Hà Nội thông tin việc xây 4 cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống hơn 30 nghìn tỷ đồng

Thời sựThứ Ba, 12/09/2017 15:24:00 +07:00

Chiều 12/9, tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội, đại diện Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội đã thông tin về việc chi hơn 30 nghìn tỷ đồng xây dựng 4 cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch đầu tư ghi rõ, từ năm 2016 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cầu cây bắc qua sông Hồng, sông Đuống.

Cụ thể, 10 cầu qua sông Hồng gồm: Cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu hầm Trần Hưng Đạo, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở, Cầu Phú Xuyên. 4 cây cầu bắc qua sông Đuống gồm: Cầu Đuống 2, cầu Ngọc Thụy, cầu Giang Biên và cầu Mai Lâm.

hqdefault

 Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng

Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện 4 cây cầu. Trong đó, dự  án cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng số vốn đầu tư là 17.000 tỷ đồng, dự án Cầu Đuống 2 tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng là 7.000 tỷ đồng, dự án xây dựng cầu Giang Biên dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng.

Khi xây dựng những cây cầu này, vấn đề được nhiều người quan tâm là việc giải phóng mặt bằng và hình thức đầu tư xây dựng.

Về vấn đề này, ông Vũ Duy Tuấn - PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay: "Đối với dự án xây dựng cầu Tứ Liên sẽ đầu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao (BT) và dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành.

Đối với dự án cầu Đuống 2, hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT và dự kiến thời gian hoàn thành năm 2021. Dự án cầu Trần Hưng Đạo hình thức đầu tư là PPP, loại hợp đồng BT. Dự án cầu Giang Biên đầu tư theo hình thức BT".

Trả lời câu hỏi của báo chí về tiêu chí chọn nhà đầu tư, ông Tuấn cho biết: Các nhà đầu tư lớn của Việt Nam đều quan tâm đăng ký tham gia, vốn theo hình thức đối tác công tư, nhà đầu tư bỏ vốn xây công trình, thành phố thanh toán bằng quỹ đất. Để đảm bảo thực hiện dự án này thành phố đã giám sát vị trí quỹ đất để nhà đầu tư có thể đầu tư các dự án đối ứng phù hợp nguồn vốn đã bố trí.

Một vấn đề khác cũng được báo giới quan tâm, Hà Nội có lo ngại với chủ trương đổi đất lấy hạ tầng, các nhà đầu tư sẽ biến những khu đất ở những điểm cầu để xây dựng chung cư…điều này có làm tiếp tục tăng cơ học dân số Hà Nội và không có tác dụng giảm ùn tắc, ông Tuấn khẳng định: "Tất cả các dự án theo hình thức TPP, PPP khi nhà đầu tư triển khai các dự án khác nhau (có thể dự án phát triển đô thị). Thực tế các dự án đô thị này đảm bảo đúng quy hoạch thành phố được duyệt. Hiện tổng quỹ đất này đang nghiên cứu chứ chưa phải chính thức giao cho bất cứ nhà đầu tư nào."

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, tất cả dự án khu đô thị, dự án giao thông được thực hiện theo quy hoạch thành phố đã đươc phê duyệt. Tất cả các dự án xây dựng khu nhà ở, quan điểm xuyên suốt xây dựng hạ tầng giao thông đi trước sau đó mới đến các dự án khác.

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn