Hạ lãi suất: Phải chờ hết năm nay?

Kinh tếThứ Sáu, 17/02/2012 12:34:00 +07:00

(VTC News) – Theo các chuyên gia, khả năng hạ lãi suất có thể cần một thời gian dài hơn do những vấn đề về thanh khoản ngân hàng chưa được giải quyết.

(VTC News) – Theo các chuyên gia, khả năng hạ lãi suất có thể cần một thời gian dài hơn do những vấn đề về thanh khoản ngân hàng chưa được giải quyết.

Trong khi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa tiết lộ sẽ hạ lãi suất cho vay xuống 0,5%/năm so với mức sàn lãi suất đang áp dụng, một số ngân hàng khác cũng đang “nghe ngóng” thị trường để quyết định hạ nhiệt lãi suất, thì nhiều chuyên gia kinh tế lại có cùng một nhận định: “Câu chuyện về khả năng hạ nhiệt lãi suất vẫn đang bỏ ngỏ với tất cả các cấu phần của nền kinh tế như thị trường chứng khoán, nhà đầu tư, các ngân hàng, các doanh nghiệp”.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã thực hiện việc hạ mặt bằng lãi suất cho vay.

Giám đốc một chi nhánh của BIDV cho biết: “Hiện tại, sau khi hạ lãi suất, mức lãi suất cho vay thương mại và dịch vụ ngắn hạn của ngân hàng này còn 17%/năm; lãi cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất 18%/năm, vay trung và dài hạn 19%/năm; lãi suất phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng là 18,5% - 19%/năm. Đối với những lĩnh vực ưu tiên đặc biệt, mức lãi suất chỉ còn 15,5% - 16%”.

Lãi suất cho vay hiện chưa "hạ nhiệt" trên diện rộng (Ảnh: Internet) 

Còn tại Vietcombank, được biết, sau khi hạ lãi suất, mức lãi suất cho vay thương mại và dịch vụ ngắn hạn của ngân hàng này còn 17%/năm, lãi cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất 16,5%/năm và xuất khẩu ngắn hạn 16%/năm.

Không chỉ lãi suất cho vay sản xuất được giảm xuống mà lãi suất phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng cũng được Vietcomank áp dụng với các mức thấp hơn: vay ngắn hạn còn 18%/năm, vay trung và dài hạn từ 18,5-19%/năm. Đặc biệt, để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường chứng khoán, bất động sản, lãi suất cho vay lĩnh vực này tại Vietcombank xuống còn 20%/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Phòng Phân tích nghiên cứu - Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV: “Nếu lạm phát về mức 8-8,5% thì lãi suất huy động sẽ giảm về 10% là thông điệp được đưa ra của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), song lộ trình giảm lãi suất còn phụ thuộc nhiều vấn đề bên cạnh điều kiện cần là khả năng hạ nhiệt của lạm phát”.

Phải chờ hết năm

Theo một báo cáo, khả năng hạ lãi suất có thể cần một thời gian dài hơn do những vấn đề về thanh khoản ngân hàng chưa được giải quyết.

Nợ xấu cao, và chủ yếu là nợ xấu cho vay bất động sản sẽ là thách thức lớn đối với NHNN trong nỗ lực giải quyết thanh khoản để giảm lãi suất một cách thực sự tự nhiên. Nếu trong thời gian 1-2 tháng tới chưa nhìn thấy sự hạ nhiệt thực sự của lãi suất, không loại trừ khả năng các cơ quan chính sách sẽ dùng “ý chí” để hạ, nhằm tạo một thông điệp tích cực hơn cho thị trường.

Lạm phát lập đỉnh vào tháng 8/2011 ở mức 23,02% tuy nhiên đã hạ nhiệt nhanh chóng và hiện ở mức 17,27% (tháng 1/2012). Với tính toán mức tăng của chỉ số CPI tháng 2 là 1,5% và sẽ giảm xuống mức trung bình khoảng 0,5%  các tháng sau đó, theo dự báo lạm phát sẽ xuống dưới 12% trong tháng 4 và dưới 10% khi kết thúc quý II/2012. Với xu hướng lạm phát như vậy, lãi suất sẽ có cơ sở tương đối vững chắc để hạ nhiệt.

Vấn đề đặt ra là thanh khoản tại các ngân hàng, đặc biệt tại các ngân hàng nhỏ chưa được giải quyết thì khó nói đến chuyện giảm lãi suất. Dưới các chính sách siết chặc kỉ cương tài chính, các ngân hàng nhỏ và yếu đang đứng trước một thực trạng rất căng thẳng về thanh khoản, có ý nghĩa đế sự tồn tại hay không tồn tại. Và không ít trong số đó có thể vẫn tiếp tục vi phạm huy động vượt trần lãi suất 14% nhằm tiếp tục duy trì thanh khoản để tồn tại.

Cơ quan chính sách sẽ dùng “ý chí” để hạ nhiệt lãi suất? (Ảnh: Internet) 

Tuy nhiên, vấn đề giải quyết thanh khoản trong năm 2012 không đơn giản là vấn đề bơm tiền. Nếu các Ngân hàng chỉ thiếu thanh khoản cục bộ, thiếu thanh khoản do chênh lệch về dòng tiền thì việc bơm tiền cứu thanh khoản sẽ không gây chi phí nhiều. Song nếu bản chất của thanh khoản là do nợ xấu thì vấn đề phức tạp hơn nhiều, nhất lại là nợ xấu cho vay bất động sản.

Theo đánh giá của các chuyên gia thị trường, tình hình nợ xấu năm nay trầm trọng hơn so với giai đoạn 2008-2009 (khi mà lạm phát và lãi suất cũng tăng cao kỷ lục) do thị trường bất động sản hiện nay gần như tê liệt. Các khoản cho vay bất động sản chưa thu hồi sẽ phải ra hạn, đáo hạn nhiều lần, và do vậy phần rủi ro nợ xấu rất cao.

Như vậy, thực tế, việc giảm lãi suất theo một cách tự nhiên sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian dài hơn so với dự đoán ban đầu của các chuyên gia chỉ hết quý II/2012. Nhiều khả năng có thể hết năm 2012 mặt bằng lãi suất cho vay mới có thể giảm xuống mức kì vọng.  

Thêm "ý chíđể hạ nhiệt lãi suất

Theo tính toán của một số chuyên gia ngân hàng, việc thực hiện các công cụ hành chính có thể kéo trần lãi cho vay suất xuống khoảng 1% (hiện nay là 14%). Tác động của chính sách này có thể sẽ khiến kỳ vọng vào gửi tiền lãi suất cao của người dân giảm xuống, và thể hiện quyết tâm hạ lãi suất của cơ quan chính sách.

Song, mặt trái của việc sử dụng công cụ hành chính có thể xảy ra tiêu cực khi người dân rút tiền khỏi hệ thống vì lãi suất không đủ lớn để bù đắp rủi ro. Căng thẳng về thanh khoản có thể lại 1 lần nữa khiến cho mặt bằng lãi suất được đẩy cao để huy động vốn, kết quả là mặt bằng lãi suất có thể lại tăng.

Phòng Phân tích nghiên cứu - Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV nhận định: "Ngoài vấn đề dùng công cụ hành chính để thực hiện, các biện pháp sau có thể được coi là “mềm” hơn trong việc giải quyết thanh khoản ngân hàng bao gồm: 

Thứ nhất, bơm vốn một cách thận trọng cho hệ thống ngân hàng thương mại thông qua hình thức tái cấp vốn từ NHNN. Biện pháp này đòi hỏi 1 sự định hướng tốt từ NHNN nhằm hướng dòng tiền chảy vào những khu vực then chốt nhằm khai thông dòng tiền và giảm nợ xấu.

Thứ hai, linh hoạt điều hòa vốn từ các ngân hàng thừa vốn sang các ngân hàng thiếu vốn, có thể thực hiện bằng việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thừa vốn và giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thiếu vốn.

Thứ ba, để giải quyết thanh khoản, nhiều ngân hàng đã tính tới việc bán vàng. Tuy vậy, giao dịch vàng hiện nay tốn rất nhiều chi phí do giao dịch qua tài khoản chưa được khuyến khích. NHNN có thể mở rộng cơ chế cho phép các ngân hàng kinh doanh vàng tài khoản để sử dụng nguồn vốn từ vàng bổ sung cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng".

PV

Bình luận
vtcnews.vn