GS Trần Văn Giàu trong mắt TS lịch sử Nguyễn Nhã

Thời sựThứ Tư, 22/12/2010 12:01:00 +07:00

(VTC News) - GS Trần Văn Giàu rất yêu Nam Bộ, yêu nước. Ông đã dùng tiền bán nhà (1.000 lượng vàng) lập giải thưởng cho các công trình nghiên cứu Nam Bộ.

(VTC News) - “Khi biết tin GS Trần Văn Giàu mất, tôi vội viết những dòng chữ này như một nén hương bày tỏ lòng tưởng nhớ đến một nhà cách mạng, nhà giáo, nhà văn hóa lớn, một trí thức yêu nước” – TS sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã viết riêng cho VTC News.

Trước năm 1975, tôi chỉ biết đến một nhà cách mạng  danh tiếng Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ chứ chưa biết đến một nhà giáo, nhà văn hóa tư tưởng danh tiếng Trần Văn Giàu. 

Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975), ấn tượng đầu tiền về GS Trần Văn Giàu là những tác phẩm nghiên cứu về văn hóa tư tưởng Việt Nam như: “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám” ( 1975), “Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: Tư tưởng yêu nước” (1983). 

 TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (ảnh: internet)

Cũng từ những ấn tượng đó, tôi mong muốn được gặp GS Trần Văn Giàu. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc là khi mời GS Trần Văn Giàu làm chủ tọa buổi tọa đàm về cụ Phạm Thận Duật (1825–1885, là một đại thần triều Nguyễn trong nhóm “chủ chiến” của triều đình Huế).

Theo Vọng Sơn Niên Phổ cũng như “tấm bia đá dấu mặt” ghi rất rõ cụ Phạm Thận Duật được vua Hàm Nghi cử về Bắc tổ chức phong trào Cần Vương, đi ra đến thôn Hà Trung, Quảng Trị bị bắt đưa về Huế rồi bị đày đi Côn Đảo và qua Tahiti, trên đường đi bi bệnh rồi được thùy táng. Tham dự tọa đàm, GS Trần Văn Giàu rất hùng hồn rửa sạch nỗi oan khuất cho nhân vật lịch sử đã bị ngộ nhận là đã ra đầu thú Thực dân Pháp. Và từ đó, nhiều hội nghị khoa học và nhiều tác phẩm về cụ Phạm Thận Duật ra đời sau những bước đường tiên phong của nhà văn hóa khả kính này.
 
Khi tham gia sáng lập và quản lý trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM), tôi thường mời GS. Trần Văn Giàu đến dự những buổi lễ hay sinh hoạt văn hóa, và ông đều vui vẻ nhận lời. Còn nhớ, năm 1996, chúng tôi tổ chức giới thiệu 40 món ăn 3 miền. GS. Giàu có tham gia và tỏ ra hào hứng với chủ đề này. GS đã khích lệ để chúng tôi tự tin hơn, năm 1997, nhóm nghiên cứu văn hóa ẩm thực của trường ĐH Hùng Vương tổ chức giới thiệu 170 món ăn 3 miền và hội nghị khoa học chủ đề “Bản sắc Việt Nam trong ăn uống”. Cũng từ đó hoạt động nghiên cứu ẩm thực, các câu lạc bộ, tạp chí ẩm thực và hoạt động về ẩm thực 3 miền phát triển không ngừng.

Khi ca trù còn khó khăn, nhân ngày sinh nhật 90 tuổi của GS Trần Văn Giàu, tôi đề nghị mời các nghệ nhân ca trù đến chúc thọ ông, được GS hoan nghênh và đây cũng là chầu hát ca trù “sống”, ca trù mừng thọ mở đầu hàng loạt các chầu ca trù “sống” khác. Dịp này, chúng tôi mời được các đào nương vang bóng một thời đến hát như bà Hồng Thái - đào nương hát hay nổi tiếng vùng Kiến Xương, Thái Bình. Đào nương Hồng Thái chuyên hát ở cửa quan, cửa đình, hát hay đến mức được quan viên sở tại cấp ruộng để dành “toàn tâm toàn ý” cho nghề hát ca trù. Nhưng khi vào Nam, có giai đoạn đào nương  Hồng Thái toàn phải đi hát chầu văn vì lúc bấy giờ chẳng ai còn nghe ca trù nữa.

 Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải thăm GS Trần Văn Giàu (ảnh: TTXVN)

Đất sống cho ca trù Sài Gòn thật sự không nhiều, do người trẻ ở TP không nghe được ca trù bởi trước hết là tiết tấu quá chậm. Thứ nữa, đây là loại hình nghệ thuật hàn lâm, phải yêu thơ, hiểu thể loại hát nói thì mới thưởng thức được ca trù... GS Trần Văn Giàu đã góp ý trong buổi biểu diễn ca trù mừng thọ rằng: “Cần dạy cho học trò thơ ca trù, thơ truyền thống. Chính những người yêu thơ truyền thống, có thể sáng tác thơ truyền thống như xưa mới có người thích nghe ca trù như xưa được”.

Qua những lần tiếp xúc, tôi thấy GS Trần Văn Giàu là người rất quan tâm đến văn hóa dân tộc, đã động viên các thế hệ hậu sinh như tôi tích cực hoạt động nghiên cứu và gìn giữ bản sắc Việt. 

GS Trần Văn Giàu đã dùng tiền bán nhà (1.000 lượng vàng) lập giải thưởng cho các công trình nghiên cứu Nam Bộ là gương sáng cho những ai có nhiều tiền  bạc, nên dành cho việc làm có ích. GS Trần Văn Giàu là người rất yêu Nam Bộ, yêu đất nước Việt.

TS.Hãn Nguyên Nguyễn Nhã

 
Bình luận
vtcnews.vn