GS Ngô Bảo Châu công bố Quỹ Vì tinh thần hiếu học

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 03/09/2010 06:32:00 +07:00

(VTC News) - Sau 1 giờ làm việc khẩn trương tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, GS Châu đã chính thức công bố "cương lĩnh" của Quỹ khuyến học.

(VTC News) - Chiều 3/9, sau 1 giờ đồng hồ làm việc khẩn trương tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (65 Lạc Trung Hà Nội), GS Ngô Bảo Châu đã có cuộc gặp gỡ với báo chí để thông báo về những nội dung cơ bản nhất, có thể gọi là "cương lĩnh" của Quỹ Vì tinh thần hiếu học.

>> Chuyên đề: GS Ngô Bảo Châu và khát vọng Việt Nam

Như VTC News đã đưa tin, vào chiều 31/8, chỉ hơn một ngày sau lễ vinh danh GS Ngô Bảo Châu tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, anh đã có mặt tại VTC để họp bàn về việc thành lập quỹ khuyến học. Buổi họp đã thống nhất tổ chức một buổi “Bàn tròn trù bị thành lập Quỹ khuyến học do Ngô Bảo Châu sáng lập” tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC vào chiều 3/9/2010.

Cuộc họp trù bị của Quỹ Vì Tinh Thần Hiếu Học theo sáng kiến của GS. Ngô Bảo Châu có sự hiện diện của lãnh đạo và đại diện nhiều đơn vị như Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Tập đoàn Tuần Châu, các cơ quan truyền thông cùng nhiều nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp khuyến học như GS. Bành Tiến Long, GS. Hà Huy Khoái, PGS. Đỗ Tất Ngọc, TS. Cao Sỹ Kiêm, GS. Nguyễn Duy Tiến, đồng thời GS. Vũ Khiêu cũng gửi thư đóng góp ý kiến xây dựng Quỹ.

Sau 1 giờ họp bàn, GS Ngô Bảo Châu cùng ông Trần Duy Phương, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã có buổi gặp gỡ với báo chí để thông báo những nội dung cơ bản nhất của quỹ khuyến học sẽ có tên là Quỹ Vì tinh thần hiếu học. Dưới đây VTC News đăng tải nội dung thông báo do GS Ngô Bảo Châu trình bày với báo chí.

GS Ngô Bảo Châu công bố kết quả buổi họp về việc thành lập quỹ khuyến học
(Ảnh: Quang Minh).
 

 

Sau khi ở Ấn Độ về được đúng một tuần, tôi được VTC và các bạn bè giúp đỡ nên mới tổ chức được buổi hôm nay.

Về ý tưởng của Quỹ, tôi nghĩ, chúng tôi phải nhanh chóng làm Quỹ này vì đây là thời điểm hiếm hoi khi một giải thưởng có ý nghĩa to lớn như Huy chương Fields được trao cho 1 công dân, đặc biệt là 1 công dân của 1 nước đang phát triển. Đây là sự cổ vũ rất lớn cho thế hệ trẻ, vì thế, chúng tôi cũng cố gắng hết sức để xúc tiến nhanh buổi họp trù bị thành lập Quỹ, chứ không phải chờ đến 3 tháng hoặc 5 tháng nữa.

Quỹ tuyệt đối không dùng để quảng bá cho tên tuổi của cá nhân hay tổ chức nào mà chỉ dùng với mục đích duy nhất là khuyến học và công tác khuyến học. Vì vậy, chúng tôi không đặt trọng tâm vào việc quyên được nhiều, mà muốn làm thật tốt, trên cơ sở công khai và minh bạch, có kiểm toán độc lập. Chúng tôi mong muốn làm sao cho số tiền quyên góp được trao đúng cho các bạn có thành tích học tập xuất sắc, có hoàn cảnh khó khăn. Tư tưởng của Quỹ là chúng tôi cố gắng làm tốt chứ không làm nhiều.

Về hoạt động của Quỹ, như tôi đã nói, tôi muốn đã làm thì làm thật tốt. Quỹ này xuất phát từ sáng kiến cá nhân tôi và nhận được sự ủng hộ của nhiều rất nhiều người khác nhau nhưng dù sao cũng có tính chất cá nhân. Bản thân Quỹ không thể làm thay tất cả xã hội được, nên ban đầu, chúng tôi sẽ chỉ đặt ra 1 số đầu việc rất hạn chế sao cho tin tưởng có thể thực hiện được những việc đó thật tốt.

Trong năm đầu tiên, chúng tôi chỉ thực hiện hai đầu việc chính. Trong đó, chúng tôi trao học bổng cho 2 đối tượng. Đối tượng thứ nhất là các học sinh thi đại học đạt điểm cao và sinh viên Đại học có thành tích học tập xuất sắc. Đồng thời, có thêm 1 tiêu chuẩn nữa mà chúng tôi đánh giá quan trọng tương đương là tiêu chuẩn hoàn cảnh khó khăn.

Đối tượng thứ hai là sinh viên nghiên cứu sinh trong nước. Cho đến nay, Nhà nước chưa có quy chế học bổng cho nghiên cứu sinh trong nước, nên họ rất thiệt thòi. Họ phải đầu tư thời gian rất nhiều, mà không có sự hỗ trợ nào cả, nên rất khó khăn. Quỹ sẽ trao 1 số học bổng cho các em nghiên cứu sinh trong nước đạt thành tích xuất sắc. Việc đưa sinh viên ra nước ngoài và học tập ở nước ngoài hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng của Quỹ.

Ngoài việc trao học bổng cho các sinh viên, Quỹ có trách nhiệm thông qua hội đồng khoa học của Quỹ tìm cho sinh viên 1 người đỡ đầu là giảng viên đại học nơi sinh viên đó học tập. Người đỡ đầu đó có trách nhiệm hướng dẫn như 1 người anh, người đi trước. Nhiều khi những câu hỏi ấy rất đơn giản thôi, nhưng với 1 bạn sinh viên mới từ nông thôn ra thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì sẽ có nhiều bỡ ngỡ và họ cần người chỉ dẫn cho những việc nhỏ, đồng thời quán xuyến việc học tập cho các em. Tôi cho rằng đây là 1 sự hỗ trợ quý giá tương đương với chuyện hỗ trợ về tài chính.

Để cho hoạt động được lâu dài, chúng tôi không trả tiền cho người đỡ đầu, vì nguyên tắc thiện nguyện là chính, chúng tôi cung cấp 1 số trong khả năng tài chính hạn hẹp của Quỹ, để hỗ trợ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của họ. Chúng tôi muốn làm sao kết hợp các nhân tố tốt trong xã hội để họ cùng phát triển được tiềm năng của bản thân mình.

Để đảm bảo sự hoạt động hoàn toàn minh bạch của Quỹ, Quỹ sẽ có một Hội đồng quản lý Quỹ. Hội đồng này có trách nhiệm điều hành Quỹ và tôi làm chủ tịch điều hành. Tôi tin tưởng rằng Quỹ sẽ được thành lập trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, Quỹ còn có Hội đồng khoa học. Hội đồng quản lý Quỹ hoàn toàn không can thiệp vào việc chọn ai là người được nhận học bổng và giảng viên nào là người đỡ đầu. Bởi vì chúng tôi muốn hết sức minh bạch, những người ủng hộ, tài trợ tiền cho Quỹ và những người trao học bổng hoàn toàn tách bạch. Dự kiến, Giáo sư Hà Huy Khoái làm Chủ tịch Hội đồng khoa học, còn thành phần Hội đồng sẽ do GS Khoái và tôi sẽ thảo luận, rồi trình lên hội đồng quản lý Quỹ để họ có quyết định cuối cùng.

Theo quy định chung, Quỹ sẽ có Ban giám sát, có ít nhất 3 thành viên, hoạt động độc lập và kiểm soát toàn bộ hoạt động của Quỹ. Quỹ cũng sẽ có 1 sự kiểm toán hàng năm một cách độc lập và sẽ có 1 cơ quan tình nguyện giúp Quỹ việc này.

Quỹ sẽ có 3 sự kiện chính trong năm đầu tiên. Thứ nhất, lập hồ sơ trình với Bộ Nội vụ. Sau khi Bộ Nội vụ cho phép thành lập sẽ thông báo rộng rãi quy chế cấp học bổng của Quỹ chi tiết hơn nhiều so với dự thảo này, để chính thức nhận hồ sơ.

Sau khi nhận được hồ sơ sẽ đến phần thông báo kết quả tuyển chọn. Hội đồng khoa học sẽ họp, làm việc và chọn ra những học sinh xứng đáng nhất để nhận học bổng.

Thứ ba là vào cuối năm, tôi sẽ tổ chức một buổi liên hoan chung, cho tất cả những người đã sống cùng với quỹ trong năm vừa qua, sinh viên nhận học bổng và người đỡ đầu cho các em sinh viên, Hội đồng quản lý quỹ, Hội đồng khoa học, các nhà tài trợ và tất cả những người tham gia vào quỹ.

Cuộc họp hôm nay diễn ra không lâu lắm, chỉ từ 2h đến 3h chiều và kéo dài thêm 10 phút. Buổi họp hôm nay cũng đã dành rất nhiều thời gian để tranh luận về tên gọi của Quỹ. Cũng có nhiều người đề nghị vẫn giữ nguyên tên Quỹ là Quỹ học bổng Ngô Bảo Châu. Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều, và tôi vẫn xin bảo lưu tên Quỹ là Quỹ Vì tinh thần hiếu học.

 Ông Trần Duy Phương, Phó TGĐ Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí (Ảnh: Quang Minh)

 

Đối với Quỹ vấn đề truyền thông là vô cùng quan trọng. Truyền thông của Quỹ sẽ đảm bảo tên tuổi của Quỹ. Quỹ gắn với tâm huyết của nhiều người cũng như tên tuổi của cá nhân tôi, nên việc giữ gìn hình ảnh để quỹ “sống” được lâu là vô cùng quan trọng. Những cơ quan là nhà bảo trợ truyền thông chính thức của Quỹ, về mặt truyền thông có Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, ngoài ra còn một cơ quan báo giấy mà tạm thời chúng tôi chưa công bố, và sẽ trả lời các bạn sau khi có kết quả làm việc chính thức.

Về chuyện tài trợ, tôi cũng xin được trình bày như sau. Dự kiến của chúng tôi là ban đầu sẽ có một số sáng lập viên đóng góp tài trợ cho Quỹ, phần tài trợ đó sẽ được dùng để trao học bổng, chúng tôi sẽ không kêu gọi tài trợ ban đầu mà chờ đến dịp cuối năm, khi các em sinh viên nhận học bổng của Quỹ báo cáo lại kết quả học tập, chúng tôi sẽ tiến hành khen thưởng các em, và có thể lúc đó sẽ kêu gọi tài trợ thêm để phục vụ cho hoạt động của Quỹ trong năm sau.

Tạm thời chúng tôi đã lấy được một số các ý kiến của những người có nguyện vọng tham gia vào quỹ với vai trò là sáng lập viên. Trên cơ sở các sáng lập viên đó, chúng tôi sẽ thành lập một ban trù bị có một cán bộ chuyên trách của Quỹ sẽ lập hồ sơ cùng với GS Bành Tiến Long. GS Long là người sẽ giúp đỡ liên lạc với Bộ Nội Vụ để làm thủ tục thành lập Quỹ. Đấy là kết quả của buổi họp hôm nay.

GS.TSKH Bành Tiến Long (đứng) phát biểu tại Bàn tròn trù bị thành lập Quỹ
(Ảnh: Quang Minh).
 

Nội dung hỏi đáp giữa phóng viên một số cơ quan báo chí và GS Ngô Bảo Châu

- Báo điện tử VTC News: Sự khác biệt của Quỹ Vì tinh thần hiếu học với các quỹ khuyến học khác là như thế nào? Tính minh bạch của Quỹ được thể hiện như thế nào?

Sự khác biệt của Quỹ thì theo ngay ý tưởng ban đầu của tôi là không nhất thiết phải làm một cái gì thật là to lớn trước. Những gì chúng tôi làm sẽ hạn chế về đối tượng, nhưng chúng tôi bảo đảm là làm thật tốt. Những sự thay đổi trong các năm sau chúng tôi sẽ điều chỉnh sau.

Một sự khác biệt nữa ở chỗ, bản thân tôi là người sáng lập quỹ cũng như những người sáng lập quỹ không phải là người quyết định trao học bổng cho ai. Việc trao học bổng sẽ do một Hội đồng khoa học, hoạt động một cách khách quan, độc lập để chọn trao học bổng cũng như chọn những người đỡ đầu cho các em học sinh.

Ý tưởng có một người đỡ đầu theo tôi là một ý tưởng tương đối mới ở Việt Nam. Tại các trường ĐH lớn ở Anh như ĐH Cambrige thì đó là một thế mạnh của họ. Mỗi sinh viên đều có một người đỡ đầu. Người đỡ đầu ở đó không phải là đỡ đầu theo nguyên tắc cứ làm bài gì không hiểu mới hỏi, mà theo nguyên tắc là, ví dụ, học theo tín chỉ thì học kì tới sẽ học những tín chỉ nào, hoặc môn này khó anh có thể cho em một lời khuyên không... Người đỡ đầu sẽ theo dõi quá trình học tập của sinh viên ấy.

Chúng tôi chọn một số đầu việc hết sức hạn chế để trao học bổng trong năm đầu tiên nên chúng tôi tin tưởng là việc đảm bảo tài chính cho Quỹ là có thể. Việc chọn những ai được cấp học bổng là hoàn toàn do một Hội đồng độc lập và tôi không tham gia vào hội đồng đó. Khi mà Hội đồng đã quyết định thì Quỹ sẽ tôn trọng hoàn toàn quyết định do hội đồng đưa ra. Ngoài ra, cuối năm vẫn có một Hội đồng kiểm toán độc lập từ đầu đến cuối trước khi tiếp tục hoạt động trong năm tiếp theo.

- Báo Tuổi Trẻ: Tiêu chí chọn người đỡ đầu là như thế nào?

Là một giảng viên, nhà khoa học có uy tín và tâm huyết với sinh viên và có chuyên môn gần với ngành mà sinh viên đó học. Bản thân Hội đồng quản lý Quỹ không chọn người đỡ đầu, mà do Hội đồng khoa học toàn quyền chọn người đỡ đầu.

- Báo Hà Nội Mới: GS có chia sẻ là dành toàn bộ số tiền thưởng của giải thưởng Fields để sáng lập quỹ. Vậy hiện tại số tiền của Quỹ là bao nhiêu?

Số tiền đó là 15.000 đô-la Canada (số tiền dành cho giải thưởng Fields GS Châu nhận được – PV)
Tôi cảm thấy rằng vì giành được giải thưởng Fields này thấy phải có trách nhiệm lớn hơn nữa đối với đất nước. Tôi cũng phải cân nhắc rằng mình sẽ làm những gì có ích và có hiệu quả nhất cho đất nước. Đó là những gì tôi sẽ cố gắng làm.

- Kênh VTC 10: Vì sao quỹ mang tên là Vì tinh thần hiếu học chứ không phải là Quỹ học bổng Ngô Bảo Châu?

Cái tên Quỹ Vì tinh thần hiếu học đúng là dự định ban đầu tôi nghĩ để cổ vũ tinh thần hiếu học của người Việt Nam ta. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu để tên quỹ là Ngô Bảo Châu thì sẽ động viên các sinh viên nhận được học bổng của quỹ. Có thể là đúng như vậy, nhưng theo tôi nghĩ thay vì tên tôi được đưa vào quỹ thì bản thân tôi sẽ cố gắng động viên các em bằng việc viết thư và theo dõi thường xuyên kết quả của các em. Sự động viên như thế sẽ cụ thể hơn bằng việc chỉ nghe một cái tên đơn thuần. Theo tôi, sự cổ vũ nên thể hiện một cách cụ thể hơn.


- Báo Sài Gòn Giải Phóng: Lãnh đạo Viettel đã đồng ý tham gia vào hội đồng sáng lập Quỹ Vì tinh thần hiếu học chưa? Những người tham gia vào Quỹ cụ thể là đã có những ai, thưa GS?

Bên Tổng công ty Viettel rất nhiệt tình tham gia vào hoạt động của quỹ. Tôi tin tưởng Viettel sẽ nhiệt tình tham gia vào Quỹ, nhưng mức tham gia như thế nào sẽ được thông báo sau.

Buổi họp này là buổi họp đầu tiên và thời gian rất là ngắn nên chúng tôi chưa thể biết được những ai sẽ tham gia vào Quỹ. Nhưng một số anh em đã rất nhiệt tình điền vào phiếu để tham gia. Cũng chưa thể biết được mức độ tham gia là như thế nào. Phải chờ đến lúc nào có quyết định thành lập Quỹ học bổng này thì mới có danh sách cụ thể những sáng lập viên chính thức của Qũy.

- Báo Cựu Chiến Binh: Quỹ có những ưu tiên nào cho các con em các gia đình chính sách không? Bao giờ sẽ trao học bổng đầu tiên và số tiền trao là bao nhiêu?

Tôi có soạn thảo nhưng hết sức tóm tắt về nội dung thành lập Quỹ. Trong từ “hoàn cảnh khó khăn” có thể hiểu là có cả gia đình chính sách ở trong đó. Xin bác yên tâm và cảm ơn bác vì sự nhắc nhở này.

Khi nào Quỹ được Nhà nước cho vào hoạt động thì sẽ trao, nhưng hy vọng là đủ nhanh để trong năm học này quỹ có thể trao học bổng cho các em. Mức học bổng và số lượng học bổng do Hội đồng quản lý quỹ quyết định.

Nhóm Phóng viên VTC News

Bình luận
vtcnews.vn