GS Ngô Bảo Châu: bí quyết thành công là sự tự tin

Giáo dụcThứ Tư, 09/03/2011 01:30:00 +07:00

(VTC News) - “Tôi luôn tự nhủ rằng những thứ mình chưa biết chẳng qua là mình chưa được học, nếu được học rồi chắc chắn mình sẽ giỏi như những người khác".

(VTC News) - “Tôi luôn tự nhủ rằng những thứ mình chưa biết chẳng qua là mình chưa được học, nếu được học rồi chắc chắn mình sẽ giỏi như những người khác. Vì vậy sự tự tin vô cùng quan trọng. Đó cũng chính là lời khuyên dành cho các bạn”. GS Ngô Bảo Châu chia sẻ bí quyết thành công với sinh viên ĐHQGHN trong thời gian ngắn ngủi anh về nước.

- Được biết anh là người Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ 2 giành giải Fields. Để có được thành công như hôm nay chắc hẳn anh đã phải nỗ lực rất nhiều?


Mỗi ngày tôi phải tự nhủ rằng mình cần học thêm một điều gì đó, có thể là to, có thể là nhỏ nhưng phải nhập tâm. Có thể trong một thời kỳ nhất định chúng ta phải nỗ lực rất lớn để vượt qua một số khó khăn nhất định. Nhiều khi không phải lúc nào cũng "đi bộ" mà cũng có lúc phải "chạy". Tuy rằng bí quyết đi bộ cho nhanh cũng rất là khó.

Có tôi lần đi bộ leo núi với anh bạn Laurent Lafforgue một nhà toán học lớn người Pháp, tôi đi bộ như thế nào cũng không thể đuổi kịp được anh ấy. Về phòng tôi hỏi anh ấy có bí quyết đi bộ cho nhanh là gì. Bạn tôi cười nói có một bí quyết, đó là đầu tiên đặt chân trái lên trước chân phải, sau đó đặt chân phải lên trước chân trái”.

GS Ngô Bảo Châu chăm chú lắng nghe câu hỏi từ các bạn sinh viên ĐHQGHN (Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Anh từng là học sinh khối chuyên toán ĐH Tổng hợp Hà Nội. Vậy anh có tiết lộ 1 chút kỷ niệm riêng tư về quãng thời gian học tập dưới mái trường này?


Tôi nghĩ những kỷ niệm đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của mình trong những ngày học ở khối chuyên toán ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ngày đầu tôi đặt chân tới khối chuyên toán ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi gặp những người bạn mới đến từ các tỉnh.

Thời đó còn hết sức khó khăn nên bạn nào cũng gầy guộc, quần áo lôi thôi, dép đi loẹt quẹt, thậm chí nói còn ngọng. Nhưng trong ánh mắt của các bạn thì đều ánh lên niềm say mê học tập. Chỉ cần sau 2-3 trận bóng đá chúng tôi đã trở thành những người bạn hết sức thân thiết và tình cảm đó thì bây giờ vẫn như thế.

Trong thời gian 3 năm ở khối chuyên Toán, tôi được ở gần gia đình còn các bạn ở những tỉnh xa đã phải bắt đầu sống cuộc sống của một người trưởng thành nên sự gắn bó giữa chúng tôi rất là lớn. Đó là kỷ niệm lớn nhất của tôi với khối chuyên toán ĐH Tổng hợp Hà Nội.

- Lời khuyên của anh dành cho học sinh, sinh viên để có thể tự tin vững bước trên con đường các bạn đã chọn để đạt đến thành công?

Lời khuyên ở đây chính là sự tự tin. Khi tôi học ở Pháp, tôi thường xuyên cảm thấy kiến thức của mình không bằng các bạn. Thậm chí sau này, khi tôi đã thành danh tôi vẫn có cảm giác sự hiểu biết của mình không bằng những người khác.

Tuy nhiên không vì thế mà khiến tôi mất tự tin. Tôi luôn tự nhủ rằng những thứ mình chưa biết chẳng qua là mình chưa được học, nếu được học rồi chắc chắn mình sẽ giỏi như những người khác. Vì vậy sự tự tin vô cùng quan trọng. Đó cũng chính là lời khuyên dành cho các bạn.
Bí quyết thành công của GS Ngô Bảo Châu chính là sự tự tin ( Ảnh: Phạm Thịnh)

-  Là một người trưởng thành từ khối chuyên toán ĐH Tổng hợp Hà Nội, anh có thấy sự khác biệt nào trong tư duy làm toán của Việt Nam so với thế giới?



Tôi cũng đã có nhiều lần nói về vấn đề này, đó là việc đào tạo chuyên toán ở Việt Nam tạo ra những phẩm chất rất tốt cho những người làm toán sau này. Đó chính là khả năng nỗ lực cao và vượt qua những thử thách lớn.

Tuy nhiên, không nên quá tập trung vào toán sơ cấp dù nó là yếu tố rất cần thiết, là tố chất, nỗ lực của nhà toán học. Bản thân tôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu. Vì vậy, dần dần, ít nhiều, cần làm thêm những mảng về toán cao cấp cho học sinh khối chuyên toán. Tôi cho rằng sự khác nhau lớn nhất của Toán sơ cấp và Toán cao cấp là khả năng cảm thụ cái đẹp của Toán học.

- Khi phát hiện năng khiếu đặc biệt của học sinh thì anh sẽ làm cách nào để tài năng đó phát triển?

Khi người thầy phát hiện ra năng khiếu đặc biệt của 1 học sinh, sinh viên thì điều đầu tiên là không để em ấy biết vì điều đó sẽ nguy hiểm cho sự phát triển tâm sinh lý của em đó. Có nhiều người biết khả năng của mình sớm đã sinh ra ảo tưởng, không làm được việc gì. Đó là điều tối kỵ nhất.

Đào tạo nhân tài là vấn đề dài hạn không thể nói trong một thời gian ngắn được. Tôi nghĩ cái cái quan trọng nhất là làm sao để người trò giỏi có thể gặp được người thầy giỏi.
GS Ngô Bảo Châu trong cuộc nói chuyện giao lưu cùng các bạn sinh viên ĐHQGHN (Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Giới trẻ hiện nay thường chọn ngành để có công việc lương cao, làm việc cho các công ty nước ngoài hơn là việc dấn thân trong con đường khoa học cơ bản. Anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Đối với nhiều học sinh, sinh viên việc hướng các em vào những ngành khoa học ứng dụng là một việc làm đáng được khuyến khích.

Bên cạnh đó, những người hướng theo khoa học cơ bản phải thực sự có đam mê và đối với họ tình yêu với khoa học cơ bản đặt trên tất cả các phạm trù khác. Vì số người này không nhiều. Tôi nghĩ không nên ép buộc hay định hướng quá mức để một người đi vào khoa học cơ bản trái với sở nguyện và ý thích của họ.

- Dù đã ở trên đỉnh vinh quang trong việc nghiên cứu khoa học nhưng chắc hẳn anh vẫn có những dự định lớn hơn nữa trong tương lai?

Dự định đơn giản nhất và cũng là khó thực hiện nhất của tôi đó là tiếp tục việc làm toán cho thật tốt. Ngoài ra tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn việc đào tạo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Sắp tới nhà nước sẽ hỗ trợ thành lập Viện cao cấp về Toán. Tôi tin rằng việc ra đời của Viện sẽ có vai trò và khả năng lôi cuốn các nhà khoa học nước ngoài và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc và hợp tác.

Mục đích lớn nhất của Viện này là tạo ra ích lợi lớn nhất cho nền khoa học Việt Nam. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ không chỉ áp dụng cho Toán học mà sẽ mở rộng cho các ngành khoa học lý thuyết như vật lý lý thuyết, khoa học máy tính…

Phạm Thịnh (ghi)


Bình luận
vtcnews.vn