Guitar và Công nghệ: Sự pha trộn hoàn hảo

Tổng hợpThứ Hai, 15/07/2013 02:37:00 +07:00

Bất cứ ở đâu, lúc nào, bất cứ bản nhạc nào bạn muốn chơi với chiếc guitar của mình, chỉ cần một vài thao tác trên chiếc smartphone...

Bất cứ ở đâu, lúc nào, bất cứ bản nhạc nào bạn muốn chơi với chiếc guitar của mình, chỉ cần một vài thao tác trên chiếc smartphone là có thể dễ dàng tìm thấy hợp âm bài hát mình muốn thể hiện. Đấy là mục tiêu mà nghệ sĩ guitar Lê Hùng Phong và những người yêu guitar đồng hành cùng anh hướng tới khi xây dựng website lenguyentran.com. Sự pha trộn này, hay đúng hơn là sự kết hợp này mang tới cho người sử dụng những tiện ích rất dễ nhìn thấy, nhưng để làm được nó thật chẳng dễ dàng chút nào.

Sự kết hợp của CNTT và guitar
Nghệ sĩ guitar Lê Hùng Phong tâm sự, ngày còn đang là sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia anh có rất nhiều trăn trở. Có dạo, anh đến quán cafe của cậu em và hỏi anh ta: Cậu có muốn quán của mình đông khách không? Có à ? Vậy công của tôi là 5 điếu thuốc và một ly cà phê. Vậy thôi, thế rồi cậu ta leo lên cây chăng cái biển dạy guitar miễn phí trước cửa quán. Khách đến đông nườm nượp và anh bắt đầu dạy họ chơi đàn.

 

Gọi là «miễn phí» nhưng thật ra là một sự «trao đổi» đôi bên cùng có lợi. Ở đây, học viên bắt đầu bung ra nhiều câu hỏi, sự khác nhau giữa các dòng nhạc? Tại sao bản nhạc lại có hình khóa Son? Tại sao guitar 6 dây không sắp xếp theo thứ tự? Tại sao 5 ngón 6 dây mà không phải ngón út? Tại sao lại có 5 dòng nhạc chứ không phải 6?... Và anh cho rằng, chính những câu hỏi đó đã buộc anh phải vận động, phải tìm hiểu câu trả lời cho học viên. Anh biết họ cần gì, muốn gì, đồng thời biết mình có gì, thiếu gì. Đấy mới thực sự là thứ học phí đáng giá nhất mà anh thu được.
Nói chuyện với Lê Hùng Phong mới thấy một điều, đừng nói nghệ sĩ chỉ biết phiêu quên trời quên đất. Không đúng ! Phải am tường lắm, hiểu biết lắm mới dám phiêu và phiêu được. Ở anh, ngoài kiến thức rất vững vàng về âm nhạc, còn thấy một người yêu guitar say đắm, chung tình và thậm chí cả tôn thờ. Anh không chấp nhận một tình yêu nửa vời, không chấp nhận một sự hiểu biết nửa vời hay quá khuôn mẫu. Đã yêu là phải khám phá, phải hiểu tường tận và phải thích nghi cả với sự «phóng túng» của nó nhưng đồng thời cũng khắt khe, khó tính đến mức khắc nghiệt. Đấy là với âm nhạc,còn đối với phụ nữ, tôi không dám lạm bàn.
Lê Hùng Phong đã từng học nhạc cổ điển rất xuất sắc khi còn trong trường. Anh kể, «tôi đã từng rất tự hào vì mình học giỏi lắm. Nhưng khi đi chơi, hễ ai yêu cầu tôi đánh bài này, bài kia đi thì tôi méo mặt «ở trường cô không dạy em thế ». Vậy ở trường dạy tôi cái gì? Là những thứ mà sinh nhật bạn gái, những buổi giao lưu chẳng ai chịu nghe cả. Tệ quá. Vậy là sau đó tôi đi tìm câu trả lời và tôi biết tôi cần gì».
Có lẽ, website lenguyentran.com của anh cũng ra đời trên hành trình đi tìm câu trả lời như thế. Là một giảng viên guitar có tiếng ở Hà Nội, anh không ngừng tìm kiếm hướng đi, phương pháp hiệu quả nhất để làm sao đưa ra được một giáo trình dạy guitar thiết thực, làm cho người học âm nhạc rút ngắn được thời gian học mà có hiệu quả tốt nhất. Sự phát triển của Công nghệ Thông tin đã khiến anh tự hỏi, tại sao không kết hợp âm nhạc với CNTT? Ý tưởng này không phải mới nhưng cho đến nay chưa ai bắt tay vào làm một cách «ra tấm ra món» cả. Và thế là anh làm.

 

Thật ra đã có khá nhiều website dạy guitar ra đời kể từ khi internet thông dụng với người sử dụng. Cái hay của website mà Lê Hùng Phong tạo ra là cung cấp hợp âm đúng các ca khúc như các ca sĩ đang hát và hát thành công nhất cho người chơi đàn. Ưu điểm của nó so với các trang dạy đàn khác là chức năng «dịch giọng». Nếu người sử dụng muốn chơi bài hát nào có thể vào web để chọn hợp âm bài hát đó, và nếu nốt hơi cao so với giọng của mình có thể chọn dịch giọng xuống một tone sao cho phù hợp với mình. 
Chứng kiến học sinh của mình khi đi diễn tại các bar. Mỗi khi khách yêu cầu một bài hát nào đó, hoặc khách muốn lên hát một bài mà không có bản nhạc là bị lúng túng, Lê Hùng Phong tự hỏi, thử nghĩ xem, nếu tương lai không phải là những bản nhạc, tương lai là những chiếc Ipad hay những chiếc smartphone, bất cứ bài hát nào bạn muốn chơi, bạn chỉ cần chạm tay, lướt và OK, có ngay hợp âm cho những ca khúc đó. Và việc làm đó là để cho mọi thứ trở nên tiện lợi hơn, âm nhạc sạch sẽ hơn và không chỉ những người học đàn, những người đang chơi đàn cũng được hưởng sự tiện dụng từ sự kết hợp này. 

Vạn sự khởi đầu nan
“Vạn sự khởi đầu nan”, từ ý tưởng đến khi bắt tay vào làm thật chẳng dễ dàng. Vấn đề lớn nhất của anh là không am tường về CNTT, trong khi ấy những người làm CNTT lại chẳng biết gì về guitar. Vậy là, anh mời những người am hiểu về CNTT, yêu guitar về để… dạy guitar. Anh mất hai năm kể từ lúc hứa với các sinh viên ở các trường đại học là sẽ mang đến một sản phẩm hiệu quả nhất cho họ cũng như những người yêu âm nhạc nói chung. Và trong suốt hai năm ấy, anh kêu gọi mọi người, những nghệ sĩ guitar chung tay bằng cách đóng góp «tài nguyên» chính là các bản hợp âm mà họ đã có. Càng đưa nhiều bao nhiêu, người sử dụng càng có nhiều bấy nhiêu. Và khi hoàn thiện, tài nguyên đã phong phú thì mọi người đều có thể chơi guitar ta được.
Mục tiêu cũng như mong muốn của anh là tất cả các ca khúc bất kể do nhạc sĩ nào phối chỉ cần gửi lại bản phân phổ, tổng phổ, hòa thanh của bài hát đó về. Nhưng tất nhiên, ban đầu, không có nhiều người hưởng ứng, có lẽ vì họ chưa thực sự thấy được hiệu quả việc anh đang làm. Vì vậy, anh và các học viên của anh phải tự học và làm. Anh hướng dẫn họ ghi hợp âm ra, sai đâu anh sửa đấy cho đến khi chính xác mới thôi. Họ vừa học, vừa làm. Số lượng bài cứ thế tăng dần lên theo thời gian. Lê Hùng Phong hy vọng, trong tương lai, các nghệ sĩ thấy việc làm của mình hay sẽ hợp tác để nguồn tài nguyên âm nhạc trở nên phong phú hơn. Đó là mong ước lớn lao của anh, đưa giải pháp tối ưu cho người chơi guitar. 

 

Anh chia sẻ, «tôi muốn dạy cho các giảng viên của tôi có khả năng ghi hợp âm tốt bằng cách nghe thật nhiều và ghi lại cho đến khi nào bất ngờ bất kỳ một ai yêu cầu một bài hát nào đó, họ ngay lập tức có thể nghe tại chỗ, ghi tại chỗ, hướng dẫn tại chỗ. Đó là những kỹ năng mà trước đó họ còn rất yếu. Ban đầu họ ghi sai be bét, tôi yêu cầu họ nghe, ghi chép và thẩm định lại âm thanh. Quá trình đó diễn ra gần một năm. Có những người nản, bỏ cuộc nhưng tôi tin những người còn ở lại đến giờ phút này đều đã thực sự được rèn luyện để trở thành những người có đầy đủ kỹ năng cũng như cái tâm với âm nhạc, với người yêu âm nhạc. Tôi vẫn nói với họ, hai năm qua, chúng ta mới chỉ là đang chuẩn bị để cho hôm nay, chúng ta, cùng nhau, làm việc một cách đúng nghĩa».
Lê Hùng Phong cũng tự hào khi giờ đây, các giảng viên của CLB Guitar Lê Nguyễn Trần do anh chủ nhiệm có thể ngay lập tức «xử lý» các ca khúc mới nhất để kịp hướng dẫn người chơi guitar. Không chỉ vậy, anh còn mong muốn lập ra các box nhạc tiếng Trung, Nga, Pháp, Nhật… để giúp cho các sinh viên Ngoại ngữ chơi các tác phẩm của nhiều quốc gia trên thế giới. «Thử nghĩ mà xem» -  anh nói -  «nếu bạn có thể ôm guitar chơi một tác phẩm của một quốc gia liên kết với Việt Nam trong một chương trình giao lưu, hoặc, đơn giản, bạn chơi cho bạn của bạn nghe một ca khúc của đất nước họ. Họ sẽ thấy chúng ta am hiểu về đất nước, văn hóa của họ, điều đó giúp chúng ta gần nhau hơn, xóa nhòa những cách biệt về văn hóa, về bất đồng ngôn ngữ… ».
Cho đến nay, nguồn tài nguyên của lenguyentran.com đang càng ngày càng nhiều lên không chỉ bởi sự cần mẫn của các giảng viên trong CLB mà còn bởi sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ khác nữa. Những người đang làm dự án này cũng đang không ngừng nỗ lực chỉnh sửa, bổ sung, nhanh chóng hoàn thiện để đưa trang web đến tay người sử dụng, khi ấy, tất cả những ai yêu guitar, muốn chơi guitar sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận với bất cứ ca khúc nào họ mong muốn chỉ với một vài thao thác chạm lướt trên chiếc ipad hay smartphone của mình.

Long Thành
Bình luận
vtcnews.vn