GS Phong Lê: Phải lựa chọn giữa giáo dục và chỉ số GDP!

Tổng hợpThứ Hai, 19/11/2012 08:05:00 +07:00

Đó là những tâm sự của nguyên Viện trưởng Viện Văn học khi bàn về chất lượng giáo dục hiện nay.

Đó là những tâm sự của nguyên Viện trưởng Viện Văn học khi bàn về chất lượng giáo dục hiện nay. Ông cho rằng, sức mạnh của một dân tộc không phải (hoặc không chỉ) nằm ở các con số GDP mà chính là nền văn hóa, giáo dục của dân tộc ấy. Mà giáo dục Việt Nam thì đang trong một cơn khủng hoảng không biết đã đến đáy hay chưa...

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều cuốn truyện tranh cổ tích với nội dung sai lệch so với phiên bản gốc. Từ chuyện Cám mắng Tấm: “Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà…” đến chuyện Lang Liêu thay vì mơ thấy thần linh báo mộng, bày cách làm bánh chưng dâng vua thì lại “được” lạc vào cuộc thi "Vào bếp với người nổi tiếng", rồi Anh Khoai trong “Cây tre trăm đốt” có tóc màu xanh lá cây hay Thạch Sanh mang mái tóc màu đỏ... Ông nghĩ gì về điều này?

Tất cả những giá trị dân gian đều có bản gốc của nó. Đối với người nghiên cứu thì thường rất tôn trọng các bản gốc, vì đó là tinh hoa của lịch sử dân tộc để lại cho hậu thế. Nhưng cũng không có nghĩa không được phép cải biên. Tuy nhiên, đã cải biên thì vẫn phải trung thành với tinh thần cơ bản, giá trị giáo dục, nhân văn của tác phẩm, chứ không được làm theo kiểu ấu trĩ, lệch với suy nghĩ chung của mọi người. Sửa mà sửa thành sai như trên thì rõ ràng chúng ta đang xúc phạm đến người xưa.


Tuy nhiên, loại truyện tranh này có vẻ đang được cổ xúy, khi mà rất nhiều nhà xuất bản tham gia vào “sân chơi” này, thậm chí cả NXB Giáo dục cũng phối hợp với Công ty Truyện tranh Art Sign để xuất bản hai bộ truyện tranh cổ tích mà phần lớn là những câu nói thời @ muốn tạo ra tính chất hài hước, “hiện đại hóa” nhưng thực chất thì lại tỏ ra khá nhí nhố?

Đó là hậu quả của nền kinh tế thị trường. Cả xã hội đang bị chi phối bởi áp lực kiếm tiền. Kể cả các nhà xuất bản cũng phải nghĩ cách để có tiền. Mà để có tiền thì phải in những quyển sách ăn khách, mặc cho nó có phù hợp với truyền thống giáo dục hay không. Chỉ cần sách bán được là họ in, bất chấp bản thảo đó như thế nào. Đấy gọi là nền giáo dục “làm tiền”.

Để giải quyết vấn đề này, cần phải tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, những đánh giá của các nhà chuyên môn về chất lượng sách và cơ quan có trách nhiệm cao nhất sẽ phải ra tay kịp thời để tránh làm ảnh hưởng đến định hướng giáo dục xã hội.

Nếu như việc cải biên truyện cổ tích là sai thì theo ông tại sao giới trẻ vẫn hào hứng đón nhận, và không phủ nhận việc các em đang yêu thích những câu chuyện cổ tích “dị bản” này?

Nền tảng giáo dục của chúng ta đang bị sa sút. Nền tảng đó lại nằm trong bối cảnh lấy một nền kinh tế phát triển nóng làm cơ bản. Người ta có thể mất không 5 nghìn hay 7 nghìn tỷ cho một dự án kinh tế phiêu lưu nào đó nhưng chỉ cần một vài tỷ cho các công trình nghiên cứu thì lại rất dè dặt. Cái lệch này làm cho tất cả hệ thống giáo dục của chúng ta bị mất cơ bản hoàn toàn. Trẻ con bây giờ thậm chí không biết Nguyễn Du là ai. Hơn nữa, chính người lớn còn làm chưa đúng thì sao trẻ con làm đúng được. Trẻ con thì hay bị cám dỗ bởi những cái lạ, giật gân… nên việc các em tiếp thu cái xấu rất nhanh là điều dễ hiểu. Chúng ta phải có định hướng giáo dục cho con trẻ chứ không thể chạy theo sau các em được.


Nói đến truyện cổ tích Tấm Cám, chắc hẳn ông còn nhớ cách đây một năm, dư luận tranh cãi về việc có nên sửa đoạn kết của truyện hay không. Dường như, ngay cả việc biên soạn những tác phẩm dân gian cũng phụ thuộc vào cảm quan của người chủ biên chứ không có một quy chuẩn nào cả?

Mỗi quyển sách ra đời, chúng ta phải quan tâm xem nó được ai xuất bản và chủ biên là ai? Nhìn vào những yếu tố đó có thể đánh giá được chất lượng quyển sách như thế nào. Nếu đó là một nhà khoa học nghiêm chỉnh, đứng đắn thì không bao giờ bắt phải thay đổi những tác phẩm nghệ thuật của dân gian, dân tộc cả. Chuyện như thế nào, hãy cứ để nguyên như thế. Dân gian và lịch sử sẽ có cách đánh giá riêng về tác phẩm đó. Tất cả những công trình đã thuộc về di sản của văn hóa dân tộc phải được đảm bảo biên tập, ấn hành có trách nhiệm chứ không thể xuyên tạc được.

Thời gian vừa qua cũng xuất hiện bài văn của một học sinh vào vai nhân vật Cám để kể lại chuyện Tấm Cám với lời lẽ nanh nọc, độc ác. Liệu tác giả của bài viết có phải là một bạn trẻ quá lạnh lùng, vô cảm như nhiều người vẫn nghĩ?

Tôi cho rằng nếu tác giả bài viết vào vai nhân vật Cám và thể hiện để người đọc cảm thấy ghét mình, tức là ghét Cám thì đó là thành công của tác giả rồi. Tư tưởng chủ đề của truyện Tấm Cám là chúng ta phải ghét nhân vật Cám, ghét cái ác và thương cảm cho cô Tấm cũng như ủng hộ tất cả những thế lực tốt đẹp. Nếu em học sinh đó thể hiện chân dung một cô Cám nhu mì, yếu đuối để người đọc thấy xót xa thì lại hỏng bét.

Vậy còn ý kiến cho rằng lỗi là của thầy cô giáo, khi ra đề văn như vậy đã vô tình khơi tính ác cho học sinh?

Nói thế hơi oan cho các thầy cô. Vì thật ra, trong truyện Tấm Cám có rất nhiều nhân vật mà học sinh có thể vào vai để kể lại câu chuyện. Có thể là Tấm, là Cám, cũng có thể là con cá bống… Chỉ cần nhân vật đó nằm trong chỉnh thể của truyện Tấm Cám và nằm trong tương quan với các nhân vật khác của truyện.

 
Câu chuyện “canh gà Thọ Xương” xôn xao dư luận thời gian qua, có lẽ không cần phải bàn ai đúng ai sai nữa. Nhưng điều mà nhiều người quan tâm là nên ứng xử như thế nào với những sai lầm ấy?

Bản thân cô giáo cũng là một thạc sỹ được đào tạo bài bản trong môi trường sư phạm và rất yêu nghề. Tôi thì nghĩ chắc chỉ do một phút đãng trí thôi chứ bản thân cô không phải không có trình độ. Sau khi bị dư luận chỉ trích nặng nề, cô giáo ấy cũng đã phải nhập viện vì suy sụp. Đây thực sự là một tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc. Cá nhân tôi cũng thấy thương. Nhưng giáo dục là môi trường cần phải nghiêm khắc và kỷ luật nhất, bởi sai một ly là đi một dặm, có thể phá hủy ý thức của cả một thế hệ trẻ. Vì thế, cảm thông nhưng không có nghĩa là xuề xòa bỏ qua, tạo tiền lệ xấu trong cho nền giáo dục nước nhà.

Cách đây vài năm, người ta đã bàn đến vấn đề “Tiếng Việt đang bị Tây hóa”, nhưng nay người ta thẳng thừng tuyên bố “Tiếng Việt đang bị bóp méo, cưỡng bức…”. Có cảm giác đa số các bạn trẻ hiện nay cũng không còn quan tâm đến việc viết sao cho đúng chính tả, đặt câu sao cho đúng ngữ pháp hay sử dụng từ ngữ như thế nào cho đúng với ngữ nghĩa nữa mà các em chỉ thích “tiết kiệm” ngôn ngữ, rút gọn, giản tiện nó đi và “ai hiểu thì hiểu”?

Với tư cách là một người nghiên cứu văn học, tôi nghĩ khi thời cuộc chuyển động thì ngôn ngữ cũng sẽ chuyển động theo. Không thể cứng nhắc mãi được. Toàn bộ ngôn ngữ trung đại của chúng ta ổn định trong một khuôn, là vì toàn bộ xã hội chúng ta thời kỳ đó không có gì thay đổi. Kể từ “Nam quốc sơn hà nam đế cư” qua toàn bộ văn thơ Hán Nôm đến cuối thế kỷ 19 đều cùng trong một khuôn hình và đều hiểu được. Nhưng sang đến thế kỷ 20, thì xã hội và văn học, ngôn ngữ đã thay đổi rất ghê gớm. Từ ngôn ngữ Nguyễn Đình Chiểu sang đến ngôn ngữ của Thạch Lam hay Nam Cao đã quá khác rồi.

 
Từ những thập niên 90 đến nay, khi đất nước hội nhập thực sự thì xã hội đã biến động một cách khủng khiếp. Ngôn ngữ giới trẻ vì thế cũng đã khác đi, có thêm nhiều hình thức như ngôn ngữ @, ngôn ngữ internet, ngôn ngữ di động… Từ mới nhập vào, cấu trúc ngữ pháp ngắn gọn, linh họat hơn. Chúng ta không thể ép các em vào thế hệ của mình. Tuy nhiên, cái chúng ta quan tâm là làm sao biến đổi trên một cái gốc có sẵn, ổn định, bất biến, để không trở thành một cái gì khác nó. Tôi nghĩ vấn đề này nên để cho nhà trường giải quyết bởi dẫu sao hiện nay, nhà trường cũng đang là nơi đào tạo hơn 20 triệu trẻ em. Bên cạnh đó, các ngành khác như văn hóa, nghệ thuật cũng phải giữ được tính ổn định trong tiếng Việt chứ không thể nhà trường thì giảng một kiểu, mà các em về xem tivi thì thấy kiểu khác được.

Không ít trường hợp báo chí đã đưa tin cho thấy chính sách giáo khoa cũng bị in sai nghiêm trọng. Vậy học sinh biết đặt niềm tin vào đâu ?

Tôi cũng rất buồn khi ngày nay, cầm quyển sách giáo khoa lên mà thấy đầy những lỗi in sai chính tả, nhầm lẫn lung tung giữa các âm “x”, “s” hay “l” với “n”, “d” với gi”… Thậm chí, tôi thực sự sốc khi đọc tin một quyển sách do một NXB nào đó in bài toán lớp 1 là: “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay". Bài toán còn có phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên.

Sách dành cho học sinh là phải chuẩn, phải đầu tư kỹ lưỡng với đội ngũ chuyên gia thực sự giỏi. Tuy nhiên, chúng ta chưa huy động được tổng lực trí tuệ xã hội mà chỉ có một nhóm người quen thuộc nào đó thôi. Họ không phải là những người giỏi nhất.

Bàn đến vấn đề rộng lớn hơn, đó là hệ thống giáo dục của nước ta hiện nay. Đã biết bao hội nghị, hội thảo, rất nhiều đề xuất tâm huyết vì một nền giáo dục nhân bản, tiên tiến, hiện đại hơn nhưng vẫn chỉ là "đá ném ao bèo". Theo ông, vì sao?

Nghĩ đến giáo dục, lại thấy buồn. Nó như cái cây bật trơ cả gốc ra rồi, không dựng dậy mà chăm bón rồi cũng đến lúc tàn lụi. Tôi nghĩ những vấn đề của giáo dục hiện nay có viết thành mấy quyển sách cũng không hết được. Đây là một tác động của đời sống. Khi đất nước chuyển đổi từ chiến tranh sang hòa bình rồi hội nhập, phát triển đất nước thì vấn đề đầu tiên người ta nghĩ đến là kinh tế, là dự án, là những cái sinh ra tiền đã. Giáo dục là khởi nguồn của văn hóa. Mà văn hóa là biểu tượng của sức mạnh dân tộc- một sức mạnh mềm, chứ không phải hoặc không chỉ là các con số GDP hay ngân sách nhà nước. Chúng ta đang bỏ quên cái gốc căn bản, vì thế mới có những thảm trạng như trên.

 Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của GS. Phong Lê!

Thanh ươngthực hiện


Bình luận
vtcnews.vn