý kiến đến chính quyền địa phương nhưng không hiểu sao, chính quyền không hề có biện pháp ngăn cản.

Khi xây tường bao, ông Phương cho rằng đó là đất vườn nhà, không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào chứng minh về nguồn gốc mảnh đất này.

Trong khi đó, Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) xác nhận tại kho lưu trữ của Trung tâm này có tìm thấy tờ bản đồ số 07 (343 546 – 9 – a) xã Đường Lâm, lập năm 2003, trên đó có thể hiện thửa đất khuôn viên chùa Mía, tách biệt với mảnh đất của nhà ông Phương.

Chính quyền xã ‘làm ngơ'?

Trước sự “làm ngơ” của chính quyền xã với mảnh đất nhà chùa bị lấn chiếm, hàng trăm người là dân làng Đông Sàng đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng, kèm theo đó là hàng trăm bản giấy xác nhận, thửa đất mà ông Phương lấn chiếm là đất đèn nhang của nhà chùa và phải trả lại nhà chùa sử dụng, phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh cho người dân.
Hà Nội: Đất chùa bị ‘cướp’, chính quyền xã 'làm ngơ'?
Bản đồ địa chính lưu tại Sở Tài nguyên và mội trường Hà Nội (năm 2003) thể hiện thửa đất khuôn viên chùa Mía (vùng chỉ tay).

Sư cụ Thích Đàm Cẩn và sư thầy Thích Đàm Thanh, trụ trì chùa Mía dựa trên nguyện vọng của người dân cũng đã gửi đơn tới UBND xã Đường Lâm đề nghị xác định lại mốc giới để sử dụng ổn định vào việc đèn nhang và sinh hoạt của nhà chùa bởi “không rõ mốc giới, tự ý sử dụng sẽ ảnh hưởng tới diện tích đất của người khác”.

Tiếp nhận đơn của người dân và của nhà chùa, UBND xã Đường Lâm đã tổ chức nhiều cuộc họp dân để giải quyết.

Tại cuộc họp ngày 13/11/2013, ông Quách Xuân Phương vẫn khẳng định gia đình ông không lấn chiếm đất chùa mà do một người đã chuyển nhượng lại cho ông mảnh đất này. Tuy nhiên ông Phương cũng không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh sự sang nhượng như ông trình bày.

Bức xúc trước phát biểu của ông Phương, bà con nhân dân thôn Đông Sàng đã đưa ra rất nhiều ý kiến xác nhận về nguồn gốc mảnh đất này là của chùa Mía từ lâu đời.

Nhiều đại biểu là lãnh đạo xã tham dự hội nghị cũng yêu cầu ông Phương phải trả lại thửa đất đó cho nhà chùa theo biên bản hội nghị xác định nguồn gốc đất do nhà chùa và thôn Đông Sàng tổ chức.

Buổi họp do Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm - Phan Văn Hòa tổ chức kết thúc bằng kết quả “không bên nào đưa ra được chứng cứ” rồi đi đến kết luận "hòa giải không thành”, đẩy vụ việc lên cho UBND thị xã Sơn Tây giải quyết.

Bức xúc trước cách giải quyết khiếu nại kiểu “đánh trống bỏ dùi” của UBND xã Đường Lâm, người dân địa phương không khỏi nghi ngờ về việc chính quyền xã này “làm ngơ” cho hành vi lấn chiếm đất nhà chùa và tiếp tục gửi đơn lên UBND thị xã Sơn Tây và các ngành của TP Hà Nội, đề nghị giải quyết triệt để, trả lại đất cho nhà chùa để phục vụ đèn nhang, hoạt động tín ngưỡng của người dân.

Hàng trăm người dân bức xúc trước vụ việc và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ: Vì sao đất của nhà chùa có nhiều người cao tuổi làm chứng là đất đèn nhang từ lâu đời bị lấn chiếm mà chính quyền xã không hay biết?

Mảnh đất không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh là đất của ông Phương, vì sao chính quyền im lặng để ông này xây tường bao và cổng trên mảnh đất đó?

Bản đồ của Sở TN&MT thể hiện rõ hai thửa đất riêng biệt,
vì sao lại làm ngơ để cho gia đình ông Phương xây dựng, lấn chiếm? Phải chăng đang có một "lợi ích nhóm" đằng sau vụ việc này?
Chùa Mía là di tích lịch sử văn hóa, là danh lam thắng cảnh đẹp đã được Nhà nước công nhận, xếp hạng; được Phật tử và du khách trong và ngoài nước tới thăm đông đúc và là nơi sinh hoạt tâm linh và tín ngưỡng của hàng triệu người dân thị xã Sơn Tây nói riêng và TP Hà Nội nói chung.

Nằm trên địa bàn thôn Đông Sàng xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) do bà Ngô Thị Ngọc Diệu, là phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng xây dựng từ năm 1633, chùa Mía hiện lưu giữ tới 287 pho tượng nghệ thuật, nhiều nhất so với các chùa ở Việt Nam.

Với giá trị lịch sử, tín ngưỡng và tâm linh quan trọng, từ xưa tới nay, người dân trong làng Đông Sàng cũng như Phật tử khắp nơi đã đóng góp tiền của, ruộng đất và công sức xây dựng bảo vệ, tôn tạo chùa Mía để công trình này tồn tại tới ngày hôm nay.

VTC News tiếp tục thông tin về vụ việc.

Mọi thông tin phản ánh xin gửi về email: [email protected] hoặc liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng 01255.911.911.

Nguyễn Dũng - Nam Minh
Bình luận
vtcnews.vn