Gửi tiết kiệm, kênh đầu tư hiệu quả năm 2011

Kinh tếThứ Tư, 05/01/2011 10:06:00 +07:00

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến cáo, để bảo toàn nguồn tiền nhàn rỗi hoặc tài sản tích cóp, ông Doanh khuyến cáo, người dân nên gửi tiết kiệm vào ngân h

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến cáo, để bảo toàn nguồn tiền nhàn rỗi hoặc tài sản tích cóp, ông Doanh khuyến cáo, người dân nên gửi tiết kiệm vào ngân hàng, theo dõi tình hình biến động thị trường.

Năm 2010 qua đi với nhiều khó khăn về kinh tế và biến động tài chính, khiến không ít nhà đầu tư khóc hận. Nhưng khổ nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, người dân phải tìm cách xoay trở, để giữ cho đồng tiền tích cóp của mình không bị mất giá.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, cơn sốt này là do yếu tố tâm lý, đầu tư kiểu bầy đàn. Tuy nhiên, làm thế nào để người dân không bị cuốn theo cơn lốc đầu tư lướt sóng ngắn, thì các nhà điều hành kinh tế vẫn chưa đưa ra biện pháp rõ ràng.

Một năm không dễ dàng

Theo công bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, hiện trong dân có khoảng 1.000 tấn vàng và khoảng 5 tỷ USD. Điều này cho thấy, lượng tiền nhàn rỗi khá lớn. Và việc giữ cho nó khỏi mất giá hoặc sinh lời trong bối cảnh diễn biến kinh tế khó lòng đoán định, là điều không dễ.

Trên thực tế, khi giá vàng đột ngột xác lập kỷ lục 38 triệu đồng một lượng vào tháng 11/2010, không ít người đã “đắc lợi” do nắm được thông tin. Song, hàng loạt trường hợp bị lỗ nặng, do “ăn theo” chậm chân. Càng vướng sâu, nhiều người càng sa lầy và nếm mùi thất bại, do không đủ kiến thức và thời gian để cập nhật thị trường, nhận định xu hướng đầu tư.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân nên gửi tiết kiệm vào ngân hàng. 

Việc lựa chọn một hướng đi thích hợp để bảo toàn đồng vốn trong năm 2011, đang làm đau đầu không ít người dân, nhà đầu tư nhỏ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, năm 2011 không phải là một năm dễ dàng dù Chính phủ cam kết mạnh mẽ việc giữ ổn định kinh tế. Tuy nhiên, sự ổn định này chỉ có thể giữ được đến hết tháng 1/2011, tức đến Tết Nguyên đán. Sau đó, có lẽ giá điện, xăng dầu sẽ phải điều chỉnh tăng. Dưới tác động của chúng, giá hàng hóa tiêu dùng khó lòng mà không tăng lên được.

Tiết kiệm và tiết kiệm

Nhận định về tình hình kinh tế cuối năm 2010 và đầu năm 2011, tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, biến động kinh tế những tháng cuối năm 2010 có những liên quan lẫn nhau. Chỉ số CPI liên tục tăng đột biến trong 3 tháng cuối năm, do đó, lãi suất phải không thể hạ xuống như mong muốn, do tập trung kềm chế lạm phát. Cùng lúc, biến động giá vàng và tỷ giá đồng USD khiến thị trường tài chính hết sức căng thẳng.

Ông Lịch cho rằng, nếu Chính phủ quyết tâm cao độ, thì có thể cắt giảm được tốc độ tăng giá trong tháng 1/2011. Hiện nguồn ngoại tệ vào Việt Nam đang tăng mạnh là yếu tố thuận lợi khiến áp lực biến động tỷ giá sẽ giảm. Đây là cơ hội để kiểm soát, giảm lãi suất trong quý I/2011. Do vậy, giới doanh nghiệp sẽ đỡ khó khăn phần nào. Kỳ vọng, với nỗ lực của Chính phủ, năm 2011 tập trung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kềm chế lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Cũng theo ông Lịch, hiện lãi suất huy động vẫn dương so với chỉ số lạm phát ở mức 2%. Do vậy, gửi tiết kiệm vẫn là  hình thức bảo toàn vốn an toàn và hấp dẫn với người dân.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến cáo, người dân hết sức tiết kiệm điện, nước và thắt chặt chi tiêu trong năm tới, không còn cách nào khác. Riêng doanh nghiệp cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết, tiết kiệm năng lượng, sắp xếp lại các khoản chi...

Để bảo toàn nguồn tiền nhàn rỗi hoặc tài sản tích cóp, ông Doanh khuyến cáo, người dân nên gửi tiết kiệm vào ngân hàng, theo dõi tình hình biến động thị trường. Nếu đầu tư để sinh lời, thì thị trường bất động sản, nhà đất chính là kênh đầu tư thích hợp, vì thị trường này sẽ tương đối ổn định so với các kênh khác trong năm này.


Theo Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn